Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ngày làm việc thứ ba - Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 14

(VOH) - Hôm nay, ngày làm việc thứ ba - Kỳ họp thứ 5- Quốc hội khoá 14.

Các đại biểu đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch và Dự án Luật Trồng trọt.

Sáng nay, thảo luận ở hội trường, các đại biểu đều nhất trí nhận định: Sau lần trình đầu tiên tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2017, Dự thảo Luật Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đến nay đã có những sửa đổi bổ sung quan trọng, để ngày càng hoàn thiện hơn. Dự luật là nền tảng pháp lý quan trọng cho việc hình thành và phát triển ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Nghe bài viết tại đây.   

 Tuy nhiên, khi thảo luận về Dự luật này, các đại biểu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về ưu đãi thuế trong các lĩnh vực nhạy cảm như casino hay thẩm quyền giao đất đến 99 năm; Các quy định chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, nguồn nhân lực và thẩm quyền của Trưởng các Đặc khu, Cơ chế giám sát như thế nào để tránh lạm quyền, nhưng vẫn đảm bảo quyền tự chủ cho lãnh đạo đặc khu.

Các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra

Ngày làm việc thứ ba - Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 14

Quan tâm đến vấn đề này, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa- Đoàn thành phố Hồ Chí Minh nói: “Có cần phải cho phép đến 3 casino không nêu mục đích của casino chỉ phục vụ cho việc cờ bạc của người nước ngoài. “Một nước quy mô nhỏ, phát triển rất cao, luật pháp rất nghiêm như Singapore cũng chỉ mở một casino từ năm 2012 sau hàng chục năm cấm đoan vậy mà hiện nay vẫn phát sinh nhiều hệ lụy xã hội. Chưa có casino mà chúng ta đã chịu tổn thất nặng về cán bộ và về nền kinh tế vì loại hình kinh doanh này. Tôi đề nghị chỉ cho mở 1 casino và phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Về lộ trình thành lập các đặc khu, do thí điểm nên đại biểu đề nghị không triển khai đồng loạt, chỉ nên làm trước một đặc khu để rút kinh nghiệm, sau đó mới làm tiếp. Lò đã nóng lắm rồi và chúng ta không ai muốn tiếp tục có thêm nhiều củi sau khi 3 đặc khu ra đời.”

Cho rằng nên mở rộng quyền của Trưởng đặc khu hành chính - kinh tế để tạo ra cơ chế thông thoáng nhưng nhiều đại biểu đặc biệt lưu ý tới việc phải chọn cán bộ giỏi và có một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, tránh lạm quyền. Một số đại biểu đề xuất nên để các đặc khu kinh tế này trực thuộc Trung ương để tránh nhiều tầng nấc.

Tranh luận về thẩm quyền giao đất đến 99 năm, đại biểu Dương Trung Quốc - Đoàn Đồng Nai nêu ý kiến: ”Chúng ta hết sức thận trọng. Chúng ta là những người sống đương đại, chúng ta có thể đại diện thế hệ c húng ta 100 năm nữa không. Nói đến đặc khu, chúng ta đừng bỏ qua 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là thử nghiệm, thử nghiệm có thành công, có thất bại, cho nên không thể phiêu lưu được. Cái thứ 2 là về địa chính trị, nhất là với khu Vân Đồn. Với tất cả những yêu tố ở đây trong đó có cả bất động sản, nhà cửa, không cẩn thận đó sẽ là nơi để di dân. Bởi 99 năm thì những nhà đầu tư CNC thời đại 4.0 này không cần đến thế chỉ những nhà đầu tư BĐS. Tôi vẫn tán đồng điều khoản này, nhưng cần hết sức thận trọng. Tôi đề nghị khi lấy biểu quyết thì lấy biểu quyết riêng ai đồng ý với 99 năm ấy. Và tôi rất mong QH có hình thức minh bạch ý kiến của ĐBQH chứ không thể chỉ bằng nút bấm chung chung này, chúng ta phải chịu trách nhiệm với tương lai, với những cử tri bầu ra mình.”

Trong phiên làm việc chiều nay, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Đây là dự án Luật được dự định thông qua tại Kỳ họp thứ 3 nhưng do còn nhiều ý kiến khác nhau nên đã được dời lại để tiếp tục xem xét tại Kỳ họp thứ 4, và tại kỳ họp thứ 5 này, dự án Luật Quy hoạch lại tiếp tục được đưa ra thảo luận. Các đại biểu cho rằng: Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động quy hoạch trong các luật có liên quan là cần thiết và các quy định này phải có hiệu lực thi hành đồng thời vào ngày 01/01/2019, bảo đảm sự đồng bộ với các quy định trong Luật Quy hoạch, tránh việc tạo ra các khoảng trống, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, phê duyệt và thực hiện hệ thống quy hoạch của cả nước.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Đoàn Quảng Bình cho biết: “Điều tôi quan tâm nhất luật quy hoạch có được cái hiệu lực để khắc phục được những hạn chế trong quá trình quy hoạch 1 cách tùy tiện, hoặc quy hoạch thiếu tính bền vững, hoặc quy hoạch thiếu thống nhất. Luật quy hoạch phải làm thế nào đó để trở thành bản chính trong vấn đề quy hoạch từ cơ sở đến TƯ…”

Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tổ về Dự án Luật Trồng trọt. Tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Trồng trọt để hoàn thiện khung pháp lý phát triển ngành trồng trọt theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, các đại biểu đánh giá, về cơ bản, các quy định trong dự thảo Luật phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật hiện hành, tương thích với pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn còn một số quy định chưa thống nhất với các Luật khác cần phải được xem xét cụ thể./.

Bình luận