Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Phải đặt sức ép để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm

(VOH) – Chiều 6/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tổng kết hội nghị 2 ngày học tập nghị quyết Hội nghị Trung ương 6.

Trong phát biểu, Thường trực Ban Bí thư đã nhắc tới vấn đề công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực uy tín ngang tầm nhiệm vụ; đề cao tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Ông Thưởng chỉ rõ việc phải nêu cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn.

"Việc cán bộ có vào có ra, có lên có xuống không phải bây giờ mới nói nói. Từ chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa hơn 20 năm trước đã nói tới. Nhưng cơ bản là chúng ta chưa thực hiện được, cán bộ lên thì khó nhưng để đưa xuống cũng không dễ", ông Thưởng nói.

Theo ông Thưởng, sau quy định 41 thì Bộ Chính trị đã có kết luận 20 về bố trí cán bộ sau kỷ luật, bước đầu giải quyết được một số trường hợp.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Phải đặt sức ép để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm 1
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. 

Ông Thưởng nhắc lại việc khuyến khích cán bộ từ chức nếu không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ khi có sai phạm. "Người ta cứ hay phê bình chúng ta không có văn hóa từ chức, nhưng tôi thấy chẳng có đâu từ chức mà người ta nâng lên mức thành văn hóa cả” - Thường trực Ban Bí thư nói. 

Ông dẫn chứng, qua nghiên cứu các thể chế chính trị khác thấy nếu lãnh đạo phải từ chức thường là do sai lầm trong công tác và có sức ép trong nội bộ đảng của họ.

"Vậy chúng ta cũng phải đặt ra một sức ép trong Đảng, trong xã hội để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, vi phạm. Khuyến khích là một cách nói và mong muốn rằng nếu được như vậy thì rất tốt để thấy nhẹ nhàng", ông Thưởng nêu thêm.

Theo ông Thưởng, có trường hợp là chủ tịch, phó Chủ tịch UBND sau khi nhận kỷ luật đã đảm nhận nhiệm vụ thấp hơn theo tinh thần "ngã chỗ nào đứng dậy chỗ đó. Có trường hợp cán bộ không hề bị kỷ luật, cũng không phải không đáp ứng được công việc, nhưng họ cảm thấy sức ép công việc nặng nề nên xin chuyển sang một công việc khác ít sức ép hơn, việc này Đảng cũng ủng hộ. 

"Đó là một cách theo văn hóa của Việt Nam. Đó là sức ép từ tổ chức, từ dư luận xã hội để cho công việc tốt hơn. Tôi tin rằng với xu hướng này sắp tới sẽ tốt hơn", ông Thưởng nhấn mạnh.

Bình luận