Tiêu điểm: Nhân Humanity

Quốc hội họp bất thường cuối tháng 2/2025 về tinh gọn bộ máy và nhân sự

VOH - Cuối tháng 2/2025, Quốc hội sẽ tổ chức kỳ họp bất thường để sửa đổi, ban hành các luật và nghị quyết quan trọng liên quan đến việc tinh gọn tổ chức bộ máy và thực hiện công tác nhân sự.

Thông tin được ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, công bố tại Hội nghị triển khai thi hành các luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, kỳ họp bất thường sẽ tập trung vào các nội dung sửa đổi, bổ sung luật liên quan đến tổ chức bộ máy và các quy định chuyên ngành sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn. Các luật này có thể bao gồm Luật Tổ chức Quốc hội và các luật, nghị quyết liên quan đến tên, nhiệm vụ của các bộ và cơ quan sau tái cấu trúc.

Hoang Thanh Tung - Qioc hou
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng - Ảnh: quochoi.vn

Các nội dung dự thảo cần được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 10/1/2025 để đảm bảo thời gian xem xét và quyết định bổ sung vào chương trình kỳ họp. Trường hợp cần thiết, các dự án luật có thể được thảo luận đồng thời trong quá trình quyết định bổ sung chương trình.

Năm 2025 là giai đoạn quan trọng trong công tác lập pháp của Quốc hội, khi kết thúc nhiệm kỳ khóa XV và chuẩn bị cho khóa XVI. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 dự kiến thông qua 11 luật, 2 nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến về 15 dự án luật để thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Quốc hội cũng đặt mục tiêu tổng kết việc thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ khóa XV, đồng thời xây dựng định hướng cho nhiệm kỳ khóa XVI, đảm bảo tính liên tục và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, để kỳ họp bất thường đạt hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành. Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ được đề nghị phối hợp với Ủy ban Pháp luật để tham mưu cho Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo đồng bộ các nội dung sửa đổi, bổ sung luật.

Các dự án luật trình Kỳ họp thứ 9 cần được nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo, đặc biệt là các điều khoản về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp, tránh vướng mắc trong thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị ưu tiên các dự án luật đáp ứng yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, và Ban Bí thư, như thực hiện Nghị quyết số 57 về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, các dự án này cần đảm bảo nguồn lực thực hiện, cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Bình luận