Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin nóng sáng 18/1: Đà Nẵng: không có chuyện phong tỏa toàn thành phố

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nhận định, từ nay đến tết Nguyên đán Nhâm Dần số ca F0 còn tăng cao hơn nữa.

TIN TRONG NƯỚC:

TPHCM: người dân không được lơ là, chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K

Chiều 17/1, tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM đề nghị người dân thành phố không chủ quan, lơ là, tiếp tục cảnh giác với dịch bệnh COVID-19 và thực hiện nghiêm 5K.

Tin no1ng sa1ng 18/1: Đà Nẵng: không có chuyện phong tỏa toàn thành phố 1
Ảnh minh họa

Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP, ông Hải cho biết, hiện thành phố đang điều trị cho 3.631 bệnh nhân; trong đó có 75 trẻ em dưới 16 tuổi, 270 bệnh nhân nặng đang thở máy và 17 bệnh nhân can thiệp ECMO. Qua biểu đồ về tình hình dịch bệnh tại TPHCM cho thấy, số ca nhập viện và số ca tử vong đều giảm.

TPHCM chưa có trường hợp mắc biến thể Omicron trong cộng đồng

Chiều 17/1, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh khẳng định, TP Hồ Chí Minh chưa ghi nhận trường hợp mắc biến thể Omicron trong cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch ứng phó với biến thể Omicron, đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tăng cường kiểm soát ở các cửa khẩu và hành khách khi nhập cảnh vào Việt Nam phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ.

Hiện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đang triển khai test nhanh cho tất cả người nhập cảnh ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, nếu kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12 cách ly. Sau đó, các chuyên gia y tế sẽ tiến hành giải trình gene để xác định biến chủng và điều trị. Riêng trong cộng đồng, Thành phố sẽ tầm soát những khu vực có nhiều người nhập cảnh hoặc có số ca mắc COVID-19 tăng cao nổi trội.

Hà Nội: Phối hợp trong công tác quản lý, chăm sóc F0 tại nhà

Ngày 17/1, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 quận Ba Đình (Hà Nội) và UBND 14 phường thuộc quận đã ký kết chương trình phối hợp quản lý, chăm sóc, theo dõi người mắc COVID-19 tại nhà trên địa bàn quận.

Theo chương trình ký kết, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ hỗ trợ các phường xây dựng kế hoạch, tập huấn, đào tạo năng lực chuyên môn cho Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, các Trạm Y tế cơ động, hướng dẫn quản lý và điều trị F0 tại nhà, triển khai ứng dụng quản lý, điều trị F0 tại nhà.

Đặc biệt, Mạng lưới bác sĩ đồng hành sẽ tư vấn chăm sóc người mắc COVID-19, hỗ trợ tư vấn từ xa cho các Trạm Y tế cơ động và Tổ phòng, chống COVID cộng đồng, đảm bảo không để người mắc COVID-19 nào không được tiếp cận y tế.

Tin no1ng sa1ng 18/1: Đà Nẵng: không có chuyện phong tỏa toàn thành phố 2
Chăm sóc F0 tại nhà

Tiền Giang: nâng cao năng lực điều trị, hạn chế ca bệnh tử vong

Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, trong tuần 10 - 16/1, số ca mắc mới và nhập viện điều trị giảm khoảng 60% so với tuần trước đó. Tỷ lệ tử vong khoảng 1,6%. Hầu hết các trường hợp tử vong đều có bệnh nền.

Tính đến hết ngày 16/1, Tiền Giang có tổng cộng có 10.082 ca F0 điều trị tại nhà. Huyện Châu Thành và thành phố Mỹ Tho có số F0 đang điều trị nhiều nhất, ít nhất là huyện Cai Lậy, Gò Công Tây và Cái Bè, riêng Tân Phước không có ca F0 điều trị tại nhà.

Tiền Giang chỉ đạo các địa phương trong tỉnh phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân khai báo với cơ sở y tế khi tự test nhanh có kết quả dương tính. Các địa phương củng cố hoạt động y tế để hỗ trợ F0 ngay từ cơ sở; tổ chức các trạm y tế lưu động; tăng cường nhân lực theo dõi sát, phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng của người bệnh; nâng cao năng lực điều trị, hạn chế thấp nhất bệnh nặng chuyển tầng điều trị cao hơn.

Đà Nẵng: không có chuyện phong tỏa toàn thành phố

Liên quan đến tin đồn xuất hiện trên mạng xã hội về việc thành phố Đà Nẵng sẽ phong tỏa cứng trong ngày 25 Tết, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, hoàn toàn không có chuyện này. Thành phố tuyệt đối “không ngăn sông cấm chợ”, không ngăn cản, hạn chế đi lại; đảm bảo giao thông thông suốt và mọi điều kiện để người dân vui đón Tết.

“Có những tin đồn, thành phố Đà Nẵng thực hiện Chỉ thị 16 hoặc lock down thành phố trong ngày 25 Tết, điều này tôi khẳng định hoàn toàn không có. Theo Nghị quyết 128 là không có chuyện đó.

Tuy nhiên, người dân vẫn phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp hành chính trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó, thực hiện nghiêm biện pháp 5K và các biện pháp hành chính đối với những nơi đông người để giảm tối thiểu số ca mắc cho hệ thống y tế ổn định, không quá tải" - bà Ngô Thị Kim Yến cho biết.

Tin no1ng sa1ng 18/1: Đà Nẵng: không có chuyện phong tỏa toàn thành phố 3
Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, hoàn toàn không có chuyện phong tỏa cứng toàn thành phố.

Hiện nay, số ca mắc COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng vẫn đang tăng cao, xấp xỉ gần 1.000 ca mỗi ngày. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nhận định, từ nay đến tết Nguyên đán Nhâm Dần số ca F0 còn tăng cao hơn nữa.

Để phòng, chống dịch đạt hiệu quả và thích ứng linh hoạt trong bối cảnh mới, thành phố đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng mũi 3 cho người dân, dự kiến kết thúc trước Tết.

Bắc Giang: Thêm nhiều ca dương tính COVID-19 tại Bệnh viện Y học cổ truyền LanQ

Ngay sau khi phát hiện 33 ca dương tính với COVID-19, Bệnh viện Y học cổ truyền LanQ ở phường Trần Phú, TP Bắc Giang đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc bằng PCR cho 178 người là nhân viên, bệnh nhân đang ở bệnh viện và cách ly tại nhà.

Ngày 17/1, qua xét nghiệm bằng phương pháp PCR, phát hiện thêm 14 người nghi dương tính với COVID-19. Toàn bộ 14 mẫu này đã được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tiếp tục xét nghiệm khẳng định.

Bệnh viện đang tích cực phối hợp với các địa phương lập danh sách truy vết trường hợp là F1, F2 để yêu cầu đến trạm y tế xã, phường, thị trấn khai báo y tế; tiếp tục theo dõi sức khỏe, không đi khỏi nơi cư trú nhằm ngăn chặn dịch lan rộng ra địa bàn./.

Hải Phòng: bến xe khách phía bắc Hải Phòng và Vĩnh Niệm hoạt động trở lại từ 18/1

Theo đó, hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh tại 2 bến xe khách này được hoạt động trở lại. Đây cũng là thông tin đáng mừng khi nhu cầu đi lại của người dân đang có xu hướng tăng lên, nhất là khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần cận kề.

Theo đó, đối với các tuyến được hoạt động 100% số chuyến được công bố trước đây, nay chỉ được hoạt động không quá 50% số chuyến và thực hiện giãn cách chỗ trên phương tiện; đối với các tuyến đang được phép hoạt động từ 20-50% số chuyến theo công bố thì tiếp tục được phép hoạt động theo lưu lượng nói trên và có giãn cách chỗ ngồi trên xe.

Tin no1ng sa1ng 18/1: Đà Nẵng: không có chuyện phong tỏa toàn thành phố 4
Bến xe khách Vĩnh Niệm (Hải Phòng)

Đồng thời, hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cũng được phép hoạt động trở lại từ ngày 18/1 trừ các địa bàn vùng đỏ cấp độ 4.

TIN THẾ GIỚI

Thất nghiệp toàn cầu trong năm 2022 có thể lên 207 triệu người do Covid-19

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã hạ mức dự báo về khả năng phục hồi thị trường lao động trong năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ duy trì cao hơn mức trước dịch Covid-19 ít nhất cho đến năm 2023. Ước tính mức thất nghiệp toàn cầu năm 2022 là 207 triệu người, so với 186 triệu năm 2019.

Tác động tổng thể đến việc làm lớn hơn đáng kể so với những gì được thể hiện bởi những con số này do nhiều người đã rời khỏi lực lượng lao động.

Tổ chức này cũng đã hạ mức dự báo về khả năng phục hồi của thị trường lao động trong năm 2022, dự kiến mức thâm hụt thời giờ làm việc toàn cầu trong năm nay so với quý 4/2019 sẽ tương đương với 52 triệu việc làm toàn thời gian.

Việc hạ dự báo năm 2022 ở một mức độ nào đó phản ánh tác động mà các biến thể Covid-19 mới như Delta và Omicron gây nên đối với thế giới việc làm cũng như mức độ không chắc chắn đáng kể về diễn biến tương lai của đại dịch.

Mỹ: Bão mùa đông gây hàng trăm vụ tai nạn giao thông

Ngày 16-1, cơn bão mùa đông nguy hiểm kết hợp cùng gió lớn và tuyết quét qua nhiều khu vực ở đông nam nước Mỹ gây mất điện, cây đổ và phủ lên đường phố một lớp băng tuyết, gây ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông.

cuối ngày 16-1 (giờ địa phương) có khoảng 130.000 hộ gia đình tại các bang Georgia, North Carolina, South Carolina và Florida bị mất điện.

Trong đó North Carolina bị ảnh hưởng nặng nhất với khoảng 90.000 hộ mất điện. Hơn 1.200 chuyến bay theo lịch trình ngày 16-1 tại sân bay quốc tế Charlotte Douglas của bang này đã bị hủy.

Triều Tiên bắn 2 tên lửa dẫn đường trúng mục tiêu

Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 18-1, Triều Tiên đã bắn hai quả tên lửa dẫn đường chiến thuật ngày 17-1. Đây là vụ mới nhất trong một loạt vụ thử gần đây phô diễn sức mạnh của chương trình tên lửa đang phát triển của quốc gia này trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ.

Trong năm 2022, Triều Tiên đã tiến hành bốn vụ thử tên lửa khác nhau, tần suất phóng dày bất thường. Hai vụ phóng đầu liên quan đến tên lửa siêu thanh. Vụ phóng thứ ba, ngày 14-1, liên quan đến một cặp tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) được phóng từ một toa tàu.

Liên quan đến vụ thử tên lửa mới nhất, quân đội Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ một sân bay ở thủ đô Bình Nhưỡng, quả tên lửa này bay khoảng 380km, đến độ cao tối đa 42km.

Tonga bị núi lửa cô lập với thế giới

Đến hôm qua 17.1, đảo quốc Tonga tiếp tục bị cô lập với phần còn lại của thế giới.

Vụ phun trào dữ dội của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai ngày 15.1 đã đánh sập hệ thống cáp ngầm dưới biển, cắt đứt liên lạc viễn thông và internet, gây cản trở nỗ lực cứu hộ.

Cùng ngày 17.1, Úc và New Zealand quyết định điều động các máy bay trinh sát tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng. Các máy bay vận tải quân sự C-130 của hai nước được đặt trong tình trạng sẵn sàng xuất kích khi được bật đèn xanh.

Đội cảnh sát Úc ở Tonga đã gửi về kết quả thẩm định ban đầu, theo đó tình hình tại đây vô cùng đáng quan ngại.

Phần bị thiệt hại nặng nề nhất được cho là khu vực bờ biển phía Tây, với đường sá, nhà cửa bị hư hại. May mắn là sân bay không bị hư hại đáng kể nào. Trong khi đó, nhiều tổ chức viện trợ vẫn chưa liên lạc được nhân viên tại Tonga. Dựa trên các nguồn tin ít ỏi ban đầu, mức độ thiệt hại khá rộng, đặc biệt đối với các hòn đảo ở rìa ngoài.

Rạng sáng 17.1, một vụ phun trào thứ hai đã xảy ra tại núi lửa trên. Chưa rõ thông tin thiệt hại đến từ vụ phun trào này.

Các nhãn hàng quốc tế tuyên chiến với ô nhiễm nhựa

Hãng tin Reuters ngày 17-1 đưa tin các thương hiệu quốc tế như Coca-Cola và Pepsi đã kêu gọi thiết lập một hiệp ước toàn cầu để chống lại tình trạng ô nhiễm nhựa.

Cụ thể, các quan chức quốc tế sẽ có mặt tại hội nghị Hội đồng Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEA 5.2) tổ chức trong năm nay để bắt đầu đàm phán về hiệp ước giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đang làm tắc nghẽn các bãi rác, cạn kiệt đại dương và giết hại động vật hoang dã.

Hơn 70 công ty đã ký vào tuyên bố chung nói trên, trong đó có những hãng hàng tiêu dùng như Unilever và Nestle (bán rất nhiều sản phẩm đựng trong vật chứa làm bằng nhựa dùng một lần)...

Bình luận