Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phải ứng phó với dân số già

(VOH) - Chủ đề ngày Dân số VN năm nay là "Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”, cho thấy tính cấp bách trong bối cảnh VN đang bước sang giai đoạn già hóa dân số.

Tính đến hết năm 2014, tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta chiếm hơm gần 11% dân số và được đánh giá là nhanh nhất so với nhóm quốc gia phát triển cao. Bên cạnh đó, là sự mất cân đối về giới tính, mức sinh giữa các vùng miền... đòi hỏi ngành dân số phải kịp thời điều chỉnh chính sách dân số phù hợp với tình hình mới.

Nhân ngày dân số Việt Nam 26/12, phóng viên Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) trao đổi với ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình – Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Văn Tân. Ảnh: doisongphapluat

*VOH: Vấn đề già hóa dân số đang là nỗi lo của nước ta. Ngành dân số có kế hoạch ứng phó gì trước thực trạng này?

- Ông Nguyễn Văn Tân: Già hóa dân số đặt ra hàng loạt vấn đề về an sinh xã hội, về đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Làm thế nào để đảm bảo lực lượng lao động cho quá trình già hóa đang diễn ra, chúng ta phải thay đổi, điều chỉnh chính sách, phải có hệ thống chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Chúng ta phải tính đến quỹ lương hưu như thế nào tránh vỡ quỹ, phải thay đổi chính sách đóng bảo hiểm xã hội, chế độ hưởng bảo  hiểm xã hội và lương hưu để quá trình này diễn ra tốt đẹp, tránh tình trạng vỡ quỹ lương hưu như cảnh báo của tổ chức lao động quốc tế.

Các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nước ta. Cùng với việc xây dựng nhà dưỡng lão thì đồng thời phải phát huy mô hình chăm sóc người cao tuổi neo đơn, già yếu dựa vào cộng đồng. Các vấn đề này đặt ra đòi hỏi phải thích ứng chứ không thể thay đổi quá trình già hóa được.

*VOH: Cùng lúc nước ta vừa vào dân số vàng nhưng đồng thời lại già hóa dân số, hai quá trình cùng lúc đặt ngành dân số đứng trước cơ hội và thách thức nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Tân: Năm 2007 bước vào dân số vàng đến năm 2011 thì già hóa dân số. Hai quá trình này gần như ngược nhau, xử lý đồng bộ sao cho vấn đề này không ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề kia.

Ví dụ, quá trình già hóa dân số đang diễn ra, để tránh áp lực về quỹ bảo hiểm xã hội và lương hưu thì từng bước nâng cao tuổi về hưu, nhưng áp lực của dòng lao động trẻ tuổi còn rất lớn do mức sinh cao trước kia. Do vậy, nếu nâng tuổi lương hưu cũng sẽ cản trở dòng lao động do lực lượng lao động vào thời kỳ vàng chưa đảm bảo công ăn việc làm.

Đây là vấn đề lớn cần tính toán cân đối giữa các yếu tố, là bài toán không dễ giải nhưng chúng ta không có cách nào giải quyết tốt nhất.

*VOH: Một vấn đề nóng của dân số là sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền đặc biệt là  TPHCM có mức sinh thấp nhất cả nước. Số con trung bình của một phụ nữ trong tuổi sinh đẻ tại TPHCM là 1,39 con, trong khi cả nước là 2,1 con. Ông đánh giá như thế nào riêng với TPHCM?

- Ông Nguyễn Văn Tân: Có một thực tế, TPHCM nói riêng và khu vực miền Đông Nam bộ nói chung, so mặt bằng cả nước mức sinh khá thấp.

Yếu tố thứ nhất là khách quan, tỷ lệ dân đô thị cao trong một môi trường mà lối sống đô thị ngày càng phổ biến. Mức sống, thu nhập bình quân đầu người, những yếu tố du nhập về văn hóa, trình độ học vấn cao lên của người dân TPHCM. Có yếu tố khác phải kể đến nữa là chi phí, điều kiện nuôi dạy con cái tại TPHCM đắt đỏ khiến các cặp vợ chồng lựa chọn ít con.

Chưa kể bộ phận thanh niên không mong muốn kết hôn, không muốn có gia đình, họ chọn lựa lối sống độc lập, tự chủ, tự do hơn – xu hướng của lối sống hiện đại.

Trong tương lai, dân số đều đi theo quy luật này nhưng TPHCM diễn ra trước nên phải nghiên cứu, xem xét một cách hết sức đầy đủ để tìm giải pháp can thiệp, nâng mức sinh lên.

Cũng khó để nâng lên bằng cả nước nhưng làm sao cho mức sinh này đừng xuống nữa, từng bước nâng lên, được mức nào hay mức ấy, đồng thời qua đó tích lũy kinh nghiệm để ứng phó xu hướng tương lai.

Dân số chúng ta cũng theo quy luật giống như TPHCM.

*VOH: Chúng ta đang chuyển đổi thông điệp truyền thông, chuyển khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng nên sinh từ 1 đến 2 con sang sinh đủ 2 con. Thông điệp này có ý nghĩa như thế nào trong chính sách dân số, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Tân: Nếu như trước đây, xu thế truyền thông làm thế nào để người dân sinh ít con thì nay phải xoay ngược. Vận động các cặp vợ chồng không chỉ vì lợi ích, hạnh phúc gia đình mà còn vì tương lai của cộng đồng, của dân tộc, cố gắng sinh đủ 2 con.

*VOH: Cảm ơn ông.

Bình luận