Sau động đất Myanmar: Cần cập nhật bản đồ rủi ro động đất trên toàn quốc

VOH - Trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra tại miền Trung Myanmar vào ngày 28/3 vừa qua đã gây ra thương vong, thiệt hại nặng nề cho nước bạn và lan ảnh hưởng đến nhiều nước trong khu vực.

Dư chấn từ trận động đất đã được cảm nhận ở một số tòa nhà cao tầng tại Hà Nội và TPHCM, dù tâm chấn cách xa hơn 1.700 km.

Giáo sư Trần Tuấn Anh – Viện trưởng Viện Các Khoa học Trái Đất, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – cho rằng sự kiện này là lời cảnh báo rõ ràng về sự cần thiết phải đánh giá lại mức độ rủi ro động đất tại các khu vực trên cả nước. 

Không chỉ dừng ở đánh giá nguy cơ động đất, Việt Nam cần cập nhật dữ liệu để xây dựng bản đồ rủi ro động đất với độ chi tiết cao hơn, phục vụ quy hoạch và bảo đảm an toàn cho các công trình trọng điểm.

Dong dat TPHCM

Theo Giáo sư Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã có bản đồ đánh giá nguy hiểm về động đất và một số kịch bản về sóng thần, nhưng nhiều dữ liệu hiện đã cũ, chưa được cập nhật trong vòng 10–20 năm qua. Điều này làm giảm hiệu quả dự báo và lập kế hoạch ứng phó trong bối cảnh khí hậu và cấu trúc địa chất ngày càng có biến động phức tạp.

Trong tháng 3/2025, Việt Nam đã ghi nhận 26 trận động đất, chủ yếu tại huyện Kon Plông (Kon Tum) và Nam Trà My (Quảng Nam) – những điểm nóng đã được các chuyên gia cảnh báo trong nhiều năm gần đây. Việc các nhà cao tầng ở Hà Nội và TPHCM bị rung lắc nhẹ sau dư chấn từ Myanmar là minh chứng cho thấy ảnh hưởng của động đất từ xa không thể xem nhẹ, nhất là đối với các đô thị đông dân và các công trình cao tầng.

Từ góc độ phòng ngừa, Giáo sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá ảnh hưởng động đất tới các công trình lớn như đập thủy điện, nhà máy điện hạt nhân (nếu có), hệ thống tàu điện ngầm, tàu cao tốc, sân bay hay các khu kinh tế ven biển. Với các công trình này, cần có tiêu chuẩn đánh giá riêng về nguy cơ động đất và sóng thần, cũng như quy trình khảo sát và quan trắc trước khi triển khai xây dựng.

Ngoài ra, theo ông, công tác đánh giá rủi ro không nên dừng lại ở bản đồ phân vùng nguy hiểm mà cần tiến tới bản đồ rủi ro động đất – tức là tính đến yếu tố thiệt hại tiềm tàng đối với con người và tài sản nếu xảy ra động đất. Bản đồ này giúp chính quyền và người dân nắm bắt rõ vùng nào cần xây dựng theo tiêu chuẩn kháng chấn, vùng nào có thể bị sạt lở, hoặc có nguy cơ lăn đá từ sườn núi.

Dong dat T_HCM

Đặc biệt, việc cập nhật số liệu và bản đồ cần thực hiện theo chu kỳ 5–10 năm như thông lệ quốc tế, thay vì để kéo dài hàng chục năm như hiện nay. Điều này giúp bảo đảm độ chính xác, sát với thực tế và nâng cao năng lực ứng phó kịp thời trước thiên tai.

Giáo sư Trần Tuấn Anh cho biết thêm, thời gian tới, Viện Các Khoa học Trái Đất sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đề xuất kế hoạch cập nhật dữ liệu mới, nhằm sớm hoàn thiện bản đồ rủi ro động đất trên phạm vi toàn quốc, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Bình luận