Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin nóng tối 30/11/2021: Tiêm 2 mũi vắc xin rồi nhiễm Covid-19 có cần tiêm mũi 3?

(VOH) - Đây là thắc mắc của nhiều người xung quanh vấn đề tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19. Theo chuyên gia, sau 90 ngày khỏi bệnh Covid-19 thì có thể tiêm mũi 3 nếu điều kiện cho phép.

TIN TRONG NƯỚC

Bộ Y tế kiểm tra, đánh giá nguyên nhân việc bệnh nhân COVID-19 tử vong gia tăng

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có quyết định thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác điều trị, hồi sức tích cực, đánh giá nguyên nhân tử vong và công tác phòng chống dịch  COVID-19 tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam và các tỉnh có số tử vong cao do COVID-19.

Bình quân số ca tử vong/ngày trong tuần vừa qua là 158 ca (ngày cao nhất ghi nhận tới 190 ca tử vong), trong khi tuần liền kề trước là 121 ca tử vong/ngày, còn tuần đầu của tháng 11, con số này chỉ là 64 ca/ngày.

Hiện TP.HCM vẫn là địa phương có số mắc COVID-19 và số bệnh nhân COVID-19 tử vong cao nhất nước, với tỉ lệ tử vong là 3,9% (tỉ lệ tử vong chung của cả nước là 2,1%), kế đó là các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Long An, Tây  Ninh, Bình Dương...

Vắc-xin Covivac không tuyển được TNV thử nghiệm giai đoạn cuối

Mới đây, Viện Vắc xin và sinh phẩm tại Nha Trang đề nghị tạm dừng thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 3 vắc xin Covid-19 Covivac. Một trong những nguyên nhân tạm dừng thử nghiệm là do không tìm được tình nguyện viên.

Vắc xin Covid-19 dự tuyển Covivac do Ivac nghiên cứu phát triển, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Trường đại học Y Hà Nội là 2 đơn vị triển khai TNLS. Từ tháng 2 đến nay, Covivac đã hoàn thành TNLS giai đoạn 1 và 2 với sự tham gia của gần 600 tình nguyện viên (TNV). Kết quả cho thấy vắc xin an toàn; dung nạp và sinh miễn dịch tốt sau tiêm trên người tình nguyện.

TP.HCM chạy nước rút tiêm vắc xin cho những trẻ em chưa tiêm

Nhiều quận, huyện ở TP.HCM đang "chạy nước rút" để tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ hoàn thành trong ngày hôm nay 30-11. So với kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em đợt 2, nhiều quận, huyện trễ so với kế hoạch 2 ngày.

Trưa nay, bà Phạm Thị Thanh Hiền - chủ tịch UBND huyện Củ Chi - cho biết địa phương đang triển khai lực lượng đi tiêm vắc xin dạo cho những trẻ em bị bệnh bại não, liệt ở các khu trọ tập trung, học sinh đang học online và những gia đình có phụ huynh bận hoặc già yếu không thể đưa trẻ đi tiêm.

Còn lãnh đạo quận Bình Thạnh cho biết một số điểm tiêm ở trường tiêm chậm là do trường có yếu tố dịch tễ. Có học sinh mắc COVID-19 tại nhà vào trường tập trung tiêm nên sau đó trường phải phun khử khuẩn làm chậm thời gian tiêm vắc xin cho trẻ.

Theo Sở Y tế, thống kê dân số trong độ tuổi từ 12 - 17 tuổi của thành phố hiện có 702.563 người. Tính đến 7h30 ngày hôm nay, toàn TP.HCM đã có 689.552 trẻ từ 12 - 17 tuổi được tiêm mũi 1 (đạt 98%) và 598.510 trẻ được tiêm mũi 2 (đạt 85%).

TP HCM: Tiếp tục tiêm vét vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân

Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố đang tập trung tiêm cho những người chưa tiêm mũi 2, nhất là các cháu từ 12 - 17 tuổi. Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu “đi từng ngõ, gõ từng nhà” xem ai còn chưa tiêm vắc xin để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tiêm vắc xin để có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất.

Liên quan đến kế hoạch đối phó với biến chủng mới, TP.HCM đã chuẩn bị 4 nội dung; trong đó đề nghị người dân tuân thủ khuyến cáo 5K, nhất là đeo khẩu trang thường xuyên, hạn chế tụ tập. Đồng thời triển khai các biện pháp như chăm sóc F0 tại nhà, xây dựng trạm y tế lưu động, củng cố trạm y tế cơ sở, tăng cường tiêm vắc xin; phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn trên 3 khía cạnh: y tế công và tư; đông y và tây y; quân y và dân y.

Tin tổng hợp tối 30/11/2021: Tiêm 2 mũi vắc xin rồi nhiễm Covid-19 có cần tiêm mũi 3? 1
 

TP.HCM: Nhân công bị lây nhiễm Covid-19 từ công ty có tính là tai nạn lao động?

Sáng 30/11, tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị đối thoại lần 216 giữa doanh nghiệp và chính quyền TP.HCM do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), Sở LĐ-TB-XH TP.HCM và Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM tổ chức.

Với câu hỏi  “Người lao động bị lây nhiễm bệnh Covid-19 từ công ty và tử vong thì có được tính là tai nạn lao động và được hưởng chế độ tai nạn lao động không?” Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Phòng Lao động – Tiền lương – BHXH (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cho biết, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Tuy nhiên, việc nhiễm Covid-19 tại công ty và tử vong vì Covid-19 là nội dung chưa có tiền lệ. Do đó, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ ghi nhận, kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH để hướng dẫn nội dung này.

Xuất hiện giấy xét nghiệm COVID-19 giả

Ngày hôm nay, Sở Y tế tỉnh Đông Nai cho biết, vừa có thông báo hỏa tốc về việc làm và sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả.

Theo đó, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vừa phát hiện trường hợp người đàn ông mang giấy xét nghiệm giả đến bệnh viện để yêu cầu đóng dấu mộc của bệnh viện vào giấy xét nghiệm có kết quả dương tính. Sau khi kiểm tra trên hệ thống, nhân viên của bệnh viện phát hiện không có tên người này trên giấy xét nghiệm dương tính của bệnh viện. Sau khi bị phát hiện, người này đã nhanh chóng bỏ đi.

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế cho biết, thời gian qua, tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ kinh phí 80 ngàn đồng tiền ăn/ngày cho các trường hợp F0, F1. Riêng các trường hợp F0 là trẻ em dưới 16 tuổi, người cao tuổi trên 80 tuổi, người khuyết tật được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Những trường hợp F0, F1 đang làm việc tại các doanh nghiệp còn được hưởng chế dộ BHXH theo quy định.

Do đó, có những trường hợp đã làm giả phiếu xét nghiệm COVID-19 để sử dụng vào mục đích riêng, chủ yếu để trục lợi chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Sáng nay, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai tiêm vaccine cho học sinh.

Theo đó, toàn tỉnh có 64.000 học sinh khối THPT, giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp sẽ được tiêm vaccine trong đợt này.

Đối với khối THCS có 126.000 học sinh sẽ được ngành y tế lên kế hoạch triển khai tiêm trong đợt tiếp theo. Các trường học trên toàn tỉnh Đắk Lắk đồng loạt tiêm chủng vaccine và dự kiến triển khai trong vòng 3 ngày kể từ hôm nay 30/11.

Nghệ An: F1 đã tiêm vắc-xin được cách ly tại nhà 14 ngày

Ngày 30/11, ông Bùi Đình Long - phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - ký quyết định về việc ban hành hướng dẫn cách ly y tế tại nhà để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Những trường hợp thuộc diện cách ly tại nhà gồm các F1 đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 hoặc không có khả năng tự chăm sóc sức khỏe, người già trên 60 tuổi, có bệnh lý nền, trẻ em (dưới 18 tuổi), thai phụ, người tàn tật.

Người đi từ địa bàn có dịch (khu vực nguy cơ rất cao, cấp độ 4) hoặc vùng cách ly y tế và các địa bàn nguy cơ cao khác theo quy định của Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Hiện tại áp dụng cho 4 địa phương là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Tin tổng hợp tối 30/11/2021: Tiêm 2 mũi vắc xin rồi nhiễm Covid-19 có cần tiêm mũi 3? 2
Ảnh: CDC Nghệ An

Đà Nẵng: Từ tháng 12 thí điểm điều trị F0 tại nhà

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng (BCĐ) đã thống nhất đề xuất của Sở Y tế về việc triển khai thí điểm cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, nơi lưu trú trên địa bàn TP trong tháng 12.2021.

Sau thí điểm, sẽ sơ kết, tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố xem xét, quyết định có triển khai rộng rãi hay không.

Hiện nay, 95% F0 tại TP.Đà Nẵng lên bệnh viện thì không có triệu chứng. Địa phương ghi nhận hầu như tất cả bệnh nhân mắc Covid-19 đều diễn biến nhẹ, trung bình 10 ngày là khỏi bệnh.

Hải Phòng kêu gọi người dân hạn chế tụ tập

Ngày 29/11, TP Hải Phòng kêu gọi người dân hạn chế đi lại, tụ tập hiếu hỷ sau khi địa phương này liên tiếp ghi nhận các ổ dịch COVID-19 phức tạp trong những ngày gần đây.

Sở Y tế Hải Phòng dự báo số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng gia tăng nhanh tại địa bàn nhiều quận, huyện. Để ứng phó, ngành y tế thành phố đang tập trung cao triển khai nhanh công tác xét nghiệm, phân tầng điều trị.

Theo đó, đối với tuyến quận, huyện sẽ tập trung điều trị bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng; đối với các bệnh viện tuyến thành phố tập trung điều trị những bệnh nhân trung bình, có bệnh nền, già yếu, phụ nữ có thai… và với những bệnh nhân nặng, nguy kịch sẽ thực hiện điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp; Bệnh viện Trẻ em…

Bắc Giang tăng cường các biện pháp an toàn trong tiêm vắc xin cho trẻ

Ngày 29/11, Sở Y tế Bắc Giang có công văn gửi các bệnh viện, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trong tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Trước đó, tỉnh ghi nhận một nam sinh không có tiền sử bệnh tật, dị ứng được tiêm vắc xin loại Pfizer. Tuy nhiên chỉ sau 20 phút, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu tức ngực, khó thở, đã được xử trí cấp cứu. Dù đã được lọc máu và can thiệp ECMO nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi. Nam sinh được chẩn đoán sốc phản vệ độ 4 do phản ứng quá mẫn của cơ thể với vắc xin phòng COVID-19.

Cũng bị sốc phản vệ nặng sau tiêm vắc xin COVID-19, một học sinh khác ở huyện Sơn Động đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai. Hai học sinh khác bị phản ứng nhẹ hơn, đã được xuất viện về theo dõi tại nhà.

Phú Yên: Sở KH-ĐT lập khu cách ly tập trung tại chỗ

TP Tuy Hòa (Phú Yên) ban hành quyết định thành lập cơ sở cách ly tập trung tại Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Phú Yên để phòng chống dịch COVID-19. Cơ sở này là nơi cách ly tập trung của 21 F1 là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Phú Yên phụ trách điều hành.

Trước đó tại sở này có vị khách từng đến liên hệ công tác mắc COVID-19. Qua xét nghiệm toàn bộ thành viên của sở, có 2 người được xác định mắc COVID-19 nên 32 người tại sở là F1.

Do thời điểm cuối năm nhiều công việc nên sở đã xin ý kiến của tỉnh để được thiết lập cơ sở cách ly tập trung ngay tại cơ quan, đảm bảo phòng chống dịch để các F1 sức khỏe bình thường tiếp tục làm nhiệm vụ, một số F1 khác thì cách ly tại nhà.

TIN THẾ GIỚI

Biến thể Omicron có thể khiến số ca mắc mới tăng gấp 3 trong tuần này

Đây là cảnh báo mới được chuyên gia y tế Nam Phi đưa ra trong cuộc họp báo trực tuyến của Bộ Y tế nước này.

Theo số liệu của giới chức Nam Phi, nước này ghi nhận hơn 2.800 ca COVID-19 mới trong ngày 28/11, tăng mạnh so với trung bình 500 ca mỗi ngày của tuần trước.

Giới chức y tế Nam Phi cảnh báo, số ca mắc mới có thể tăng đến 10 nghìn ca mỗi ngày trong thời gian tới. Kịch bản này có thể khiến hệ thống y tế Nam Phi bị quá tải sau 2 đến 3 tuần nữa. Giới chức Nam Phi khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, nhanh chóng tiêm chủng, nhưng không hoảng loạn vì Omicron.

Nga phát triển phiên bản vắc-xin Sputnik chống biến thể Omicron trong 45 ngày

Viện Gamaleya và Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), nhà sản xuất vắc-xin Sputnik V và Sputnik Light, cho biết sẽ nhanh chóng triển khai quy trình điều chỉnh vắc xin để chống biến thể mới.

Viện Gamaleya cho rằng Sputnik V và Sputnik Light sẽ vô hiệu hóa biến thể Omicron, cũng như đã chứng minh năng lực bảo vệ cao trước các biến thể khác

Năm ngoái, Nga nhanh chóng phát triển vắc xin Sputnik V (liều 2 mũi) và Sputnik Light (1 mũi) phòng bệnh Covid-19. Kết quả nghiên cứu lâm sàng do nước này thực hiện cho thấy hiệu quả bảo vệ cao trước virus Corona chủng mới, nhưng đến nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa thông qua việc phê chuẩn sử dụng đối với cả hai loại vắc xin trên.

Anh rút ngắn thời gian cho mũi 3 còn 3 tháng

Để ứng phó trước nguy cơ do biến thể Omicron gây ra, ngày 29/11, Liên ủy ban vắc xin và tiêm chủng Vương quốc Anh (JCVI) cho biết khoảng thời gian từ khi tiêm liều thứ hai đến liều tăng cường sẽ được rút xuống còn 3 tháng thay vì 6 tháng như hiện nay.

Đồng thời, giờ đây tất cả người trưởng thành từ 18 - 39 tuổi ở Anh đều có thể tiêm liều tăng cường. Trước đó, Anh chỉ cho phép người từ 40 tuổi trở lên được tiêm tăng cường.

Bên cạnh đó, Anh cũng sẽ tiêm liều thứ hai cho trẻ từ 12 - 15 tuổi trong bối cảnh lo ngại biến thể Omicron.

Giữa tháng 9, Anh đã quyết định tiêm 1 liều vắc xin của Hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12 - 15 tuổi ở Anh do lo ngại nguy cơ viêm tim ở nhóm tuổi này. Lúc này, JCVI cho biết sẽ xác định về việc có nên tiêm liều thứ hai cho trẻ trong nhóm tuổi này sau khi nghiên cứu thêm dữ liệu trên toàn cầu.

Anh đã phê duyệt 4 loại vắc xin COVID-19 là Moderna, AstraZeneca, Pfizer và Johnson & Johnson. Tuy nhiên, JCVI cho biết vắc xin Moderna và Pfizer sẽ được ưu tiên dùng để tiêm tăng cường.

Cho đến nay, theo Reuters, Anh đã ghi nhận 9 ca mắc biến thể Omicron.

Tin tổng hợp tối 30/11/2021: Tiêm 2 mũi vắc xin rồi nhiễm Covid-19 có cần tiêm mũi 3? 3

Hành khách trên tàu điện ngầm ở thủ đô London, Anh - Ảnh: Reuters 

WHO kêu gọi xây dựng hiệp ước chống đại dịch toàn cầu

WHO kêu gọi các nước nghiên cứu thiệt hại từ Covid-19 và không để điều này tái diễn bằng cách tham gia hiệp ước chống đại dịch. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua cảnh báo đại dịch thảm khốc khác chắn chắn sẽ tái diễn, trừ khi các quốc gia thể hiện quyết tâm tăng cường phòng bị toàn cầu.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới  cho rằng sự xuất hiện của Omicron là lời nhắc nhở rằng chúng ta chưa xử lý xong Covid-19, cũng như nhấn mạnh tình hình nguy hiểm và bấp bênh thế nào. Omicron chỉ ra lý do tại sao thế giới cần một hiệp định mới về đại dịch.

Các thành viên WHO đã đạt đồng thuận về khởi động tiến trình thiết lập hiệp ước chống đại dịch. Dự thảo quyết định được chấp thuận sau khi một số quốc gia đồng ý thỏa hiệp, đặc biệt là Mỹ, nước thờ ơ với vấn đề hiệp ước có cần mang tính ràng buộc pháp lý hay không. Quyết định cuối cùng dự kiến được thông qua ngày 1/12.

Tin tổng hợp tối 30/11/2021: Tiêm 2 mũi vắc xin rồi nhiễm Covid-19 có cần tiêm mũi 3? 4
Tổng giám đốc Tedros . Ảnh: Reuters.

Tiêm 2 mũi vắc xin rồi nhiễm Covid-19 có cần tiêm mũi 3?

Đây là thắc mắc của nhiều người xung quanh vấn đề tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19. Theo chuyên gia, sau 90 ngày khỏi bệnh Covid-19 thì có thể tiêm mũi 3 nếu điều kiện cho phép.

Liều thứ 3 vắc xin Covid-19 có an toàn không?

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) đã đánh giá độ an toàn của liều thứ 3 thông qua thử nghiệm theo dõi 171 người tham gia từ 18 tuổi trở lên, trong khoảng 6 tháng. Các tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất là đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ hoặc khớp, ớn lạnh, sưng hạch bạch huyết ở cánh tay tiêm, buồn nôn, nôn mửa và sốt.

Đáng chú ý, nhiều trường hợp bị sưng hạch ở nách sau khi tiêm liều thứ 3.

Những ai không nên tiêm liều thứ 3?

Trong một số trường hợp rất hiếm, nam thanh niên gặp phải các vấn đề về tim như viêm cơ tim khi tiêm vắc xin. Do tác dụng phụ rất hiếm gặp này, một số nam giới trẻ, từ 18 đến 30 tuổi, có thể không nên tiêm liều thứ 3, theo FDA

Trường hợp nào có thể tiêm liều thứ 3 chỉ 28 ngày sau mũi thứ 2?

CDC và FDA khuyến nghị một liều bổ sung ít nhất 28 ngày sau liều thứ 2 đối với những người suy giảm hệ thống miễn dịch, bao gồm:

Đang điều trị ung thư

Đã được cấy ghép nội tạng

Đã được cấy ghép tế bào gốc trong vòng 2 năm

Suy giảm miễn dịch nguyên phát trung bình hoặc nghiêm trọng

Nhiễm HIV giai đoạn nặng hoặc không được điều trị

Điều trị tích cực bằng corticosteroid liều cao hoặc các loại thuốc khác có thể ngăn chặn phản ứng miễn dịch

Tại sao nhóm người này cần tiêm mũi thứ 3 sớm?

Đối với những người bị suy giảm miễn dịch, 2 liều vắc xin thông thường có thể không cung cấp đủ mức độ miễn dịch như đối với những người khỏe mạnh khác. Liều thứ 3 giúp hệ thống miễn dịch của họ xây dựng đủ khả năng bảo vệ chống lại Covid-19.

 

 

Bình luận