Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trên 6%

VOH - Các tổ chức quốc tế OECD, ADB, WB, IMF dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc với Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở mức 6-6,5% vào năm 2023-2024.

Ngày 3/6, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 về tình hình kinh tế - xã hội với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phân tích kỹ những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế, khó khăn, thách thức. Đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, trọng tâm là sản xuất công nghiệp để phân tích, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân khách quan, nhằm có giải pháp xử lý, tháo gỡ.

Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trên 6% 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp - Ảnh: VGP 

Báo cáo gửi Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sản xuất, kinh doanh trong tháng 5 cải thiện. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,2% so với tháng trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,9%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Trong hai năm 2023 - 2024, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,5% và 6,6%; ADB dự báo là 6,5% và 6,8%; WB dự báo mức tăng là 6,3% và 6,5%; IMF dự báo tăng 5,8% và 6,9%.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường. Đó là sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn; áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá là chậm lại nhưng vẫn ở mức cao.

Xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát; rủi ro gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu...

Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trên 6% 2
Nhiều thách thức lớn cần tháo gỡ cho nền kinh tế - Ảnh: internet 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các giải pháp trọng tâm, bao gồm tập trung theo dõi tình hình thế giới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Bộ Tài chính triển khai hiệu quả chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế; sớm đề xuất chính sách tài khóa, giảm thuế, phí, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ, đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng...

Ngân hàng Nhà nước phấn đấu giảm lãi suất; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, theo dõi chặt chẽ tình hình nợ xấu, rà soát các gói tín dụng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi…

Các bộ ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường, khai thác hiệu quả thị trường nội địa; rà soát xử lý nhanh thủ tục đầu tư xây dựng với dự án bất động sản…

Bình luận