Tiêu điểm: Nhân Humanity

Số ca mắc sởi tăng vọt

VOH - Năm 2024, số ca mắc sởi tại Việt Nam tăng đột biến, với 38.364 trường hợp sốt phát ban nghi sởi và 6.725 ca dương tính được ghi nhận, theo Bộ Y tế.

Đây là mức tăng đáng báo động, lần lượt cao hơn 94 lần và 130 lần so với năm 2023. Đến nay, cả nước đã có 13 ca tử vong, chủ yếu là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền.

Những địa phương có số ca mắc cao nhất bao gồm Đồng Nai (6.360 ca), TPHCM (4.758 ca), Bình Dương (4.745 ca) và Cà Mau (2.405 ca). TPHCM, nơi đầu tiên công bố dịch sởi vào tháng 8/2024, đã ghi nhận hơn 600 ca sốt phát ban nghi sởi chỉ trong ba tháng (từ tháng 5 đến tháng 8). Hơn 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh lân cận. Trong thời gian này, ba trẻ em tại TPHCM đã tử vong do biến chứng sởi, kết hợp với bệnh lý mạn tính.

Soi 2024
Ảnh minh hoạ : TTXVN

Một khảo sát ngẫu nhiên tại TPHCM vào tháng 10/2024 cho thấy hệ thống quản lý tiêm chủng còn nhiều lỗ hổng. Gần 20% trẻ sống tại TPHCM nhưng địa chỉ khai báo thuộc tỉnh khác, dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi và tiêm chủng. Điều này làm giảm miễn dịch cộng đồng, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan.

Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết sự gián đoạn công tác tiêm chủng trong đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính khiến miễn dịch cộng đồng không đạt yêu cầu. Ngoài ra, thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ và kinh phí hạn chế cũng làm giảm hiệu quả phòng chống dịch.

Dự báo năm 2025, bệnh sởi và các bệnh dự phòng bằng vaccine khác có nguy cơ tiếp tục gia tăng nếu tỷ lệ tiêm chủng không được cải thiện.

Bộ Y tế đưa ra các biện pháp phòng, chống bệnh sởi như sau:

  1. Tiêm chủng đầy đủ: Đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc chưa đủ 2 mũi vaccine đi tiêm đúng lịch.
  2. Tránh tiếp xúc: Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người nghi mắc bệnh sởi.
  3. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng và mắt cho trẻ hàng ngày.
  4. Vệ sinh môi trường: Nhà ở và nhà vệ sinh cần thông thoáng, sạch sẽ. Tại nhà trẻ, mẫu giáo, cần khử trùng thường xuyên đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học.
  5. Chế độ dinh dưỡng: Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để nâng cao sức đề kháng.
  6. Phát hiện sớm: Khi trẻ có dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần cách ly và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Việc hạn chế điều trị vượt tuyến cũng được khuyến khích nhằm tránh quá tải bệnh viện và nguy cơ lây nhiễm chéo. Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức phòng bệnh và thực hiện nghiêm túc các biện pháp tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và toàn xã hội.

Bình luận