Sáp nhập Bình Phước - Đồng Nai, “siêu tỉnh” phía Nam

ĐỒNG NAI - Ngày 23/4, Tỉnh ủy Đồng Nai chính thức ban hành kế hoạch triển khai sáp nhập tỉnh Bình Phước vào Đồng Nai, theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Việc hợp nhất này sẽ tạo ra một “siêu tỉnh” mới tỉnh Đồng Nai với quy mô dân số lớn thứ ba cả nước, chỉ sau TPHCM và Hà Nội.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị cho quá trình sáp nhập, từ việc rà soát, bố trí lại trụ sở, phương tiện làm việc, đến xây dựng phương án xử lý các trụ sở dôi dư của cơ quan cấp tỉnh giữa hai địa phương.

Để triển khai hiệu quả, Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc xây dựng đề án sẽ được thành lập, bao gồm đại diện lãnh đạo của cả hai tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan.

Các cơ quan như Ban Tổ chức Tỉnh ủy, UBND, MTTQ, HĐND của hai tỉnh cũng được phân công nhiệm vụ cụ thể, nhằm xây dựng phương án tổ chức lại bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức xã hội theo hướng tinh gọn, đồng bộ.

base64-1745402529690763962805
Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu phải hoàn thiện hồ sơ sáp nhập tỉnh Bình Phước trước 1/5 tới - Ảnh: TTO

Trước ngày 1/5, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước hoàn tất hồ sơ, bản đồ và đề án trình Chính phủ, làm cơ sở để hiện thực hóa việc sáp nhập.

Theo đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp vừa được Chính phủ phê duyệt, Bình Phước và Đồng Nai sẽ sáp nhập thành một tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Nai. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.

Sau sáp nhập, tỉnh Đồng Nai có diện tích tự nhiên trên 12.737km² và dân số gần 4,4 triệu người, đứng thứ 3 cả nước về quy mô dân số, sau TP.HCM và Hà Nội.

Theo dự kiến sau sắp xếp, Đồng Nai từ 159 đơn vị hành chính cấp phường, xã còn 55 đơn vị. Bình Phước từ 111 đơn vị hành chính cấp xã sẽ tinh gọn còn 42 đơn vị.

Bình luận