Ngay trong tháng 4, TPHCM tập trung 5 nhóm vấn đề để từng bước chuyển đổi số

(VOH) - Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo TPHCM với doanh nghiệp, chuyên gia ngành Công nghiệp Công nghệ thông tin - Truyền thông vào chiều 15/4.

Trân trọng những đóng góp, đề xuất, hiến kế của các doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia ngày càng tham gia tích cực và hiến kế cho chuyển đổi số của Thành phố. Nội dung được chia sẻ tại Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo TPHCM với doanh nghiệp, chuyên gia ngành Công nghiệp Công nghệ thông tin - Truyền thông vào chiều 15/4.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị.  

Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, tổng chỉ tiêu lĩnh vực công nghệ thông tin tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng trên 4.300 chỉ tiêu/năm trên tổng khoảng 86.000 chỉ tiêu. Như vậy, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo khoảng 1/10 nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin cho Việt Nam.

Hiện Đại học này phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án “Đào tạo nhân lực số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy xã hội số”, Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân nói: “Mục tiêu chính của Đề án là tận dụng công nghệ để nâng chỉ tiêu, giữ chất lượng để đào tạo và cung cấp nhiều hơn nữa nhân lực cho chuyển đổi số, kinh tế số. Chúng tôi mong Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp cùng đồng hành cùng chúng tôi trong Đề án này, để làm sao vừa nâng được số lượng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo được chất lượng”.

Cần xác định chuyển đổi số là một cuộc cách mạng, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội tin học Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh đang chờ đợi một sự “hiệu triệu”, một cuộc cách mạng thực sự trong việc thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố: “Chưa bao giờ lực lượng công nghệ mong chờ và tin tưởng lãnh đạo Thành phố cùng chung tay góp sức. Muốn chuyển đổi số thành công, bộ máy điều hành của Thành phố cần được giao phó và có khả năng lãnh đạo.

Nói cách khác, chuyển đổi số phải được dẫn dắt từ trên xuống, bắt đầu từ những người đứng đầu Thành phố, cùng với sự đồng lòng ủng hộ tuyệt đối của các cấp. Thành phố cần chia chuyển đổi số thành nhiều mặt trận như: doanh nghiệp, quản lý nhà nước, cơ quan đảng và phục vụ người dân.

Hãy giao cho từng nhóm công tác theo dõi đôn đốc, chỉ một sở ngành như hiện nay thì không thể gánh vác hết sứ mạng này”.

Trân trọng những hiến kế cho sứ mạng chuyển đổi số của Thành phố 1
Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ với doanh nghiệp, chuyên gia ngành Công nghiệp Công nghệ thông tin - Truyền thông

Ghi nhận những đóng góp của đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia tại hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi bày tỏ, các hiến kế của các chuyên gia rất có ý nghĩa với Thành phố: “Qua các ý kiến, có năm việc chúng ta phải làm ngay trong tháng này. Thứ nhất là cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số. Thứ hai là chiến lược nguồn nhân lực chuyển đổi số. Thứ ba là chiến lược đảm bảo an ninh an toàn thông tin. Thứ tư là chiến lược dữ liệu. Thứ năm là kế hoạch xây dựng TPHCM trở thành Digital Hub. Trong tháng này, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM giúp và chỉ rõ đầu mối thực hiện các công việc này và có lộ trình”.

Theo báo cáo, định hướng phát triển của ngành công nghệ thông tin - truyền thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, ngành thông tin và truyền thông được kỳ vọng tiếp tục phát triển nhanh, mạnh để thúc đẩy chuyển đổi số trong kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của người dân và doanh nghiệp cũng như khơi thông và phát huy nguồn lực xã hội để phát triển Thành phố.

Có ba vấn đề lớn liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông lãnh đạo Thành phố đã chỉ rõ cần đặc biệt quan tâm: quản trị thành phố trong tình hình mới; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị Thành phố; Từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng Thành phố trong tương lai.

Trong đó, Chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh - năm 2022 được triển khai đồng bộ trên 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; tập trung vào các nhóm giải pháp lớn như Đổi mới và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, Phát triển hạ tầng số, Phát triển nền tảng số, Phát triển nguồn nhân lực và An toàn thông tin.

Bình luận