Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thanh tra đường bộ sẽ không kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường

VOH - Sáng 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ.

Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Le Tan Toi
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới

Đối với ý kiến đề nghị quy định Thanh tra đường bộ được dừng phương tiện để xử lý, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, để bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Thanh tra đường bộ, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ, dự thảo Luật quy định theo hướng Thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường, chỉ xử lý trách nhiệm thông qua các điểm giao thông “tĩnh”, qua cơ sở dữ liệu; việc tuần tra, xử lý trên đường do lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện.

Về ý kiến đề nghị bổ sung một số quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trong quy chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và phù hợp thẩm quyền.

Đối với quy định về mở rộng, nâng cấp đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý để thống nhất với quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư… và phù hợp với thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực tài chính cho hoạt động đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bộ hiện hành thành đường cao tốc hoặc các tuyến đường cao tốc được đầu tư theo quy mô phân kỳ.

Đối với các ý kiến về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô, ông Lê Tấn Tới cho biết, tại Điều 71 dự thảo Luật đã quy định ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, không phải là hoạt động kinh doanh vận tải và tại Điều 80 dự thảo Luật đã quy định cụ thể về dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô.

Trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ kết nối và có tham gia một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi thì mới xác định là kinh doanh vận tải. Quy định này là phù hợp với pháp luật về đầu tư.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này và chỉnh sửa để làm rõ hơn về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại khoản 5 Điều 56 dự thảo Luật.

Về hiệu lực thi hành, căn cứ đề nghị của cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý và đề nghị Quốc hội cho bổ sung khoản 2 Điều 85 dự thảo Luật, theo đó các quy định liên quan đến việc thu phí sử dụng đường cao tốc sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10/2024 để kịp thời tổ chức triển khai hoạt động thu phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định của Luật này.

Bình luận