Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành họp xuyên đêm chỉ đạo ứng phó bão

(VOH) - Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, phòng họp trực tuyến của các địa phương miền Trung mở xuyên đêm 27 rạng sáng 28/9 để điều hành công tác phòng chống lụt bão.

Khoảng 22h tối 27/9, sau khi kết thúc cuộc kiểm tra, làm việc tại Quảng Trị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đến Thừa Thiên Huế kiểm tra, điều hành công tác phòng chống bão Noru từ trụ sở Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.

Vào lúc 0h ngày 28/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành triệu tập các đầu cầu địa phương báo cáo diễn biễn tình hình, các ảnh hưởng của bão.

Điều hành phòng chống bão Noru: Phó Thủ tướng Lê Văn Thành họp xuyên đêm ở tâm bão 1
Vào 0h ngày 28/9, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng triệu tập các điểm cầu, cùng các thành viên Ban chỉ đạo nghe báo cáo diễn biễn tình hình từ các địa phương để có chỉ đạo phù hợp (Ảnh:VGP)

Sáng sớm 28/9, tại điểm cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục có cuộc làm việc với các địa phương về diễn biến và ảnh hưởng của bão số 4 – bão Noru.

Cập nhật thông tin mới nhất, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người. Trong đêm có 1 trường hợp phụ nữ trở dạ, được xe quân sự chở đến bệnh viện. Về thiệt hại tài sản, có 2 nhà tốc mái, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục lại 89 trạm), ngã đổ 75 cây xanh và một số biển hiệu.

Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh cũng chưa ghi nhận thiệt hại về người. Có một số nhà dân bị tốc mái (chưa thống kê được số lượng cụ thể) và gãy đổ một số cây xanh tại huyện Lý Sơn, mất điện tại 6 huyện. 

Đại diện tỉnh Quảng Trị cho biết, có một số nơi gió cấp 6, giật cấp 8. Ngoài thiệt hại về lốc xoáy mà Phó Thủ tướng kiểm tra chiều qua 27/9, hiện trên địa bàn có một số cây xanh gãy đổ, chưa ghi nhận các thiệt hại khác. 

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trên địa bàn có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa 3 ngày một số nơi đã vượt 300 mm), có gió giật cấp 7 đến cấp 9. Có 1 nhà sập, 10 nhà tốc mái, và 1 người bị thương nhẹ. 

Từ đầu cầu Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, lúc này phải chuẩn bị ứng phó hoàn lưu bão; cần tổ chức các đoàn công tác đến kiểm tra các địa bàn xung yếu. 

Điều hành phòng chống bão Noru: Phó Thủ tướng Lê Văn Thành họp xuyên đêm ở tâm bão 2
Sáng sớm 28/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục có cuộc làm việc với các địa phương về diễn biến và ảnh hưởng của bão (Ảnh:VGP)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117 km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 50 km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h ngày 28/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6 (39-49 km/giờ), giật cấp 7. 

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ). 

Trong ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 120-200 mm, có nơi trên 250 mm; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. 

Từ ngày 28/9 đến ngày 29/9, khu vực Bắc Trung Bộ, có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt; vùng ven biển, đồng bằng Bắc Bộ và Hòa Bình lượng mưa phổ biến từ 70-150 mm/đợt, có nơi trên 180 mm/đợt. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.

Bình luận