Tiêu điểm: Nhân Humanity

Năm 2023: Việt Nam gửi nước ngoài 13 yêu cầu dẫn độ

VOH - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động tương trợ tư pháp năm 2023.

Trong tương trợ tư pháp về dân sự, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết thực hiện ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký 2 Hiệp định song phương, đều đã được Chủ tịch nước phê chuẩn.

Ở lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, VKSND Tối cao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đàm phán thành công 3 Hiệp định song phương, còn Viện trưởng VKSND Tối cao đã ký 5 Hiệp định song phương, thực hiện ủy quyền của Chủ tịch nước.

Trong lĩnh vực dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đàm phán thành công 10 hiệp định song phương.

Thực hiện ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Công an đã ký 7 hiệp định song phương (3 hiệp định dẫn độ với Argentina, Iran, Ý, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Lào; 4 hiệp định chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù với Argentina, Iran, Ý, Kazakhstan).

Năm 2023: Việt Nam gửi nước ngoài 13 yêu cầu dẫn độ 1
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long

Đề cập đến việc thực hiện ủy thác tư pháp, Bộ trưởng Tư pháp thông tin năm 2023, Việt Nam gửi nước ngoài 2.385 ủy thác tư pháp về dân sự, nhận 1.830 kết quả. Trong khi đó, phía nước ngoài gửi Việt Nam 1.033 ủy thác tư pháp và nhận 1.231 kết quả.

Với việc thực hiện yêu cầu về dẫn độ, số liệu của Bộ Công an cho thấy năm 2023 Việt Nam đã gửi nước ngoài 13 yêu cầu về dẫn độ. Hiện Bộ Công an đang tiếp tục trao đổi với phía đối tác để hoàn thiện, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ Công an đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức bàn giao 2 đối tượng yêu cầu dẫn độ cho Liên bang Nga.

Về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, Việt Nam nhận 4 yêu cầu chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài và gửi đi 40 yêu cầu chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam.

"Các yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù từ Việt Nam gửi đi nước ngoài đang được tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật (xác minh quốc tịch, thông tin có liên quan...)", theo nhận định của Chính phủ.

Năm 2024, Bộ trưởng Tư pháp cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ và đề nghị TAND Tối cao, VKSND Tối cao chủ động trong xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Bình luận