Đề xuất này nằm trong dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng. Dự thảo quy định rõ các địa phương cần hoàn thành việc xử lý trụ sở, tài sản công và bố trí hạ tầng phục vụ bộ máy hành chính trong thời hạn 5 năm kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực.
Theo dự thảo, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập danh sách, xây dựng phương án xử lý các trụ sở, tài sản công thuộc cơ quan, tổ chức cấp huyện và xã trong phạm vi sắp xếp. Các bộ, ngành trung ương cũng phải rà soát lại tài sản, trụ sở của đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn sắp xếp, nếu không còn nhu cầu sử dụng thì chuyển giao cho địa phương để quản lý, sử dụng hiệu quả.

Đáng chú ý, dự thảo nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền nơi dự kiến bố trí trụ sở hành chính mới. Theo đó, các địa phương cần chủ động bố trí ngân sách để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở đang sử dụng và chuẩn bị các điều kiện hạ tầng, trong đó có nhà ở công vụ, nhằm đảm bảo nơi ở cho đội ngũ cán bộ di chuyển công tác sau sắp xếp hành chính.
Ngoài ra, việc sử dụng các trụ sở, tài sản công sau khi sắp xếp phải tuân thủ quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, tránh lãng phí và tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có. Trường hợp chưa thể sắp xếp được ngay, có thể sử dụng trụ sở tạm thời hoặc thuê để đảm bảo công tác hành chính không bị gián đoạn.
Dự thảo nghị quyết cũng đưa ra định hướng sắp xếp đơn vị hành chính theo 6 tiêu chí đã được Bộ Chính trị thống nhất, bao gồm: diện tích tự nhiên, quy mô dân số, yếu tố lịch sử - văn hóa - dân tộc - tôn giáo, địa kinh tế, địa chính trị và quốc phòng – an ninh. Trong đó, hai tiêu chí về diện tích và dân số được xác định theo Nghị quyết số 1211 (năm 2016) và Nghị quyết số 27 (năm 2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo tính toán bước đầu của Bộ Nội vụ, chỉ còn 11 tỉnh, thành phố đủ điều kiện giữ nguyên đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại, trong đó có 4 thành phố trực thuộc Trung ương là TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, nằm trong diện phải sắp xếp.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đồng thời giảm chi phí hành chính và cải thiện chất lượng phục vụ người dân. Tuy nhiên, quá trình này cần thực hiện đồng bộ với phương án tổ chức lại cơ sở hạ tầng, tài sản công và đặc biệt là bảo đảm đời sống, công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức ở đơn vị hành chính mới.