Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 ưu tiên hợp tác để 6 nước Mekong-Lan Thương vươn lên mạnh mẽ

VOH - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 nội dung ưu tiêntrong giai đoạn tới theo hướng xây dựng khu vực Mekong-Lan Thương hiện đại và phát triển; xanh, bền vững và bao trùm; hoà bình và hợp tác.

Chiều 25/12, Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ tư với chủ đề "Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai và hiện đại hoá giữa các nước Mekong-Lan Thương" đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tham dự Hội nghị có Thủ tướng, Trưởng đoàn các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 ưu tiên hợp tác để sáu nước Mekong-Lan Thương vươn lên mạnh mẽ - Ảnh: VGP

Hội nghị tập trung đánh giá kết quả hợp tác Mekong-Lan Thương trong 3 năm qua và thảo luận phương hướng cho giai đoạn tới.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của MLC đối với hòa bình, hợp tác và phát triển tại tiểu vùng Mekong và khu vực, đồng thời khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng nhau xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai hoà bình, thịnh vượng giữa các nước Mekong-Lan Thương.

Xem thêm: Những tác động khó lường khi dòng chảy sông MêKông thay đổi bất thường

Hội nghị thống nhất đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng Vành đai phát triển kinh tế Mekong-Lan Thương; nghiên cứu khả năng thiết lập cơ chế họp, phối hợp chính sách, triển khai dự án để thúc đẩy Hành lang Đổi mới sáng tạo Mekong-Lan Thương nhằm nắm bắt cơ hội phát triển từ tiến bộ khoa học công nghệ.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh ưu tiên hợp tác quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước sông Mekong thông qua hợp tác về chia sẻ thông tin số liệu thủy văn, giảm thiểu rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và sẽ tiếp tục cùng Trung Quốc và các nước Mekong thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững.

Thủ tướng đã đề xuất 3 nội dung ưu tiên của MLC trong giai đoạn tới.

Thứ nhất, xây dựng khu vực Mekong-Lan Thương hiện đại và phát triển, với phương châm là khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của từng nước cũng như của cả 6 quốc gia; coi nội lực là cơ bản, chiến lược và ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng các nền kinh tế Mekong-Lan Thương độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Theo đó, hợp tác Mekong-Lan Thương cần: Đưa đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trở thành trọng tâm hợp tác, trong đó tập trung hỗ trợ các ngành công nghiệp nền tảng, từng bước chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp; Đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua hợp tác về hạ tầng số, nhân lực số, an ninh số và kinh tế số; Khuyến khích sự tham gia của các đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ"; Hợp tác về giao thông, nhất là kết nối đường sắt cao tốc, và nghiên cứu cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ.

Thứ hai, xây dựng khu vực Mekong-Lan Thương xanh, bền vững và bao trùm, bảo đảm sự hài hòa giữa hiện tại và tương lai, giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là động lực, là nguồn lực và là mục tiêu của phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ưu tiên trước mắt là hỗ trợ các nước thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc 2030, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các cam kết về cắt giảm khí thải carbon hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Đồng thời, cần tăng cường hợp tác toàn lưu vực về bảo tồn môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững, công bằng và hợp lý dòng sông chung Mekong-Lan Thương, đặc biệt là không làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông.

Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho người dân, 6 nước cần ưu tiên đầu tư cho phát triển con người, xây dựng hệ thống giáo dục và y tế bao trùm, hỗ trợ lực lượng lao động trẻ tiếp cận với khoa học và công nghệ hiện đại và tạo điều kiện để mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển.

Thứ ba, xây dựng khu vực Mekong-Lan Thương hoà bình và hợp tác. 6 nước cần không ngừng củng cố sự tin cậy, chân thành, đoàn kết đồng lòng, thúc đẩy lợi ích chung và đề cao chủ nghĩa đa phương; tăng cường tính bổ trợ giữa hợp tác Mekong-Lan Thương với ASEAN và các cơ chế hợp tác khu vực, tiểu vùng khác để sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất, tạo cộng hưởng và lan tỏa lợi ích. Khẳng định ủng hộ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2024. Đồng thời, cần ưu tiên hơn hợp tác văn hoá, giao lưu nhân dân, đặc biệt là giữa thế hệ trẻ.

Bình luận