Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông Tây Nguyên

VOH - Ngày 20/9, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ Nhất.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh cùng các sở, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.

Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch Đầu đã đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù cần ưu tiên thực hiện sớm gồm: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; các chính sách về phát triển kinh tế rừng, giải quyết có hiệu quả đất ở, đất sản xuất cho người dân; công tác quản lý và bảo vệ môi trường; các chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, du lịch, phát triển nguồn nhân lực...

Trong đó, cần ưu tiên phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông như tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; nghiên cứu đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Ngọc Hồi - Pleiku, Pleiku - Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa); mở rộng, nâng cấp các cảng Hàng không Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột…

Tây Nguyên
Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ Nhất được tổ chức tại Đà Lạt - Ảnh: Báo Lâm Đồng

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân 5 tỉnh Tây Nguyên đề xuất nhiều ý kiến về các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.

Hầu hết các địa phương đều đề xuất có cơ chế sớm xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông (về đường bộ, hàng không) tạo sự liên kết vùng chặt chẽ giữa các tỉnh, hình thành một mạng lưới giao thông, hạ tầng logistics hoàn chỉnh giúp các tỉnh Tây Nguyên phát triển kinh tế, nhất là du lịch xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá: “Sự cố ở Đắk Lắk vừa qua, cho thấy vai trò đặc biệt của Tây Nguyên. Tây Nguyên có nhiều điều kiện để phát triển. Trong đó, điều kiện tiếp cận đất đai lớn hơn các vùng miền khác. Tây Nguyên lại có khoáng sản, có bề dày văn hoá truyền thống…”.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo, trước mắt sẽ ưu tiên cho ba nhiệm vụ chính gồm hoàn thiện, kết nối hạ tầng giao thông cho toàn vùng, tiếp đó liên kết với các vùng, địa phương lân cận.

Các tỉnh Tây Nguyên cần xây dựng cơ chế để phối hợp trong việc thực hiện thu hút, xúc tiến đầu tư với nguyên tắc vì sự lợi ích chung của toàn vùng. Nhiệm vụ quan trọng không kém chính là chiến lược phát triển nông nghiệp theo chuỗi, từ việc xây dựng vùng nguyên liệu, hệ thống nhà máy sản xuất để tận dụng lợi thế của khu vực.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thực tế, hành lang pháp lý đã có đủ và 3 nhiệm vụ chính trên sẽ sớm được triển khai, sau đó sẽ đẩy mạnh thực hiện trong 2 năm tiếp theo để kịp thời hạn đề ra.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trước mắt và lưu ý một số vấn đề về biến đổi khí hậu, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Tây Nguyên.

Tây Nguyên là địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước.

Toàn vùng đã đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng như GRDP bình quân đầu người năm 2022 gấp 11 lần so với năm 2002, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt gần 8%/năm và cao nhất so với các vùng.

Tuy nhiên, quy mô kinh tế vùng Tây Nguyên còn những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Bình luận