Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin nóng sáng 22/2: F0 cộng đồng tại TPHCM đã được kiểm soát

(VOH) - Các ca F0 cộng đồng tại TPHCM đã được kiểm soát; 80% Trung tâm tiếng Anh giải thể hoặc ngưng hoạt động do dịch; Giá vàng tiến sát đỉnh lịch sử là những tin đáng chú ý sáng nay.

TIN TRONG NƯỚC

Các ca F0 cộng đồng tại TPHCM đã được kiểm soát
Các ca F0 cộng đồng tại TPHCM đã được kiểm soát

Các ca F0 cộng đồng tại TPHCM đã được kiểm soát

Chiều 21/2, TPHCM tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.

Thông tin về chùm ca nhiễm tại tu viện thuộc phường 5, quận Gò Vấp, UBND quận Gò Vấp cho biết nhiều năm qua, tu viện đã cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn lưu trú để học tập tại TP.HCM. Hiện cơ sở nhận hỗ trợ 140 em từ 11 tuổi trở lên.

Ngày 15/2, Trường THCS An Nhơn có một học sinh lớp 7 tạm trú tại tu viện sau khi lấy mẫu phát hiện dương tính. Y tế quận tiến hành các biện pháp phòng chống dịch, tạm thời khoanh vùng cách ly, phát hiện 54 F0 và 53 F1. Các trường hợp nhiễm bệnh tại tu viện đều đã được tiêm đủ liều vắc xin. Hiện chùm ca nhiễm này đã được khống chế.

Về chùm ca nhiễm tại chung cư Nguyễn Du, UBND quận 1 cho biết ngày 18-2, Trạm y tế phường Bến Nghé đã thực hiện test nhanh các hộ dân và phát hiện 6 trường hợp dương tính. Đến 20/2, sau khi test nhanh toàn bộ cư dân, phát hiện thêm 17 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 23 ca. Sáng 21/2 dịch bệnh tại chung cư này cơ bản được kiểm soát.

TPHCM: 80% trung tâm tiếng Anh giải thể hoặc ngưng hoạt động do dịch
TPHCM: 80% trung tâm tiếng Anh giải thể hoặc ngưng hoạt động do dịch

TPHCM: 80% trung tâm tiếng Anh giải thể hoặc ngưng hoạt động do dịch

Thông tin về các trung tâm tiếng Anh đóng cửa, phụ huynh không thể liên hệ dù đã đóng tiền, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM cho biết sau dịch, có khoảng 80% trung tâm ngoại ngữ phải đóng cửa, ngưng hoạt động hoặc giải thể. 

Khi người dân phản ánh không liên hệ được các trung tâm này, sở rà soát, hầu hết chưa được cấp phép hoạt động giáo dục. Với trung tâm đã được cấp phép, sở đã mời chủ đầu tư lên làm việc nhưng một số đơn vị chưa đến. Với trung tâm chưa được cấp phép, sở đã hướng dẫn người dân liên hệ công an để giải quyết. 

Theo quy định hiện hành, khi trung tâm có giấy phép muốn giải thể phải thực hiện theo trình tự pháp luật, trong đó cần đảm bảo quyền lợi của người học và người làm việc trước khi ban hành quyết định giải thể.

F1 tiêm đủ vắc xin chỉ cách ly 5 ngày
F1 tiêm đủ vắc xin chỉ cách ly 5 ngày

F1 tiêm đủ vắc xin chỉ cách ly 5 ngày

Ngày 21/2, Bộ Y tế vừa có công văn mới về cách ly y tế đối với F1 và F0.

Theo đó F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin sẽ cách ly tại nhà 5 ngày, đồng thời xét nghiệm COVID-19 vào ngày cách ly thứ 5. Nếu kết quả âm tính, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo. Còn F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm sẽ cách ly 7 ngày, xét nghiệm COVID-19 vào ngày cách ly thứ 7. Nếu kết quả âm tính, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 3 ngày tiếp theo.

Nếu sức khỏe có dấu hiệu bất thường (sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, giảm hoặc mất khứu giác, tiêu chảy, khó thở, viêm đường hô hấp...) cần báo cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí theo quy định. Như vậy, so với quy định cũ, số ngày cách ly tại nhà với F1 đã tiêm đủ vắc xin theo công văn mới này đã rút ngắn từ 7 ngày còn 5 ngày, số lần xét nghiệm cũng giảm từ 2 lần xuống 1 lần. 

Sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài sửa đường băng

Theo thông báo của Cục Hàng không Việt Nam, trong vài ngày tới sẽ thực hiện tạm dừng khai thác một đường cất hạ cánh tại Nội Bài kéo dài đến ngày 23/2 và tại Tân Sơn Nhất sẽ kéo dài đến 15/3.

Việc tạm dừng một đường cất hạ cánh tại Nội Bài và tại Tân Sơn Nhất để phục vụ sửa chữa, cải tạo và nâng cấp khiến hãng bay lo có thể ảnh hưởng đến giờ khởi hành, giờ đáp của các chuyến bay, đặc biệt trong khung giờ cao điểm.

Vietnam Airlines là hãng bay đầu tiên khuyến nghị khách hàng nên theo dõi lịch bay thường xuyên để chủ động việc đi lại. Vietjet Air, Bamboo Airways cho biết đang bám sát tình hình khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Trong trường hợp có điều chỉnh giờ bay, hãng sẽ chủ động thông báo đến khách. Tuy nhiên, các hãng bay vẫn lo ngại vé đã bán từ trước dựa trên tần suất cất hạ cánh cũ đã được cấp phép. Việc sửa chữa đường băng sẽ dẫn đến các rủi ro về việc chậm, hủy chuyến. 

Nhiều tỉnh lùi thời gian dạy học trực tiếp
Nhiều tỉnh lùi thời gian dạy học trực tiếp

Nhiều tỉnh lùi thời gian dạy học trực tiếp

Ngày 21/2, Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết nhiều tỉnh, thành phải lùi thời gian tổ chức dạy học trực tiếp do dịch bệnh phức tạp. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế sớm có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 12 tuổi, đồng thời có ý kiến về việc học bán trú để có cơ sở hướng dẫn trên toàn quốc.

Các tỉnh thành hiện đang phải lùi việc cho học sinh mầm non đến trường gồm: Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, Hưng Yên, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu, Phú Yên, Tiền Giang, Đắk Lắk (TP Buôn Ma Thuột).

Bậc tiểu học có 54/63 tỉnh, thành phố cho học sinh trở lại trường, với trên 5,2 triệu học sinh, đạt tỉ lệ 87,06%. Các tỉnh thành phải lùi thời gian học trực tiếp gồm: TP Hà Nội (12 quận nội thành), Đắk Lắk (TP Buôn Ma Thuột), Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh.

Bậc THCS hiện có 60/63 tỉnh, thành phố cho học sinh trở lại trường, với trên 4,7 triệu học sinh, đạt tỉ lệ 90,41%. Các tỉnh phải lùi thời điểm học trực tiếp gồm Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, riêng TP Hà Nội có khối lớp 6 của 12 quận nội thành.

Bậc THPT hiện có 62/63 tỉnh, thành phố cho học sinh trở lại trường, với trên 2,3 triệu học sinh, đạt tỉ lệ 90,47%. Có duy nhất một tỉnh là Lào Cai đang dừng cho học sinh trở lại trường mà học trực tuyến.

Các tỉnh thành tăng cường giám sát mặt hàng xăng dầu

Tổng cục Quản lý thị trường vừa chỉ đạo lực lượng tại 63 tỉnh thành tăng cường giám sát với mặt hàng xăng dầu. Việc tăng cường kiểm tra, giám sát là để kịp thời phát hiện các hành vi đầu cơ găm hàng, dừng hoạt động kinh doanh không thông báo, gây khan hiếm nguồn cung xăng dầu... 

Tại TPHCM, cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra trên 100 điểm kinh doanh xăng dầu, phát hiện một số cửa hàng treo bảng "hết xăng". Tình trạng "khát" xăng dầu không chỉ xảy ra tại TPHCM, mà xuất hiện cả trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. 

Qua kiểm tra giám sát của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai, khi làm việc với 60 trạm xăng dầu tại thời điểm kiểm tra có tình trạng ngưng hoạt động kinh doanh, hoặc có hoạt động kinh doanh nhưng treo bảng hết xăng, các đoàn kiểm tra ghi nhận, xác minh và xử lý theo quy định.

Tại Gia Lai, Lạng Sơn, Đồng Nai, Bình Định... các đơn vị quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát và yêu cầu nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ký cam kết "không đóng cửa, bán hàng đúng thời gian niêm yết, niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết".

Giá vàng tiến sát đỉnh lịch sử
Giá vàng tiến sát đỉnh lịch sử

Giá vàng tiến sát đỉnh lịch sử

Cuối ngày 21/2, giá vàng trong nước đã tăng lên mức 63,4 triệu đồng/lượng, chỉ còn thấp hơn mức đỉnh lịch sử đã lập hồi đầu tháng 2 khoảng 1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới hôm qua có thời điểm lên sát ngưỡng 1.910 USD/ounce nhưng sau đó giảm nhanh về mức 1.897,7 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 52,46 triệu đồng/lượng. Như vậy giá vàng thế giới đã giảm nhẹ so với cuối tuần qua nhưng giá vàng trong nước lại tăng thêm 150.000 đồng/lượng.

Hơn 1.000 gia súc bị chết do giá rét ở vùng núi phía Bắc
Hơn 1.000 gia súc bị chết do giá rét ở vùng núi phía Bắc

Hơn 1.000 gia súc bị chết do giá rét ở vùng núi phía Bắc

Theo thống kê tính tới 19h00 ngày 21/2 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, tại 10 tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ đã ghi nhận hơn 1.000 con gia súc bị chết, trong đó bao gồm 881 con trâu bò và 129 con dê và gia súc khác.

Trước tình hình rét đậm, rét hại còn kéo dài trong nhiều ngày tới, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống thiệt hại tới người dân.

TIN THẾ GIỚI

COVID-19 thế giới ngày 22/2
COVID-19 thế giới ngày 22/2

COVID-19 thế giới ngày 22/2

Theo tuyên bố ngày 21-2 về chiến lược "sống chung với COVID", nhằm đưa Anh thoát khỏi đại dịch nhanh hơn so với các nước lớn khác, Anh sẽ loại bỏ tất cả các hạn chế mang tính pháp lý còn lại trong nước về COVID-19 do tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 liều thứ 3 rất cao ở vương quốc này.

Đã có hơn 81% người lớn đã tiêm mũi vắc xin thứ 3 ở Anh.

Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha vừa yêu cầu các lực lượng vũ trang chuẩn bị các bệnh viện dã chiến một lần nữa trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc đang gia tăng.

Lệnh của Thủ tướng Prayut được đưa ra khi số lượng bệnh nhân COVID-19 hằng ngày ở Thái Lan tăng lên mức hơn 18.000 ca trong ba ngày liên tiếp. 

Sáng 21/2, Thái Lan đã ghi nhận thêm 18.883 ca mắc COVID-19 mới và 32 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 2.731.198 ca (gồm cả 507.763 ca trong năm nay), trong đó có 22.656 ca tử vong (kể cả 958 ca trong năm nay).

Ngày 21-2, hãng Biological E. Ltd của Ấn Độ cho biết loại vắc xin COVID-19 của hãng đã được chính quyền cấp phép sử dụng khẩn cấp với trẻ em từ 12-18 tuổi.

Vắc xin của công ty có tên là Corbevax, là vắc xin COVID-19 thứ 3 được phép dùng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên ở Ấn Độ.

Cho đến nay, Ấn Độ chỉ mới bắt đầu tiêm vắc xin cho trẻ em từ 15 tuổi trở lên với hơn 76 triệu trẻ em từ 15-17 tuổi đã được tiêm phòng bằng vắc xin Covaxin.

Trước đó, tháng 12-2021, Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp với vắc xin Corbevax để sử dụng ở người lớn nhưng vắc xin chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng toàn quốc.

Mỹ xem xét phê duyệt tiêm mũi vaccine thứ tư ngừa COVID-19

Mỹ hiện ghi nhận 80.087.617 ca nhiễm và 959.412 ca tử vong. Với số ca nhiễm gần bằng 1/2 của Mỹ (42.838.524 ca), Ấn Độ đứng thứ hai thế giới. Tuy nhiên, Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (644.362 ca). Trong số 10 quốc gia đứng đầu danh sách, 7 nước còn lại là ở châu Âu, gồm Pháp (với 22.286.829 ca mắc), Anh 18.605.752 ca, Nga 15.522.765 ca, tiếp đó là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt là 13.602.431 ca và 13.504.485 ca, Italy là 12.469.975 ca và Tây Ban Nha ghi nhận 10.809.222 ca.

Mỹ đang xem xét phê duyệt việc tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 vào mùa Thu năm nay. Hiện kế hoạch vẫn đang ở giai đoạn đầu và quá trình cấp phép sẽ phụ thuộc vào kết quả các cuộc nghiên cứu đang được thực hiện về việc liệu liều vaccine tăng cường thứ hai có giúp nâng cao khả năng miễn dịch của người được tiêm, giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và nghiêm trọng sau mắc COVID-19 hay không. Theo các chuyên gia, liều tăng cường thứ hai này có thể là khởi đầu của chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 hàng năm. Nếu có biến thể mới xuất hiện, khả năng Mỹ sẽ áp dụng chiến lược này. Đến nay, khoảng 65% dân số Mỹ đã hoàn thành liều tiêm cơ bản, khoảng 43% đã được tiêm mũi vaccine tăng cường. Tuy nhiên, tỷ lệ người cao tuổi và những người có nguy cơ mắc COVID-19 sau khi tiêm vaccine đã tăng lên, nhiều người trong đó mong muốn được tiêm liều vaccine tăng cường thứ 2.

Nga công nhận độc lập của 2 khu vực ở miền đông Ukraine
Nga công nhận độc lập của 2 khu vực ở miền đông Ukraine

Nga công nhận độc lập của 2 khu vực ở miền đông Ukraine

Các nước phương Tây gồm Mỹ, Đức, Pháp, Anh khẳng định sẽ phản ứng với quyết định công nhận độc lập với hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine (Donetsk và Luhansk) của Nga.

Ngày 21-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu dài yêu cầu các nhà lập pháp của nước này công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở Ukraine.

Trong tuyên bố của mình, ông Putin gọi hai vùng lãnh thổ đòi ly khai với Ukraine là Cộng hòa nhân dân Luhanks và Cộng hòa nhân dân Donetsk.

Cả hai khu vực này đều là những vùng lãnh thổ tự trị bởi lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, sau khi xảy ra các cuộc giao tranh với chính quyền Kiev vào năm 2014.

Sự công nhận của Nga với hai vùng lãnh thổ này, trong mắt phương Tây, là một sự leo thang nghiêm trọng, thủ tiêu các thỏa thuận Hiệp định Minsk, năm 2015, mà nhiều người tin rằng có thể giúp tìm ra một phương cách ngoại giao thoát khỏi bế tắc hiện tại.

Tuy nhiên, ông Putin khẳng định Nga “đã làm tất cả để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, trong đó có việc “đấu tranh để thực hiện các thỏa thuận Minsk”, song đều vô ích.

Tổng thống Nga nhấn mạnh các đề xuất về đảm bảo an ninh của Nga đưa ra hồi tháng 12-2021 đã bị bỏ qua nên Matxcơva có “toàn quyền áp dụng các biện pháp đáp trả để đảm bảo an ninh của mình”.

Mạng xã hội của ông Trump có thể bị kiện vì logo
Mạng xã hội của ông Trump có thể bị kiện vì logo

Mạng xã hội của ông Trump có thể bị kiện vì logo

Ứng dụng mạng xã hội mới của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump có tên Truth Social ra mắt trước nửa đêm 20-2 (giờ địa phương) trên kho ứng dụng của Apple. Tuy nhiên, logo của ứng dụng được cho là giống với logo của một công ty ở Anh.

Do nhu cầu tải ứng dụng quá lớn, nhiều người dùng đã gặp khó khăn khi đăng ký tài khoản hoặc bị đưa vào danh sách chờ với thông báo: "Do nhu cầu lớn, chúng tôi đã đưa bạn vào danh sách chờ. Chúng tôi yêu bạn".

Tính đến sáng 21-2, có hơn 170.000 người trong danh sách chờ đăng ký tài khoản mới với Truth Social.

Ông Trump hy vọng Truth Social sẽ thu hút hàng triệu người theo dõi ông trên Twitter sử dụng. Cổ phiếu của một công ty có kế hoạch mua Trump Media and Technology Group, công ty mẹ của Truth Social, đã tăng vọt trong những tháng gần đây.

Ứng dụng Truth Social tuyên bố là cổ vũ "tự do ngôn luận" cánh hữu, tương tự như các mạng xã hội Gettr, Parler hoặc Gab đã xuất hiện.

Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng sử dụng sự ra mắt của Truth Social để kêu gọi đóng góp tiền cho các chiến dịch bầu cử của họ.

Tuy nhiên, sau khi ra mắt, ứng dụng Truth Social có thể vướng vào một rắc rối pháp lý về nhận diện thương hiệu. Logo của Truth Social - một hình vuông màu tím với chữ "T" màu trắng và một hình vuông màu xanh ngọc ở phía dưới bên phải - gần giống với logo của Công ty Trailar, một công ty lắp bảng năng lượng mặt trời, nhằm tiết kiệm nhiên liệu, phát thải CO2 và bảo trì.

Giao thương đường sắt Trung Quốc và châu Âu tăng cao
Giao thương đường sắt Trung Quốc và châu Âu tăng cao

Giao thương đường sắt Trung Quốc và châu Âu tăng cao

Tuyến đường sắt vận tải hàng hóa hai chiều đầu tiên giữa Trung Quốc và châu Âu đã bắt đầu đi vào hoạt động cuối tuần qua, nối thành phố cảng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) với thành phố Mannheim của Đức. Chỉ riêng năm qua, đã có hơn 1.800 chuyến tàu hàng giữa Trung Quốc và châu Âu đi qua tỉnh Sơn Đông qua 51 tuyến đường sắt quốc tế.

Trong 5 năm gần đây, số chuyến tàu mỗi ngày từ Trung Quốc đi châu Âu đã tăng từ 8 chuyến lên 20 chuyến, thời gian vận bằng đường sắt chỉ bằng 1/3 đến 1/2 so với đi bằng đường biển. Giá vận chuyển hàng bằng đường biển đã tăng gấp 5 lần so với trước đại dịch nên nhiều nước như Italy, Pháp, Đức tăng cường giao thương với Trung Quốc bằng đường sắt.

Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp châu Âu xuất hàng qua nước này bằng đường sắt, với giá cước ưu đãi chỉ bằng 25-30% so với chiều xuất hàng từ Trung Quốc sang châu Âu. Năm qua, giao thương hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu đạt con số kỷ lục, với hơn 15 ngàn chuyến, tăng đến hơn 80% so với cùng kỳ, với 1,5 triệu container hàng hóa.

Dù còn một số hạn chế như không chở được container khổ lớn như đường biển, nhưng trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, vận chuyển bằng đường sắt là giải pháp tối ưu được Trung Quốc đẩy mạnh, giúp cho việc giao thương hàng hóa giữa Trung Quốc với đối tác hàng đầu châu Âu được thông suốt.

Bình luận