Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thủ tướng: Kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu, nước

VOH - Sáng 2/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội tháng 2/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, mặc dù kết quả đạt được trên một số lĩnh vực không cao do là tháng Tết, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo điều hành, thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thủ tướng khẳng định tính chung 2 tháng năm 2024 hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, tạo đà, động lực, khí thế và cảm hứng mới cho cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ quán triệt quan điểm: chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bảo đảm hiệu quả trong chỉ đạo điều hành và quản lý; theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp. Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm "thắng không kiêu, bại không nản".

Nêu cao tinh thần tự giác, chủ động, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu; kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, với phương châm “đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm cao hơn; đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực lớn hơn; đã hành động quyết liệt rồi thì phải hành động quyết liệt hơn nữa, giải quyết việc nào dứt điểm việc đó.”

Thủ tướng: Kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu, nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024 - Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại Đảng, Nhà nước; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Lưu thông tiền tệ tốt hơn, bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục có biện pháp mạnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Các bộ, ngành, địa phương phấn đấu quyết liệt tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; tập trung triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, nhất là các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ, bán lẻ xăng dầu; cắt giảm chi thường xuyên không cần thiết, hội họp; tăng cường quản lý giá cả, thị trường; bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu trong tháng 3 này, nếu các cửa hàng xăng dầu không sử dụng hóa đơn điện tử thì dứt khoát thu giấy phép. Cùng với đó, giảm chi thường xuyên không cần thiết, hội họp; chi thường xuyên có tính chất đầu tư.

Thủ tướng lưu ý, “Kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu, nước cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; tập trung triển khai các công trình truyền tải điện, phát điện”.

Thủ tướng: Kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu, nước 2
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Tạo thuận lợi thu hút, giải ngân đầu tư xã hội; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI; củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới.

Thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA); thúc đẩy Trung Quốc sớm dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam; đẩy mạnh khuyến mại, giảm giá, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; có giải pháp mạnh mẽ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Hydrogen; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Cùng với đó, tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; khẩn trương khắc phục "thẻ vàng" (IUU).

Phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; tiết giảm chi phí vận tải, logistics; đẩy mạnh thu hút du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm.

Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch. Trong số đó, phấn đấu tỷ lệ giải ngân cả năm 2024 tối thiểu đạt 95%; phân bổ sớm 33,5 ngàn tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024.

Thủ tướng chỉ rõ, “Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài.  Hoàn thành việc định giá, hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém trong Quý 1/2024; hoàn thiện các phương án xử lý các dự án yếu kém, tồn đọng như Thép Việt-Trung, Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2, Đóng tàu Dung Quất, Bột giấy Phương Nam…”.

Bình luận