Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin Covid-19 ngày 18/1: TPHCM: người dân không được lơ là, chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K

Qua biểu đồ về tình hình dịch bệnh tại TPHCM cho thấy, số ca nhập viện và số ca tử vong đều giảm.

Tình hình dịch Covid 19 tại TPHCM:

TPHCM: người dân không được lơ là, chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K

Chiều 17/1, tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM đề nghị người dân thành phố không chủ quan, lơ là, tiếp tục cảnh giác với dịch bệnh COVID-19 và thực hiện nghiêm 5K.

Tin Covid-19 ngày 18/1: TPHCM: người dân không được lơ là, chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K 1
Ảnh minh họa

Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP, ông Hải cho biết, hiện thành phố đang điều trị cho 3.631 bệnh nhân; trong đó có 75 trẻ em dưới 16 tuổi, 270 bệnh nhân nặng đang thở máy và 17 bệnh nhân can thiệp ECMO. Qua biểu đồ về tình hình dịch bệnh tại TPHCM cho thấy, số ca nhập viện và số ca tử vong đều giảm.

TPHCM chưa có trường hợp mắc biến thể Omicron trong cộng đồng

Chiều 17/1, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh khẳng định, TP Hồ Chí Minh chưa ghi nhận trường hợp mắc biến thể Omicron trong cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch ứng phó với biến thể Omicron, đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tăng cường kiểm soát ở các cửa khẩu và hành khách khi nhập cảnh vào Việt Nam phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

Hiện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đang triển khai test nhanh cho tất cả người nhập cảnh ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, nếu kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12 cách ly. Sau đó, các chuyên gia y tế sẽ tiến hành giải trình gene để xác định biến chủng và điều trị. Riêng trong cộng đồng, Thành phố sẽ tầm soát những khu vực có nhiều người nhập cảnh hoặc có số ca mắc COVID-19 tăng cao nổi trội.

TPHCM: chuẩn bị đón trẻ mầm non quay lại trường

Các trường mầm non ở TPHCM sẽ đón trẻ trở lại sau Tết theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Để cha mẹ yên tâm cho con đến trường, nhiều kế hoạch, công tác chuẩn bị đang được các trường "chạy nước rút".

Quận 10 (TPHCM) có 19 trường mầm non công lập, 26 trường ngoài công lập với khoảng 8.500 trẻ. Hiện các trường đã chuẩn bị xong công tác đón học sinh trở lại sau Tết.

Tin Covid-19 ngày 18/1: TPHCM: người dân không được lơ là, chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K 2
Các giáo viên trang trí lớp học, chuẩn bị đón trẻ mầm non quay lại trường

Cơ sở vật chất, giáo viên trên địa bàn quận 6 đã được chuẩn bị "đâu vào đó" để đón trẻ mầm non. Ông Lưu Hồng Uyên - trưởng Phòng GD-ĐT quận 6 - chia sẻ thêm dù chưa có quyết định chính thức, vẫn chờ đợi từ Sở GD-ĐT nhưng tinh thần ở quận là tạm thời học một buổi.

TP Thủ Đức có 61 trường mầm non công lập. Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức - cho biết từ nay đến trước Tết, TP Thủ Đức sẽ kiểm tra công tác chuẩn bị ở tất cả các trường mầm non công lập.

Không phòng chống dịch kiểu 'ngăn sông cấm chợ'

Trước tình trạng một số địa phương áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa đúng quy định và việc trạm y tế tự ý thu tiền xét nghiệm khi đến tiêm vắc-xin Covid-19, ngày 17/1, Bộ Y tế đã có công văn gửi chủ tịch UBND tỉnh, thành về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch chưa phù hợp.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định. Bộ cũng lưu ý chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm.

PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết Chính phủ đã có Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19, trong đó nới lỏng tất cả các hoạt động kể cả đi lại, kiểm soát rủi ro, vì thế các địa phương không nên "ngăn sông cấm chợ" vì tỉ lệ bao phủ vắc-xin đã cao, việc quy định thái quá sẽ ảnh hưởng đến xã hội, kinh tế và an sinh của người dân. Bên cạnh đó các tỉnh cần thực hiện nghiêm quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, tránh mỗi nơi làm một kiểu. Hiện việc cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về, Bộ Y tế đã có quy định cụ thể.

Dừng bán pháo hoa do quân đội sản xuất là thông tin chưa chính xác

Lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 (Nhà máy Z121, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) khẳng định thông tin tạm dừng sản xuất và bán ra thị trường hai sản phẩm pháo hoa là giàn phun hoa và giàn phun viên vì có tiếng nổ là chưa chính xác.

Đại tá Chu Việt Sơn, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 cho biết, hai sản phẩm pháo hoa mới là giàn phun viên và giàn phun hoa đều đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng. Hai sản phẩm này được khách hàng rất ưa chuộng.

Tin Covid-19 ngày 18/1: TPHCM: người dân không được lơ là, chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K 3
Sản phẩm pháo hoa của Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, một số khách hàng phản ánh pháo có âm thanh như tiếng pháo hoa nổ. Vì thế, ngày 15/1, công ty đã quyết định tạm dừng bán hai sản phẩm này để phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) tiến hành kiểm tra, đánh giá.

Ngày 17/1, kết quả kiểm tra, đánh giá khẳng định sản phẩm giàn phun viên có âm thanh là 54dB, giàn phun hoa có âm thanh là 89dB, đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép.

Vì vậy, từ ngày 17/1, việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng với sản phẩm pháo hoa giàn phun viên tiếp tục diễn ra bình thường.

Một số diễn biến tình về tình hình dịch covid 19 ở một số tỉnh thành khác

Nhiều địa phương ra điều kiện cụ thể với người về quê ăn Tết

Phú Thọ yêu cầu người từ nơi có cấp độ dịch 1 và 2 (vùng xanh, vàng) tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày. Người về từ vùng đỏ và cam được yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ và cách ly tại nhà 7-14 ngày, tùy theo trường hợp tiêm đủ hoặc chưa tiêm đủ 2 liều vaccine.

UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành quy định mới đối với người về từ nơi khác vào ngày 17/1.Theo đó, nếu về  từ vùng vàng, người dân cách ly tại nhà 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Còn người về từ vùng xanh, Yên Bái yêu cầu tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.

Tỉnh Hưng Yên yêu cầu người từ nơi khác về quê phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Đồng thời, không phân biệt là về từ vùng nào, người dân đã tiêm đủ 2 mũi phải tự cách ly tại nhà 7 ngày, nếu chưa tiêm đủ thì cách ly 14 ngày.

Tin Covid-19 ngày 18/1: TPHCM: người dân không được lơ là, chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K 4
Ảnh minh họa

Ngoài ra, Hải Phòng, Hải Dương, Tuyên Quang yêu cầu cách ly tại nhà với người về từ vùng cam và đỏ. Riêng Lào Cai, Hà Nam, Nam Định chỉ cách ly với người về từ vùng đỏ.

Thanh Hóa yêu cầu người đến nơi cấp độ 3 và 4 tự cách ly tại nhà 7 ngày nếu tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng. Người từ vùng có dịch thuộc cấp độ 1 và cấp độ 2 không bị cách ly, không bắt buộc xét nghiệm, chỉ cần khai báo y tế, thực hiện 5K và theo dõi sức khỏe.

Các địa phương miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị yêu cầu người đã tiêm đủ liều vaccine về từ vùng đỏ và cam vẫn phải cách ly tại nhà 7 ngày. Người chưa tiêm vaccine cách ly 14 ngày, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tại nhà hoặc nơi lưu trú.

Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Phú Yên, Lâm Đồng... không quy định cách ly với người về quê ăn Tết, dù ở bất cứ địa phương nào về.

Một số địa phương miền Tây như: Cà Mau, Sóc Trăng, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang… không quy định cách ly người về từ tỉnh, thành phố khác.

Nhiều tỉnh thành cho học sinh đi học trực tiếp

Do cấp độ dịch đã chuyển về mức vùng vàng ở nhiều địa phương trong lần đánh giá sau ngày 10-1, trong những ngày vừa qua đã có thêm một số tỉnh thành cho học sinh đi học trực tiếp.

Tại tỉnh Trà Vinh, từ ngày 13 đến 26/1, học sinh THCS và THPT sẽ đến trường học trực tiếp, học sinh tiểu học đến trường học trực tiếp từ ngày 17 đến 26/1. Trước đó, từ cuối tháng 12-2021, Trà Vinh đã thí điểm cho học sinh một số khối lớp đến trường.

Đồng Tháp, Cần Thơ, Tây Ninh cũng vừa bắt đầu cho học sinh một số khối lớp đến trường từ ngày 17/1. Hà Nội trong kỳ đánh giá cấp độ dịch mới đã có thêm quận Hoàn Kiếm chuyển về mức vùng vàng, học sinh lớp 9 và lớp 12 được đi học trực tiếp trở lại.

Đà Nẵng: không có chuyện phong tỏa toàn thành phố

Liên quan đến tin đồn xuất hiện trên mạng xã hội về việc thành phố Đà Nẵng sẽ phong tỏa cứng trong ngày 25 Tết, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, hoàn toàn không có chuyện này. Thành phố tuyệt đối “không ngăn sông cấm chợ”, không ngăn cản, hạn chế đi lại; đảm bảo giao thông thông suốt và mọi điều kiện để người dân vui đón Tết.

“Có những tin đồn, thành phố Đà Nẵng thực hiện Chỉ thị 16 hoặc lock down thành phố trong ngày 25 Tết, điều này tôi khẳng định hoàn toàn không có. Theo Nghị quyết 128 là không có chuyện đó. Tuy nhiên, người dân vẫn phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp hành chính trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó, thực hiện nghiêm biện pháp 5K và các biện pháp hành chính đối với những nơi đông người để giảm tối thiểu số ca mắc cho hệ thống y tế ổn định, không quá tải" - bà Ngô Thị Kim Yến cho biết.

Tin Covid-19 ngày 18/1: TPHCM: người dân không được lơ là, chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K 5
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Kim Yến khẳng định "không có chuyện phong tỏa toàn thành phố"

Hiện nay, số ca mắc COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng vẫn đang tăng cao, xấp xỉ gần 1.000 ca mỗi ngày. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nhận định, từ nay đến tết Nguyên đán Nhâm Dần số ca F0 còn tăng cao hơn nữa. Để phòng, chống dịch đạt hiệu quả và thích ứng linh hoạt trong bối cảnh mới, thành phố đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng mũi 3 cho người dân, dự kiến kết thúc trước Tết.

Hà Nội: Phối hợp trong công tác quản lý, chăm sóc F0 tại nhà

Ngày 17/1, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 quận Ba Đình (Hà Nội) và UBND 14 phường thuộc quận đã ký kết chương trình phối hợp quản lý, chăm sóc, theo dõi người mắc COVID-19 tại nhà trên địa bàn quận.

Theo chương trình ký kết, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ hỗ trợ các phường xây dựng kế hoạch, tập huấn, đào tạo năng lực chuyên môn cho Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, các Trạm Y tế cơ động, hướng dẫn quản lý và điều trị F0 tại nhà, triển khai ứng dụng quản lý, điều trị F0 tại nhà.

Đặc biệt, Mạng lưới bác sĩ đồng hành sẽ tư vấn chăm sóc người mắc COVID-19, hỗ trợ tư vấn từ xa cho các Trạm Y tế cơ động và Tổ phòng, chống COVID cộng đồng, đảm bảo không để người mắc COVID-19 nào không được tiếp cận y tế.

Một số diễn biến tình về tình hình dịch covid 19 trên thế giới:

Trung Quốc yêu cầu khử trùng bưu phẩm từ nước ngoài để phòng ngừa COVID-19

Cơ quan Dịch vụ bưu chính Trung Quốc đã yêu cầu nhân viên khử trùng mọi bưu phẩm chuyển phát quốc tế và kêu gọi người dân trong nước hạn chế đặt hàng từ nước ngoài sau khi các nhà chức trách cho rằng bưu phẩm có thể là nguồn lây nhiễm dẫn đến các đợt bùng phát dịch COVID-19 trong thời gian gần đây.

Cơ quan này cũng kêu gọi người dân giảm mua và giao hàng từ các quốc gia và khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao ở nước ngoài, cho rằng bưu phẩm trong nước nên được xử lý ở các khu vực khác nhau để ngăn ngừa lây nhiễm chéo.

Tin Covid-19 ngày 18/1: TPHCM: người dân không được lơ là, chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K 6
Một nhân viên khử trùng các gói hàng ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc Trung Quốc.

Trung Quốc: hủy bán vé Olympic Bắc Kinh

Nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn cho các nhân viên cùng khán giả, Trung Quốc vừa quyết định hủy kế hoạch bán vé Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh cho công chúng và chỉ cho phép người có vé mời dự các sự kiện.

Trước đó, ban tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh thông báo sẽ bán vé cho người ở Trung Quốc đại lục và không đón khán giả quốc tế, để phòng ngừa Covid-19. Tuy nhiên, ban tổ chức hôm nay cho biết kế hoạch này bị hủy.

Quyết định được đưa ra sau khi Trung Quốc ghi nhận 223 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, cao nhất kể từ tháng 3/2020, nâng tổng số lên 105.087 ca nhiễm. Trung Quốc đang đối phó với loạt đợt bùng phát tại các thành phố trọng điểm và địa phương cấp tỉnh.

Nhật Bản: Mở lại các trung tâm tiêm phòng COVID-19 quy mô lớn

Chính phủ Nhật Bản thông báo mở lại các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn do Bộ Quốc phòng nước này điều hành tại Tokyo và Osaka để thúc đẩy chương trình tiêm chủng mũi bổ sung vaccine phòng COVID-19, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo kế hoạch, trung tâm tiêm chủng quy mô lớn tại Tokyo sẽ hoạt động trở lại từ ngày 31/1 tới trong khi các trung tâm tại Oska sẽ mở lại sau tháng 2. Trung tâm tiêm chủng quy mô lớn tại Tokyo sẽ tiếp nhận đăng ký tiêm chủng qua điện thoại, internet với đối tượng là những người nhận được phiếu tiêm chủng bổ sung và không giới hạn về nơi cư trú như trước đây.

Tin Covid-19 ngày 18/1: TPHCM: người dân không được lơ là, chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K 7
Sinh viên xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Hiroshima, Nhật Bản. 

Canada phê duyệt thuốc kháng virus trị COVID-19 của hãng Pfizer

Hôm qua, Bộ Y tế Canada đã phê duyệt thuốc kháng virus điều trị COVID-19 của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer có tên là Paxlovid.

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy Paxlovid giúp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 sinh sôi, có hiệu quả gần 90% trong việc giảm nguy cơ phải nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao nếu người bệnh dùng thuốc trong vòng 3 ngày kể từ khi nhiễm virus và đạt hiệu quả 85% nếu được dùng trong vòng 5 ngày kể từ khi phát bệnh.

Châu Âu cảnh báo ‘đại dịch kép’ từ Covid-19 và cúm mùa

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã đưa ra cảnh báo về ‘mối đe dọa kép’ từ Covid-19 và cúm mùa. Theo đó, sự lây lan của cúm mùa đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ ‘đại dịch kép’ kéo dài trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia y tế thuộc ECDC, virus cúm đang lây lan khắp châu lục với tốc độ nhanh hơn so với dự kiến, với số ca bệnh ở các phòng chăm sóc đặc biệt tăng lên ở thời điểm cuối tháng 12/2021. Việc những lệnh hạn chế được nới lỏng sẽ dẫn đến sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm cúm cũng như gia tăng áp lực lên các dịch vụ y tế đã bị quá tải.

Tin Covid-19 ngày 18/1: TPHCM: người dân không được lơ là, chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K 8
Một người dân Hà Lan tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Cảnh giác Mùa CoVid hôm nay:

Về quê ăn Tết: Cần làm gì để an toàn phòng dịch cho gia đình và quê hương?

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cận kề, tuy nhiên dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Vậy cần làm gì để về quê đón Tết vừa đảm bảo an toàn phòng dịch cho quê hương và gia đình? PGS.TS Nguyễn Viết Nhung khuyên người dân cần tuân thủ một số vấn đề sau:

Công tác chuẩn bị:

- Nắm vững các quy định của địa phương (thường trên trang web của tỉnh/thành phố), hỏi người thân ở nhà về việc cách ly nếu về quê.

- Biết được nơi mình đang sống thuộc nguy cơ nào bằng cách truy cập vào bản đồ COVID-19 của TP mình đang sống để kiểm tra. Ví dụ ở Hà Nội có thể truy cập vào website https://covidmaps.hanoi.gov.vn.

- Chuẩn bị khẩu trang (vải/y tế), dung dịch sát khuẩn tay (nên loại nhỏ để trong người).

- Mỗi người nên chuẩn bị sẵn 1 test nhanh kháng nguyên COVID-19.

- Người về nên là người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, người chưa tiêm hoặc có bệnh nền thì không nên về.

Hành trình di chuyển về nhà:

- Nếu có điều kiện nên thực hiện test nhanh trước khi về quê.

- Các phương tiện được ưu tiên theo thứ tự: Xe riêng (ôtô, xe máy) → Máy bay → Tàu hỏa → Xe khách.

- Đeo khẩu trang trong suốt hành trình di chuyển, chỉ mở khi không có tiếp xúc người khác, bỏ khẩu trang khi về đến nhà.

- Mở cửa kính xe khách, taxi thoáng khí (nếu được) hoặc có khoang riêng (tàu). 

- Ăn uống dọc đường cần đảm bảo 5K - Khai báo hành trình trên app PC-COVID.

Khi về quê cần làm:

- Khai báo y tế đầy đủ trên app PC-COVID.

- Hạn chế tối đa việc đi chúc Tết, tiếp khách nơi thoáng mát.

- Thực hiện 5K ở mức cao nhất có thể.

- Nguy cơ cao lây nhiễm khi: Có tiếp xúc với người có triệu chứng hô hấp; giao tiếp không khẩu trang trong phòng kín như liên hoan, hát karaoke, ngủ cùng...

- Khi nghi ngờ có dấu hiệu mắc COVID-19 thì nên sử dụng test nhanh, hạn chế giao tiếp, xin tư vấn chuyên môn.

Khi quay trở lại các tỉnh, thành sau nghỉ Tết:

- Khai báo hành trình trên PC-COVID.

- Di chuyển như khi về quê

- Nếu mắc COVID-19 thì phải báo với bà con ở quê biết để xử lý theo quy định.

https://tuoitre.vn/ve-que-an-tet-can-lam-gi-de-an-toan-phong-dich-cho-gia-dinh-va-que-huong-20220116164722362.htm

Bình luận