Cụ thể, trong thời kỳ 2021–2030, Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc được định hướng phát triển nhằm đáp ứng công suất khoảng 10 triệu hành khách và 25.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Quy hoạch bao gồm việc kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu đạt chiều dài 3.500m và xây dựng thêm một đường cất hạ cánh số 2 dài 3.300m, nằm cách đường hiện hữu khoảng 360m về phía Bắc.
Song song đó, hệ thống đường lăn sẽ được mở rộng và nâng cấp để đồng bộ với quy mô đường cất hạ cánh mới.
Đường lăn song song sẽ được bố trí nằm giữa hai đường cất hạ cánh, giúp nâng cao hiệu suất khai thác và giảm thời gian chờ đợi của máy bay.
Về mặt nhà ga, cảng duy trì hoạt động của nhà ga hành khách T1 với công suất khoảng 4 triệu khách/năm, đồng thời quy hoạch xây dựng thêm nhà ga T2 ở phía Đông, công suất khoảng 6 triệu khách/năm.
Đặc biệt, một nhà ga VIP kết hợp hàng không chung sẽ được bố trí tại khu vực phía Tây Nam cảng, nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển riêng biệt và cao cấp.
Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Phú Quốc dự kiến sẽ có thể phục vụ 18 triệu hành khách/năm và 50.000 tấn hàng hoá/năm.
Nhà ga T2 sẽ được mở rộng thêm để đạt công suất khoảng 14 triệu hành khách/năm. Sân đỗ máy bay cũng sẽ được mở rộng, đủ chỗ cho khoảng 45 vị trí đỗ, phục vụ đồng thời nhiều loại máy bay từ dân dụng đến chuyên cơ.
Bộ Xây dựng đã giao Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với tỉnh Kiên Giang và các đơn vị liên quan để công bố, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Tỉnh Kiên Giang được yêu cầu cập nhật nội dung quy hoạch mới vào quy hoạch tổng thể địa phương, đảm bảo phù hợp về tĩnh không, cao độ xây dựng và an toàn hàng không.
Việc mở rộng và nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc không chỉ đáp ứng sự gia tăng mạnh mẽ về du lịch, mà còn là bước chuẩn bị cho mục tiêu đưa Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ, nghỉ dưỡng và logistics hàng đầu khu vực trong những năm tới.