Tiêu điểm: Nhân Humanity

Quốc hội thảo luận về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018

(VOH) - Sáng 30/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019...

Đồng tình cao với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các đại biểu cho rằng, việc lập và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua còn nhiều hạn chế, yếu kém. Có nhiều hạn chế kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, đến nay chưa khắc phục được. Một số dự án luật có chất lượng thấp, buộc phải rút ra khỏi chương trình của Quốc hội. Sự xung đột luật, chồng chéo, giao thoa, việc triển khai luật còn lúng túng, phải chờ nghị định, thông tư và hướng dẫn quá lâu, gây ra nhiều bất cập.

Theo đại biểu Phạm Thu Trang, đoàn Quảng Ngãi: Một trong những nguyên nhân làm hạn chế chất lượng xây dựng luật là do việc tham gia của các cơ quan tổ chức trong lấy ý kiến xây dựng luật còn hình thức. Trong xây dựng Luật, đại biểu đề nghị cần đảm bảo đồng bộ các dự án luật với luật hiện hành, đáp ứng được tính thực tiễn, khoa học.

Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khoá 14 .

Đại biểu Phạm Thu Trang đề nghị bổ sung nguyên tắc đảm bảo đồng bộ thống nhất các dự án luật giữa luật mới ban hành sửa đổi bổ sung với luật hiện hành. Trong đó đảm bảo nguyên tắc hồ sơ trình dự án luật trình phải chỉ ra được sự thống nhất đồng bộ với các dự án luật hiện hành, cần có sự điều chỉnh sửa đổi bổ sung cụ thể một số điều của Luật hiện hành, đồng thời phải có đánh giá tác động đảm bảo tính thực tiễn, tính khoa học, dự báo vấn đề phát sinh trong tương lai liên quan đến dự án luật khác.

Theo các đại biểu, khi xây dựng luật, cần phải lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật. Xây dựng được các quy định phù hợp với thực tiễn xã hội, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật, giúp nâng cao hiệu quả của Luật khi đi vào cuộc sống. Cùng với đó, cần phải giám sát các cơ quan chức năng ban hành các văn bản dưới luật và triển khai luật trong đời sống xã hội, tránh tính hình thức như trong thời gian qua.

Theo đại biểu Nguyễn Phước Lộc, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, cần tăng cường kỷ luật mạnh mẽ hơn, chỉ đạo quyết liệt việc nâng cao chất lượng xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành. Giao nhiệm vụ phải gắn với trách nhiệm bảo đảm chất lượng tiến độ các dự án chính sách và dự thảo các văn bản. Quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác nghiên cứu chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ của Ngành theo tinh thần NQ 48. Thực hiện nghiêm quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật. Quan tâm đến công đoạn phân tích chính sách khi đề xuất dự án luật, pháp lệnh, nhất là đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự án luật. Tăng cường năng lực dự báo và theo dõi thực hiện chính sách, đặc biệt là những chính sách có tác động lớn về xã hội…

Trước đó vào đầu giờ sáng 30/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Chiều nay, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học./.

Bình luận