Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin nóng sáng 6/1/2022: Bộ Y tế xem xét cho phép lưu hành 3 loại thuốc chứa Molnupiravir

(VOH) - Thống nhất đề xuất Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir có chỉ định điều trị COVID-19.

 

TIN TRONG NƯỚC

Bộ Y tế xem xét cho phép lưu hành 3 loại thuốc chứa Molnupiravir

Chiều qua 5-1, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế đã họp, xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir (thuốc kháng virus dùng cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ và vừa) của các cơ sở sản xuất trong nước.

Bộ Y tế cho rằng "tại phiên họp, Hội đồng đã xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng các ý kiến thẩm định của các tiểu ban chuyên môn, các chuyên gia đầu ngành về tiêu chuẩn chất lượng, bào chế, dược lý lâm sàng". Qua đó thống nhất đề xuất Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir có chỉ định điều trị COVID-19.

Thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir đã được sử dụng trong chương trình điều trị có kiểm soát tại Việt Nam từ tháng 8-2021. Đến nay đã có 51 tỉnh thành tham gia với trên 300.000 liều thuốc đã được phân bổ. 

Tin nóng sáng 6/1/2022: Bộ Y tế xem xét cho phép lưu hành 3 loại thuốc chứa Molnupiravir 1

Ảnh minh họa

TP.HCM: Bệnh viện dã chiến số 14 chuyển thành bệnh viện 3 tầng

UBND TP.HCM vừa có quyết định tổ chức lại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 14 thành Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 trực thuộc Sở Y tế từ ngày 15-12-2021. Trụ sở đặt tại số 02 đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM.

Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 có quy mô 1.600 giường bệnh, trong đó 600 giường hồi sức tích cực, 1.000 giường thu dung, điều trị người bệnh không có triệu chứng và mức độ nhẹ, vừa, nặng với 1.350 nhân viên y tế và các nhân viên hỗ trợ.

Cũng theo quyết định này, bệnh viện được xếp hạng 1 theo hạng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và sử dụng danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Bệnh viện có chức năng tổ chức thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị người bệnh COVID-19 không có triệu chứng và người bệnh mức độ nhẹ, vừa, nặng, nguy kịch.

Tin nóng sáng 6/1/2022: Bộ Y tế xem xét cho phép lưu hành 3 loại thuốc chứa Molnupiravir 2

Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện dã chiến số 14 hồi tháng 8-2021 - Ảnh: TTO

TP.HCM: Thêm lực lượng trẻ tham gia hỗ trợ y tế cơ sở

Sắp tới tại TP.HCM sẽ có 3 lực lượng thường trực tham gia hỗ trợ tại mạng lưới y tế cơ sở là sinh viên y đa khoa năm 5, năm 6, các bác sĩ chương trình thực hành 18 tháng của Sở Y tế và các giảng viên khoa y tế công cộng.

Ngày 5-1, hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết mỗi năm sẽ có hơn 1.600 sinh viên y đa khoa năm 5 và năm 6 của trường chia thành nhiều đợt (100 - 120 sinh viên/đợt) luân phiên thực tập tại mạng lưới y tế cơ sở (trung tâm y tế, trạm y tế của TP).

Trong thời gian thực tập, đội ngũ này sẽ hỗ trợ trạm y tế như lấy mẫu cộng đồng, hỗ trợ tiêm chủng vắc xin, tham gia hỗ trợ tại khu cách ly, điều trị F0, tổ chức các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe tại địa bàn như phòng chống sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh đái tháo đường, chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà,…

TPHCM: Trường học chưa mở bán trú khiến nhiều phụ huynh lo lắng

Học sinh khối 7, 8, 10, 11 ở TP.HCM đi học trở lại nhưng trường chưa mở bán trú khiến nhiều phụ huynh than họ 'không làm được việc gì' và 'cứ loạn cả lên' vì phải đưa đón con.

Về mong muốn mở lại bán trú của nhiều phụ huynh trong thời điểm này, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết về mặt dịch tễ học thì vẫn có thể sắp xếp, tổ chức được. Nhưng hiện tại, ngoài những phụ huynh mong muốn mở lại bán trú, còn nhiều phụ huynh vẫn đang lo lắng việc tổ chức bán trú trong trường học sẽ ảnh hưởng đến phòng chống dịch bệnh. Nên việc tổ chức bán trú ở trường phải từ từ thăm dò mới nên thực hiện.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, việc các trường có tổ chức bán trú và dạy học trực tiếp như thế nào do ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của các quận, huyện, TP Thủ Đức kiểm tra, thẩm định và cho phép. 

Tin nóng sáng 6/1/2022: Bộ Y tế xem xét cho phép lưu hành 3 loại thuốc chứa Molnupiravir 3

Học sinh lớp 10 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM trở lại trường trong buổi học đầu tiên sau thời gian dài giãn cách, sáng 4-1 - Ảnh: TTO

Quảng Trị: cập nhật quy định mới với người về từ TP.HCM và các tỉnh thành

Theo quy định mới từ ngày 5-1, Quảng Trị dừng thực hiện biện pháp giám sát y tế tại nhà 14 ngày đối với tất cả trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19 và ở vùng xanh (nguy cơ thấp) từ 9 tỉnh, thành phố trở về Quảng Trị gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, An Giang, Bạc Liêu, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bình Thuận.

Người tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi COVID-19 không quá 6 tháng, từ vùng xanh, vùng vàng (nguy cơ trung bình) trở về tỉnh sẽ không hạn chế đi lại, chỉ cần thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc tại cơ sở y tế gần nhất, không yêu cầu xét nghiệm. 

Người trở về từ vùng cam (nguy cơ cao) cách ly tại nhà tối thiểu 7 ngày, tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày tiếp theo. Người trở về từ vùng đỏ (nguy cơ rất cao) cách ly tập trung tối thiểu 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày tiếp theo sau cách ly tập trung, xét nghiệm COVID-19 trong thời gian cách ly theo quy định.

Hà Nội có trạm ATM oxy 1.000 bình cho bệnh nhân COVID-19

Chiều 5-1, Thành đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên thành phố Hà Nội tổ chức khởi động trạm ATM oxy và các hoạt động điều phối oxy hỗ trợ điều trị F0 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hiện trạm ATM oxy có 1.000 bình oxy loại 8 lít, 200 bình oxy loại 40 lít, hàng trăm đồng hồ đo, máy oxy và bộ chia oxy. Các bình oxy và thiết bị y tế sẽ được cung cấp cho các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai và các huyện Gia Lâm, Đông Anh hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.

Bệnh nhân F0 khi được chỉ định dùng bình oxy sẽ được thanh niên tình nguyện, tình nguyện viên tổ hỗ trợ chăm sóc F0 tại địa phương vận chuyển từ các trạm y tế tới tận nhà và ngược lại. Bên cạnh đó, Hà Nội triển khai mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành", hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 tại nhà với tổng số hơn 400 bác sĩ và tình nguyện viên đến từ các trường đại học, cao đẳng, học viện y dược trên địa bàn thành phố.

Chiềng Yên, Sơn La: Hủy quy định về quê ăn Tết trước 22 ngày

Ngay sau thông tin gây nóng dư luận về việc yêu cầu người dân về quê ăn Tết phải về trước 22 ngày, chiều 4/1, lãnh đạo xã Chiềng Yên (Sơn La) đã ban hành văn bản đính chính. Công văn đính chính cho biết do "sơ xuất" trong khâu thẩm định văn bản trước khi ký nên công văn ban hành ngày 30/12 có nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Theo công văn mới, những công dân, lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, lao động tự do ngoài tỉnh có nhu cầu trở về địa phương trong dịp Tết Nguyên đán, chủ động thời gian và các điều kiện cần thiết để về đón Tết với điều kiện phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bắc Giang khẩn trương dập dịch trường học với hơn 200 F0

Điểm dịch này bùng phát nghi nguồn lây từ một giáo viên dạy tiếng Anh là người nước ngoài. Điểm dịch được ghi nhận tại trường tiểu học Ngô Sĩ Liên, TP Bắc Giang với ca mắc đầu tiên là học sinh được ghi nhận vào ngày 29/12/2021. Quá trình xét nghiệm sau đó phát hiện thêm nhiều F0 là học sinh và giáo viên của trường.

Để khoanh vùng dập dịch, TP Bắc Giang đã cho tất cả học sinh tạm thời nghỉ học để thực hiện truy vết, trong đó lấy mẫu liên tục 2 ngày một lần với nhóm nguy cơ cao. Cùng với đó, địa phương đã thành lập thêm ngay một khu điều trị tập trung F0 sẵn sàng tiếp nhận khi số ca mắc tăng lên.

TP Bắc Giang đặt quyết tâm trong vòng 7 ngày có thể khoanh vùng được điểm dịch này và dần cho học sinh trở lại trường.

Tin nóng sáng 6/1/2022: Bộ Y tế xem xét cho phép lưu hành 3 loại thuốc chứa Molnupiravir 4
Bắc Giang đã và đang nỗ lực khoanh vùng điểm dịch mới phát sinh. Ảnh VTV

TIN THẾ GIỚI

Singapore, Thái Lan cảnh giác với làn sóng lây nhiễm mới do Omicron

Giới chức Singapore cảnh báo với tốc độ lây lan nhanh của biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nước  này sẽ sớm phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới, với số ca nhiễm tăng cao hơn thời kỳ cao điểm dịch bệnh do biến thể Delta đầu quý IV/2021.

Hiện nay, Singapore có gần 2.300 ca nhiễm biến thể Omicron nhưng chỉ có 3 ca nhiễm cần hỗ trợ thở ôxy trong vòng 3 ngày, không có ca nhiễm nào chuyển nặng phải điều trị tích cực.

# Còn tại Thái Lan cũng đang cân nhắc áp dụng các biện pháp như hạn chế tụ tập đông người và cấm bán đồ uống có cồn tại các nhà hàng nhằm ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới.

Hôm qua, Thái Lan ghi nhận 3.899 ca mắc mới, tăng mạnh so với mức trung bình 2.600 ca/ngày vào giai đoạn cuối năm 2021, trong khi các ca nhiễm biến thể Omicron cũng đã tăng gấp 3 kể từ dịp nghỉ lễ cuối năm 2021.

Tin nóng sáng 6/1/2022: Bộ Y tế xem xét cho phép lưu hành 3 loại thuốc chứa Molnupiravir 5

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Mỹ có thể mở cửa trường học bất chấp sự lây lan biến thể Omicron

Hôm qua, Điều phối viên chống dịch COVID-19 của Nhà Trắng tuyên bố Mỹ có các công cụ cần thiết để giữ cho các trường học mở cửa bất chấp sự gia tăng các ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh.

Điều phối viên này nhấn mạnh quan điểm của các bậc phụ huynh là muốn trường học mở cửa, trong khi các chuyên gia cho rằng học trực tiếp là tốt nhất cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em cũng như giáo dục sau này. Hiện khoảng 96% trường học ở Mỹ đang mở cửa và các cơ quan chức năng biết cách giữ an toàn cho trẻ em khi đến trường. Do vậy, các trường học ở nước này cần tiếp tục mở cửa

Anh không yêu cầu xét nghiệm PCR với người không có triệu chứng bệnh COVID-19

Những người có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với COVID-19 sẽ không cần thực hiện xét nghiệm PCR để xác nhận kết quả nếu không có triệu chứng mắc bệnh. Đây là quy định mới được Cơ quan An ninh y tế Anh thông báo ngày hôm qua, áp dụng tại xứ England của Vương quốc Anh.

Quyết định này cũng sẽ giúp giảm gánh nặng với hệ thống xét nghiệm và giảm thiểu tình trạng hoang mang do các kết quả xét nghiệm đối lập nhau.

Tin nóng sáng 6/1/2022: Bộ Y tế xem xét cho phép lưu hành 3 loại thuốc chứa Molnupiravir 6

Người dân tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Argentina ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao kỷ lục

Hôm qua, Bộ Y tế Argentina cho biết nước này đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong ngày kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm 2020 với 95.159 trường hợp dương tính mới trong bối cảnh làn sóng thứ ba của căn bệnh này đang bùng phát mạnh kể từ đầu tháng 12/2021.

Theo lý giải của giới chức y tế Argentina, số lượng ca nhiễm mới tăng mạnh trong thời gian vừa qua rơi vào đúng giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ Hè ở Nam Bán cầu và hàng trăm nghìn người đã di chuyển tới các điểm du lịch trên cả nước khi các biện pháp hạn chế hầu như đã được dỡ bỏ.

WHO: Tất cả vaccine hiện có đều giúp giảm nguy cơ bệnh trở nặng khi nhiễm Omicron

Một quan chức của Tổ chức Y tế thế giới vừa cho biết, tất cả các loại vaccine ngừa COVID-19 vẫn giúp bảo vệ con người khỏi nguy cơ bệnh trở nặng, phải nhập viện hoặc tử vong, ngay cả khi nhiễm biến thể Omicron.

Đánh giá này được đưa ra vài ngày sau khi một số nghiên cứu sơ bộ trong phòng thí nghiệm cho rằng 3 mũi vaccine của Sinovac không sinh đủ kháng thể để phòng lây nhiễm biến thể mới.

Khủng hoảng năng lượng châu Âu biến Mỹ thành nhà xuất khẩu khí hóa lỏng số 1 thế giới

Đây là lần đầu tiên Mỹ đứng ở vị trí số một thế giới. Sản lượng khí hóa lỏng xuất khẩu của Mỹ trong tháng 12 vừa qua đã vượt qua Qatar, với lượng hàng xuất khẩu tăng mạnh . Khách hàng nước ngoài tiêu thụ 13% tổng lượng khí đốt do Mỹ sản xuất trong tháng 12, với sản lượng tăng 7 lần so với năm trước đây.

Nhưng vị trí dẫn đầu của Mỹ có thể không kéo dài. Lượng xuất khẩu khí hóa lỏng của Mỹ hiện chỉ vượt nhẹ so với Qatar và Australia và bất kỳ vấn đề gì nảy sinh trong quy trình sản xuất, vận hành đều có thể nhanh chóng thay đổi vị thế của ba nước này.

Tin nóng sáng 6/1/2022: Bộ Y tế xem xét cho phép lưu hành 3 loại thuốc chứa Molnupiravir 7

Cơ sở khí hóa lỏng Sabine Pass, bang Louisiana, Mỹ. Ảnh: AP

Nhật Bản đau đầu việc học sinh không thạo tiếng Anh dù học nhiều năm

Nhật Bản đã trải qua hàng chục năm cải tiến chương trình dạy tiếng Anh nhưng vẫn đau đầu với việc rất ít học sinh sử dụng thành thạo ngôn ngữ này dù đã học nhiều năm.

Những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách giáo dục đã cố gắng cải tiến bài thi do Trung tâm Khảo thí Đầu vào Đại học Quốc gia điều hành, nhằm đáp ứng nhu cầu thời đại đang thay đổi. Và trọng tâm các cuộc thảo luận của họ là tiếng Anh trong bối cảnh có nhiều lo ngại về việc rất ít sinh viên Nhật Bản sử dụng được ngôn ngữ này một cách trôi chảy.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học ở Tokyo vào tháng 1/2021. Ảnh: Kyodo
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học ở Tokyo vào tháng 1/2021. Ảnh: Kyodo
Bình luận