Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin nóng sáng 3/3: Chung kết xếp hạng Bông Lúa Vàng 2021 - Sẵn sàng cho mùa gặt bội thu

(VOH) - Vòng thi Chung kết xếp hạng hứa hẹn là những phần tranh tài, biểu diễn đặc sắc nhất và tìm ra Quán quân với giải thưởng 100 triệu đồng và cúp mạ vàng danh giá.

TIN TRONG NƯỚC

Chung kết xếp hạng cuộc thi "Bông lúa vàng - Tỏa sáng tài năng cải lương"

Vượt qua những thách thức từ đại dịch COVID-19, cuộc thi “Bông Lúa Vàng - Tỏa sáng tài năng cải lương” lần thứ 28 với sự đồng hành của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, thương hiệu Đầu Trâu, tiếp tục là sân chơi uy tín của giới mộ điệu cải lương.

Ban Giám khảo là những nghệ sĩ nổi tiếng, có chuyên môn, uy tín cao, đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học sâu sắc cho thế hệ trẻ đam mê ca hát và tìm ra “những hạt lúa vàng” kế thừa, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tin nóng sáng 3/3: Chung kết xếp hạng Bông Lúa Vàng 2021 - Sẵn sàng cho mùa gặt bội thu
Tin nóng sáng 3/3: Chung kết xếp hạng Bông Lúa Vàng 2021 - Sẵn sàng cho mùa gặt bội thu

Cuộc thi năm nay chính thức khởi động từ tháng 05/2021, thu hút thí sinh trong cả nước tham gia sơ tuyển tại 03 điểm thi: Đồng Tháp, Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh. Các thí sinh lần lượt trải qua các vòng thi: Gieo hạt, Mạ non, Trổ đòng, Lúa vàng và vòng thi cuối “Chung kết xếp hạng” diễn ra lúc 13 giờ 30 ngày 05/3/2022.

Các thí sinh đến từ nhiều vùng quê khác nhau, gặp nhiều thử thách khó khăn nhưng với tình cảm với nghệ thuật đờn ca tài tử, sân khấu cải lương họ đã dấn thân thử sức với Bông Lúa Vàng 2021. Sự đa dạng về tiết mục và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các thí sinh, vòng thi Chung kết xếp hạng hứa hẹn sẽ là những phần tranh tài, biểu diễn đặc sắc nhất phục vụ khán thính giả gần xa và tìm ra Quán quân xứng đáng với giải thưởng 100 triệu đồng và cúp mạ vàng danh giá.

Vòng chung kết trực tiếp truyền thanh và truyền hình trên các kênh: AM 610Khz Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM – VOH; Kênh truyền hình HTV1 - Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Và các Đài liên kết. Livestream trên website: voh.com.vn, fanpage Radio VOH, Bông Lúa Vàng và các fanpage liên kết của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM – VOH.

Đặc biệt Mời quý vị có thể đăng ký đến trường quay trực tiếp, cổ vũ cho các thí sinh tại Fanpage: Bông Lúa Vàng. Bông Lúa Vàng - Tỏa sáng tài năng cải lương

TPHCM: học sinh là F1 hoàn thành cách ly có thể tự test nhanh tại nhà

Ngày 2/3, UBND TP.HCM có văn bản điều chỉnh hướng dẫn kiểm soát dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, nhằm tạo điều kiện cho học sinh là F1 đi học trở lại sau khi hoàn thành cách ly.

Về việc xét nghiệm đối với trường hợp F1 sau khi hoàn thành cách ly tại nhà, theo quy định mới thì phụ huynh tự test nhanh cho học sinh tại nhà vào ngày thứ 5 (nếu đã tiêm đủ vắc xin), hoặc ngày thứ 7 (nếu chưa tiêm đủ vắc xin). Sau đó thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm bằng cách gửi hình ảnh qua các nền tảng như email, Zalo, Viber, tin nhắn...

Tin nóng sáng 3/3: Chung kết xếp hạng Bông Lúa Vàng 2021 - Sẵn sàng cho mùa gặt bội thu 2
Ảnh minh họa: TTO

Trường hợp phụ huynh không có điều kiện test nhanh cho học sinh tại nhà thì có thể đưa học sinh đến trạm y tế để xét nghiệm. Sau đó phụ huynh hoặc nhân viên y tế thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm. Kết quả xét nghiệm âm tính được xem là đủ điều kiện cho học sinh quay trở lại trường.

36 triệu dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ vào căn cước công dân

Bộ Công an đã phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thành giải pháp, triển khai việc đồng bộ 36 triệu dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân.

Đây là thông tin được đưa ra trong cuộc họp kiểm điểm tiến độ, thúc đẩy triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 2-3.

Việc này nhằm phục vụ người dân chỉ sử dụng một loại giấy tờ căn cước công dân khi đi khám bệnh, tích hợp sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho thẻ bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế đề xuất phương án phân phối thuốc Molnupiravir

Ngày 2/3 Bộ Y tế cho biết, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định, thuốc điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm A như COVID-19 sẽ được cấp phát miễn phí. Tuy nhiên hiện nay, số lượng F0 không triệu chứng và nhẹ đang gia tăng, người dân tự xét nghiệm và được cách li theo dõi tại nhà nên cần có thêm kênh tiếp cận thuốc kháng virus bên cạnh cấp miễn phí theo luật.

Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ 2 phương án phân phối thuốc Molnupiravir gồm: cấp phát thuốc miễn phí tại cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và bán tại các cơ sở đăng kí, kinh doanh về thuốc để người dân tự mua.

Trước đó, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị về phương án người dân tự chi trả tiền thuốc Molnupiravir và được Bộ Chính trị cho phép. Bộ Y tế đang tiếp tục trình Chính phủ xin ý kiến các nội dung liên quan đến việc người dân tự mua thuốc. Khi được Thủ tướng cho ý kiến sẽ triển khai cụ thể.

Tin nóng sáng 3/3: Chung kết xếp hạng Bông Lúa Vàng 2021 - Sẵn sàng cho mùa gặt bội thu 3
Ảnh: SKDS

Bắc Ninh tạm giữ lô kit xét nghiệm COVID-19 không rõ nguồn gốc

Ngày 2/3, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đơn vị đang củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật đối với Tạ Quân Anh, 29 tuổi, ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên do có hành vi vận chuyển 1.395 kit xét nghiệm nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại thời điểm kiểm tra, Quân Anh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng trên. Bước đầu làm việc, Quân Anh khai nhận, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu mua sinh phẩm xét nghiệm của người dân tăng cao, nên Quân Anh đã mua số kit xét nghiệm trôi nổi trên thị trường đem bán kiếm lời.

Nam Định quản lý chặt F0 điều trị tại nhà

Chính quyền, cơ quan chức năng địa phương phải quản lý chặt chẽ các trường hợp mắc COVID-19 (F0) thể nhẹ và không có triệu chứng, cách ly, điều trị tại nhà, nơi lưu trú một cách chặt chẽ, không để tình trạng do chủ quan, người bị bệnh vẫn đi ra ngoài làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nam Định với 10 huyện, thành phố trên địa bàn về công tác phòng, chống dịch diễn ra chiều 2/3.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là khi số ca mắc là học sinh tăng đột biến thời gian gần đây, xét đề nghị của các huyện, thành phố, chiều 2/3, tỉnh Nam Định đã ra thông báo đồng ý để các cơ sở giáo dục chuyển hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6; học sinh mầm non tạm dừng đến trường kể từ ngày 3/3. Các cấp học khác, căn cứ tình hình thực tế, áp dụng linh hoạt hình thức học trực tiếp hoặc trực tuyến

Hải Dương: Tạm dừng xét nghiệm COVID-19 dịch vụ tại các Trạm Y tế

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để đảm bảo nguồn lực y tế tuyến xã trong việc đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân và phòng, chống dịch, Sở Y tế Hải Dương đề nghị các Trung tâm Y tế bổ sung nhân lực cho các Trạm Y tế tuyến xã, Trạm Y tế lưu động thay thế những người bị mắc COVID-19.

Cùng với đó, các Trạm Y tế tuyến xã tạm dừng triển khai xét nghiệm dịch vụ để tập trung chăm sóc, điều trị cho người mắc COVID-19 tại nhà.

Các Trạm Y tế này chỉ thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên được cấp hoặc do người dân tự mua xét nghiệm cho người mắc COVID-19 đã cách ly, điều trị tại nhà đủ 7 ngày, 10 ngày hoặc 14 ngày (người chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19) để xác nhận khỏi bệnh và dỡ bỏ cách ly.

TIN THẾ GIỚI

Indonesia đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19

Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia hôm qua cho biết quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh có tới 18 triệu liều vaccine sắp hết hạn sử dụng tính đến cuối tháng 2/2022.

Cụ thể, khoảng cách giữa liều vaccine thứ hai và mũi tiêm tăng cường đã được rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng thẩm tra nguồn dự trữ vaccine tại các địa phương nhằm phát hiện những lô sắp hết hạn sử dụng.

Dân Hong Kong đổ xô mua hàng tích trữ, nhà cung cấp nói không nên lo sợ

Ngay sau khi xuất hiện thông tin về khả năng áp dụng đợt phong tỏa trên diện rộng vào cuối tháng này, người dân Hong Kong đã vội vã tích trữ thịt đông lạnh, bánh mỳ, thuốc, thức ăn trẻ em cùng nhiều mặt hàng khác. Xu hướng này đã gây ra tình trạng các kệ hàng tại chợ, siêu thị thường xuyên ở trạng thái trống trơn ngay sau khi vừa được bổ sung.

Xuất hiện tình trạng khan hiếm hàng thực phẩm tại các chợ và siêu thị ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Xuất hiện tình trạng khan hiếm hàng thực phẩm tại các chợ và siêu thị ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Các nhà cung ứng thực phẩm tại đặc khu kinh tế này đã lên tiếng kêu gọi dân chúng không nên hoảng sợ, vội vàng đi mua đồ thiết yếu, đồng thời khẳng định nguồn cung ứng còn dồi dào, dù gặp phải một số khó khăn về nhân công bán hàng, khâu vận chuyển hàng hóa.

OPEC+ giữ nguyên chiến lược khai thác bất chấp giá dầu tăng

Hôm qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức 400.000 thùng/tháng vào tháng 4 tới, bất chấp giá dầu tăng kỷ lục. Quyết định này được đưa ra dựa trên khuyến nghị của một ủy ban giám sát.

Giá dầu thế giới trong ngày 2/3 đã vượt ngưỡng 113 USD/thùng, mức cao nhất trong gần 8 năm qua, sau khi các nước phương Tây siết chặt trừng phạt Nga và tình trạng gián đoạn nguồn cung từ nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới.

Lạm phát khu vực Eurozone lên cao kỷ lục 5,8%

Trước đó, lạm phát tháng 1 tại Eurozone là 5,1%. Lạm phát tăng cao kỷ lục được cho là do giá khí đốt và dầu mỏ tăng mạnh và thậm chí còn tăng cao hơn do xung đột ở miền Đông Ukraine tác động tới nguồn cung các mặt hàng này. Lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu thô Brent tăng lên 110 USD/thùng và sau đó vài giờ giá dầu WTI cũng tăng lên mức cao nhất từ năm 2013. Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu cũng lên mức kỷ lục mới.

Các nhà hoạch định chính sách lo ngại lạm phát tăng mạnh có thể cản trở đà phục hồi kinh tế sau đại dịch tại EU.

Chile gia hạn tình trạng khẩn cấp ở miền Bắc

Chính phủ Chile ngày 2/3 đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp ở miền Bắc nước này thêm 15 ngày trong bối cảnh cuộc khủng hoảng an ninh và di cư tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại biên giới Chile-Bolivia.

Di cư đã trở thành một vấn đề nóng ở Chile do làn sóng người di cư trái phép ở khu vực Mỹ Latinh. Quốc gia Nam Mỹ kể từ ngày 12/2 đã áp dụng một đạo luật mới liên quan đến người di cư, theo đó, Chính phủ Chile đã trao quyền hạn lớn hơn cho giới chức các địa phương trục xuất những người nước ngoài sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo để nhập cảnh hoặc tìm cách né tránh các biện pháp kiểm soát người di cư của chính quyền sở tại.

Bình luận