Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin nóng chiều 6/3: Hơn 2.000 người Việt đã sơ tán khỏi Ukraine, 553 người đầu tiên hồi hương

(VOH) - Người Việt hồi hương trên các chuyến bay trên sẽ được xét nghiệm COVID-19 sau khi hạ cánh tại Việt Nam và được các cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện các biện pháp cách ly y tế.

TIN TRONG NƯỚC

Hơn 2.000 người Việt đã sơ tán khỏi Ukraine, 553 người đầu tiên hồi hương

Hơn 2.000 người Việt đã được sơ tán khỏi vùng chiến sự ở Ukraine và được bố trí sang các nước lân cận, trong đó 553 người đầu tiên sẽ hồi hương trên các chuyến bay khởi hành các ngày 7 và 9/3.

Theo đó, ngày mai  7/3, chuyến bay số hiệu VN88 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) dự kiến chở 283 công dân khởi hành từ Bucharest (Romania), hạ cánh tại sân bay Nội Bài trưa 8/3. Ngày 9/3, chuyến bay số hiệu QH9066 của Bamboo Airways dự kiến chở 270 công dân khởi hành từ Warsaw (Ba Lan), hạ cánh tại sân bay Nội Bài sáng 10/3.

Người Việt hồi hương trên các chuyến bay trên sẽ được xét nghiệm COVID-19 sau khi hạ cánh tại Việt Nam và được các cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện các biện pháp cách ly y tế.

Tin nóng chiều 6/3: Hơn 2.000 người Việt đã sơ tán khỏi Ukraine, 553 người đầu tiên hồi hương 1
Người Việt sơ tán khỏi Ukraine để sang các nước láng giềng. Nguồn: NLĐO

Xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà như thế nào để tránh lây nhiễm?

Rác thải từ các F0 hay của người chăm sóc đều được coi là rác thải có nguy cơ lây nhiễm, được xử lý theo dạng chất thải nguy hại. Từ đó, Bộ Y tế cũng thống nhất tất cả rác thải của các gia đình có F0 điều trị tại nhà cần phải buộc vào các túi nilon riêng. Rác thải sau đó phải được phun khử khuẩn và mang ra điểm tập kết để người thu gom, làm vệ sinh môi trường vận chuyển, bàn giao đến các đơn vị xử lý rác thải có giải pháp xử lý an toàn, tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.

Còn theo ông Nguyễn Thành Lam, chuyên viên chính Vụ quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cơ quan này cũng phối hợp với Bộ Y tế và các đơn liên quan ban hành nhiều văn bản thường xuyên cập nhật về địa phương, trao đổi với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại.

Trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật, Nghị định 08, Thông tư 02, Bộ TN-MT đã chú trọng đến vấn đề chất thải y tế lây nhiễm, trong đó có đề nghị UBND các tỉnh điều chỉnh kế hoạch thu gom cho phù hợp tình hình của từng địa phương. Việc cách ly, điều trị F0 tại nhà mang lại một số tín hiệu tích cực, nhưng một bất cập đang đặt ra là vấn đề thu gom và xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà. Bộ TN-MT cũng đã có chuẩn bị các đề xuất phương án để hỗ trợ chi phí cho bên xử lý rác thải. Điều này do Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ. Bộ cũng đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố bố trí nguồn lực cho các địa phương, đã rà soát cập nhật và bổ sung kinh phí.

Tây Ninh: Bắt nghi can vận chuyển gần 2 kg ma túy trên ô tô

Hôm nay 6/3, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Tây Ninh đã tạm giữ hình sự đối tượng Trần Văn Đời (30 tuổi, ngụ xã Phước Bình, TX.Trảng Bàng, Tây Ninh) để điều tra về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Trước đó, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp cùng Phòng Cảnh sát cơ động và Phòng CSGT Công an tỉnh Tây Ninh tiến hành kiểm tra một chiếc ô tô và bắt quả tang đối tượng Trần Văn Đời, đang vận chuyển gần 2kg ma túy tổng hợp. Tại cơ quan công an, bước đầu Đời khai nhận thuê xe ô tô đến Tây Ninh, vận chuyển số ma túy trên từ Campuchia về tỉnh Bình Dương giao lại cho người khác để hưởng tiền công là 5 triệu đồng.

Hiện vụ vận chuyển trái phép gần 2kg ma túy đang được Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Tây Ninh điều tra, làm rõ.

TP. Hải Phòng: Hàng chục thanh niên ngang nhiên xách hung khí vụt đuổi nhau trên đường

Sáng nay 6/3, Công an Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng đang tiến hành làm rõ danh tính các đối tượng có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng tại khu vực đường Võ Nguyên Giáp (đối diện Trung tâm thương mại Aeon Mall), Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng.

Trước đó, vào tối 5/3, hàng chục thanh niên cầm theo cây đinh ba, gậy dài có đầu nhọn đuổi nhau trên đường Võ Nguyên Giáp rồi chạy vào Trung tâm thương mại Aeon Mall. Vụ việc được người dân quay clip ghi lại và đăng tải lên mạng xã hội với sự bức xúc và tâm lý lo lắng vì sự liều lĩnh, ngang nhiên gây rối, làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông của nhóm thanh niên này. Vụ việc là do mâu thuẫn giữa 2 nhóm thanh niên, tuy chưa gây ra thiệt hại về người nhưng đã làm náo loạn khu vực đông người.

Thời gian gần đây, tại TP.Hải Phòng vào các buổi tối thường xuất hiện những nhóm thanh niên ngổ ngáo sử dụng xe máy đi theo từng nhóm trên đường. Những nhóm này điều khiển xe với tốc độ cao, gầm rú, đánh võng thậm chí ngang nhiên cầm theo vũ khí thô sơ đi trên đường khiến người dân vô cùng kinh hãi.

Nguyễn Thị Ánh Viên chính thức từ giã tuyển Việt Nam, không tham dự Sea Games 31

Nguyễn Thị Ánh Viên đã bày tỏ nguyện vọng giải nghệ từ cuối năm ngoái, nhưng không được đơn vị chủ quản đồng ý. Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) cũng muốn thuyết phục Ánh Viên tham dự SEA Games 31, kỳ đại hội do Việt Nam làm chủ nhà.

Đầu năm nay, Ánh Viên tái xuất, tham dự giải vô địch bơi lội quốc gia cùng đoàn Quân đội và gặt hái nhiều thành công. Những tưởng phong độ xuất thần đó sẽ giúp Ánh Viên suy nghĩ lại và thay đổi quyết định giải nghệ. Tuy nhiên, ngay sau khi giải đấu tại Thừa Thiên Huế kết thúc, Ánh Viên đã chính thức tuyên bố chia tay bơi lội để bắt đầu một cuộc sống mới. Cô sẽ không tham dự SEA Games 31 cùng tuyển Việt Nam vì lý do sức khỏe.

TIN THẾ GIỚI

Hàn Quốc ghi nhận trên 240.000 ca COVID-19 trong 3 ngày liền

Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này vừa ghi nhận 243.628 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 4.456.264 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp xứ sở kim chi ghi nhận trên 240.000 ca nhiễm một ngày.

Tổng số ca bệnh COVID-19 ở Hàn Quốc đã vượt mốc 4 triệu vào hôm 5/3, chỉ năm ngày sau khi đạt mốc 3 triệu ca. Trước đó, tổng số ca nhiễm vượt mốc 1 triệu ca vào đầu tháng 2. Như vậy, chỉ trong khoảng 1 tháng, tổng số ca COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng từ mức 1 triệu (đầu tháng 2) lên 4 triệu ca (đầu tháng 3).

Tình hình COVID-19 ở Hàn Quốc đã diễn biến phức tạp thời gian gần đây khi biến thể Omicron lây lan khắp nước. Các cơ quan y tế Hàn Quốc dự báo đợt dịch hiện tại sẽ đạt đỉnh với khoảng 350.000 ca nhiễm một ngày vào khoảng giữa tháng 3.

Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc giờ đây đã từ bỏ chính sách cách ly và điều trị nghiêm ngặt. Họ chuyển sang tập trung vào việc giải quyết các ca nghiêm trọng và ngăn ngừa các trường hợp tử vong, vì biến thể Omicron dễ lây lan nhưng ít gây tử vong.

Tin nóng chiều 6/3: Hơn 2.000 người Việt đã sơ tán khỏi Ukraine, 553 người đầu tiên hồi hương 2
Người dân xếp hàng đợi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một trung tâm xét nghiệm tạm thời ở Seoul, Hàn Quốc ngày 6/3. Ảnh: YONHAP

Malaysia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ đầu dịch

Malaysia ngày 6/3 thông báo ghi nhận thêm 33.406 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất ghi nhận theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này năm 2020.

Theo thông báo của Bộ Y tế Malaysia, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 342 ca nhiễm mới nhập cảnh, 33.064 ca lây nhiễm trong cộng đồng, cùng 67 trường hợp tử vong.

Như vậy, tính đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 3.595.172 ca mắc COVID-19, trong đó có 33.173 trường hợp tử vong. Hiện nước này vẫn còn 311.206 bệnh nhân đang phải điều trị, trong đó 371 trường hợp phải chăm sóc đặc biệt.Khoảng 83,1% dân số Malaysia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, 78,9% dân số đã tiêm đủ liều cơ bản và 45,9% dân số đã tiêm mũi tăng cường.

Châu Âu loay hoay từ bỏ khí đốt Nga

Nhiều thập kỷ phụ thuộc vào khí đốt của Nga đã khiến châu Âu dường như không có sự chuẩn bị cho kịch bản Moskva cắt nguồn cung do khủng hoảng Ukraine.

Chiến dịch quân sự của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine đã đánh trực tiếp vào những nỗ lực chậm chạp của châu Âu để từ bỏ khí đốt Nga. Khi nguy cơ không còn khí đốt Nga ngày càng hiện hữu, châu Âu đang đối mặt với tình cảnh người dân co ro trong giá lạnh và các nhà máy không thể hoạt động trong mùa đông tới. Dù Nga cắt nguồn cung khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt từ phương Tây, hay châu Âu chủ động ngừng mua, các nhà hoạch định chính sách châu lục đều đồng tình rằng họ cần chuẩn bị cho một tương lai ít sử dụng năng lượng Nga nhất có thể.

Tách thị trường khí đốt châu Âu khỏi Nga sẽ là một thay đổi lớn đối với một khu vực vốn đã quá phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Siberia, đến mức gần như không có cơ sở hạ tầng cần thiết cho nguồn cung thay thế.

Bình luận