Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phát biểu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại lễ khánh thành Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định

Phát biểu của đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ tại lễ khánh thành Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Trong không khí vui mừng, phấn khởi chuẩn bị chào đón năm mới 2016, hôm nay chúng ta hân hoan họp mặt tại đây để dự lễ kỷ niệm 20 năm Ngày Truyền thống Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi và khánh thành Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định do Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã nhiệt tình và tâm huyết chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Được đến thăm và chiêm ngưỡng Khu Truyền thống cách mạng này, chúng ta cảm thấy rất hãnh diện và tự hào. Hãnh diện, vì Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã quán triệt vận dụng những lời dạy quý báu của Bác Hồ về việc giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng ta cho nhân dân, cho thế hệ trẻ và cho đời sau để xây dựng thành công tốt đẹp công trình này. Tự hào, vì trong tình hình chung còn có những khó khăn chúng ta đã nỗ lực phấn đấu vượt qua chính mình để xây dựng cho thành phố mang tên Bác có được một công trình với quy mô hoành tráng, có ý nghĩa lớn về chính trị, lịch sử, văn hóa và tâm linh, có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc, có sức sống bền vững, mang tính nhân văn sâu sắc và in đậm dấu ấn của một thành phố nghĩa tình.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TPHCM dâng hương trước đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khu Đền thờ chính.

Khu truyền thống này là bức tranh toàn cảnh thu nhỏ con đường đấu tranh trường kỳ, gian khổ mà Đảng bộ và nhân dân thành phố chúng ta đã trải qua trong nhiều chặng đường lịch sử:

Thời kỳ 1930 - 1945, Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ra đời và lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công tại thành phố; thời kỳ 1945 - 1954, Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ; thời kỳ 1954 - 1975, Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.

Những hình ảnh và tư liệu giới thiệu khu truyền thống này đã để lại trong lòng người xem niềm kiêu hãnh lớn. Chúng ta thấy rõ, tại những “vành đai đỏ” thiêng liêng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định xuyên suốt qua nhiều thời kỳ lịch sử, là địa bàn hoạt động cách mạng bí mật của nhiều đồng chí Tổng Bí thư lỗi lạc của Đảng, từ đồng chí Trần Phú đến các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh. Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là nơi chiến đấu quên mình của biết bao cán bộ, đảng viên trung kiên và dũng liệt, những người con trung hiếu mẫu mực của nhân dân. Các đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Phan Đăng Lưu - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng; các đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Võ Văn Tần, Tạ Uyên; các đồng chí Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Quốc Thảo; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Gia Định Nguyễn Trọng Tuyển... Nguyễn Hồng Đào, đã xả thân hy sinh và ngã xuống trên mảnh đất quê hương thân yêu này.

Trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 cũng như trong hai năm 1951 - 1952 của thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong hai năm 1958 - 1959 của giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong cuộc đấu tranh sống mái với kẻ thù, Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã bị tổn thất nặng nề. Cơ sở Đảng chính quyền cách mạng và lực lượng kháng chiến ở nội thành thời ấy hầu như bị tan vỡ. Cảm động biết bao, khu truyền thống này đã đưa chúng ta “trở về nguồn” để thấy rõ máu đào của đảng viên, cán bộ và người dân yêu nước ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã nhuộm đỏ trên từng trang sử.

Việc tiến hành xây dựng khu truyền thống cách mạng này trong thời điểm kết thúc năm 2015 là một món quà rất có ý nghĩa để Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chúc mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tôi tin rằng, sau khi hoàn thành, kể từ ngày hôm nay, Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định sẽ góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của đông đảo đảng viên, cán bộ chiến sĩ và đồng bào, giúp vào việc nâng cao lòng tự hào là công dân của thành phố Anh hùng mang tên Bác Hồ vĩ đại, xây dựng niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, cung cấp kiến thức để mỗi đảng viên, cán bộ và nhân dân không ngừng nâng cao hơn nữa truyền thống yêu nước, rèn luyện bản lĩnh chính trị và khí phách của chủ nghĩa anh hùng, ra sức phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Tôi rất trân trọng ghi nhận công lao và chân thành biết ơn các đồng chí cán bộ lãnh đạo của thành phố, đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, cán bộ của ngành thiết kế mỹ thuật, làm công tác bảo tồn bảo tàng và toàn thể anh chị em công nhân đã lao động quên mình để xây dựng công trình này. Tôi mong rằng, trong thời gian tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục ra sức sưu tầm thêm nhiều hình ảnh, tư liệu và hiện vật phong phú hơn để ngày càng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống của Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Bình luận