Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin nóng trưa 23/2: Không bắt buộc tất cả học sinh xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường

(VOH) - Bộ Y tế yêu cầu cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp; chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở…)

TIN TRONG NƯỚC

Các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid 19

Bộ Y tế đã có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành về việc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục tiêm vaccine “thần tốc hơn nữa”, đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng 12-17 tuổi; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn… Đề nghị các địa phương tăng cường truyền thông nâng cao cảnh giác, chủ động phòng chống dịch của người dân, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm 5K; tham gia tiêm vaccine đầy đủ, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch. Tối cùng ngày, Bộ Y tế cho biết, trong ngày, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 55.879 ca nhiễm mới tại 62 tỉnh thành, trong đó có 39.728 ca ở cộng đồng; thêm 10.412 người khỏi bệnh và 77 ca tử vong. Về tiêm vaccine Covid-19, cả nước đã tiêm được gần 192 triệu mũi.

Tin nóng trưa 23/2/2022: Không bắt buộc tất cả học sinh xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường 1

Ảnh SGGP 

Không bắt buộc tất cả học sinh xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường

Bộ Y tế đã có hướng dẫn gửi Bộ GD-ĐT về công tác phòng chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Trong hướng dẫn này, Bộ Y tế yêu cầu cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp; chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở…) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.Đối với việc tổ chức học bán trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế và ngành GD-ĐT, trong đó đảm bảo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp; ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học… Vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường).

Về quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 trong lớp học, Bộ Y tế hướng dẫn: giáo viên chủ nhiệm cho học sinh ngồi yên tại chỗ; cán bộ y tế trường học và ban chỉ đạo/tổ an toàn phòng chống dịch Covid-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1; tổ chức test nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó…

Đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu trong lớp học có 1 ca xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 thì cho toàn bộ trẻ trong lớp đó cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm vào ngày thứ 7. Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7 thì được đi học trực tiếp trở lại, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm tiếp tục theo dõi sức khỏe cho trẻ trong 3 ngày tiếp theo. Đối với lớp có học sinh F0, sau khi xác định đối tượng là F1 thì cho học sinh không phải là F1 di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học

Tin nóng trưa 23/2/2022: Không bắt buộc tất cả học sinh xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường 2

Tổ chức xét nghiệm tầm soát Covid-19 đối với học sinh ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ). Ảnh SGGP

Từ tháng 3, doanh nghiệp phải khai báo rõ số lượng xăng dầu nhập khẩu và bán ra

Tại buổi làm việc với các đầu mối xăng dầu chiều 22/2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định với mức 3,7-3,8 triệu tấn từ nguồn xăng dầu dự trữ, cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và đặc biệt từ nguồn hàng nhập khẩu gấp 3 lần bình thường từ đầu tháng 2 đến nay thì Việt Nam có đủ lượng xăng dầu cung cấp cho thị trường đến hết tháng 3. Bộ trưởng cho biết từ cuối tháng 3 trở đi, Bộ sẽ quyết định điều hành theo kịnh bản. Theo đó, lượng xăng dầu sản xuất trong nước thiếu hụt bao nhiêu sẽ được bù đắp vào bấy nhiêu từ nguồn nhập khẩu cộng với 20% gia tăng để đáp ứng cho nhu cầu phục hồi kinh tế. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu từ tháng 3, doanh nghiệp nhập khẩu, tư nhân phân phối, bản lẻ xăng dầu đều phải khai báo rõ số lượng xăng dầu nhập khẩu và bán ra trên cổng thông tin của doanh nghiệp và Bộ Công Thương.

Tin nóng trưa 23/2/2022: Không bắt buộc tất cả học sinh xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường 3

Hiện giá xăng RON 95 đã tăng lên mức cao nhất lịch sử. Ảnh: Zing

Lạng Sơn tạm dừng tiếp nhận xe chở hoa quả tươi đến 5/3

Cụ thể, Lạng Sơn sẽ tiếp tục kéo dài hạn tạm thời dừng tiếp nhận đến hết ngày 5/3, thay vì đến 25/2 như thông báo trước đó.Nguyên nhân là do hiện Lạng Sơn còn hơn 1.900 xe, trong đó có hơn 1.500 xe chở hoa quả tươi, chiếm tổng số 80% tổng số xe hàng chờ xuất khẩu; theo tính toán, sẽ phải ít nhất 2 tuần mới xuất hết số xe đang tồn. Trước đó, ngày 9/2, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã ban hành công văn đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các tổ chức, doanh nghiệp điều tiết, khuyến cáo hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu trong trường hợp cần thiết. Tình hình ùn ứ tại bến bãi, khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nếu không kịp thời can thiệp sẽ ngày càng nghiêm trọng và gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.

TP.HCM đón nhiều cơn mưa trái mùa

Chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng dự báo Khí tượng và Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết từ nay đến 25/2, TP.HCM và các tỉnh miền Nam sẽ có mưa trái mùa diện hẹp. Theo bà Lan, mưa trái mùa xuất hiện không liên tục (ngày nắng, ngày mưa), thường tập trung vào buổi chiều, lượng nhỏ và mau tạnh. Chuyên gia cho hay sau đợt mưa trái mùa này, nắng nóng sẽ trở lại TP.HCM. Nhiệt độ cao và oi bức hơn những ngày qua. Ngày và đêm nay, vùng biển ngoài khơi Nam Bộ có mưa rào vài nơi, gió đông bắc hoạt động cường độ mạnh và tiếp tục tăng cường độ trong 2 ngày tới. Ngày 23 đến 25/2, Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố Đồng bằng Bắc Bộ rét hại về đêm và sáng sớm, nhiệt độ thấp nhất 9-11 độ C. Ban ngày, thời tiết hửng nắng. Tại miền núi Bắc Bộ, nền nhiệt những ngày tới không vượt quá 15 độ C, vẫn ở ngưỡng rét đậm, rét hại. Dù vậy, mưa dông chấm dứt, tình trạng giá rét không quá khắc nghiệt như thời gian qua.

TIN THẾ GIỚI

Hong Kong tiến hành xét nghiệm toàn dân

Giới lãnh đạo Hong Kong, Trung Quốc, cho biết sẽ xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ cư dân sinh sống trong đặc khu này vào tháng Ba. Việc xét nghiệm Covid-19 sẽ được tăng cường lên 1 triệu mẫu/ngày hoặc hơn. Dự kiến, lệnh cấm bay giữa Hong Kong và một số quốc gia có nguy cơ cao như Australia, Canada, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Philippines, Anh và Mỹ cũng sẽ được gia hạn hiệu lực tới ngày 20/4.

Từ hôm 15-22/2 đều ghi nhận thêm khoảng 5.000 ca nhiễm mới/ngày. Sự gia tăng mạnh về số ca nhiễm mới đã tạo ra mối đe dọa tới hệ thống y tế nơi đây. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Hong Kong đã ghi nhận gần 54.000 ca nhiễm và 145 trường hợp tử vong.

Tin nóng trưa 23/2/2022: Không bắt buộc tất cả học sinh xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường 4

Người dân Hong Kong đi xét nghiệm hôm 22/2. Ảnh: AP 

Tìm ra công nghệ lưu trữ vaccine không cần để lạnh

Theo nghiên cứu mới nhất, nhóm chuyên gia đến từ Tổ chức Khoa học và công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO), có trụ sở tại Úc, phát hiện ra rằng việc bọc vắc xin sống giảm độc lực trong các khuôn tinh thể hữu cơ có thể giúp bảo quản nguyên trạng vắc xin tối đa 12 tuần ở nhiệt độ lên đến 37 độ C, giúp vận chuyển vaccine trở nên dễ dàng hơn.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm ra cách giúp bảo quản vắc xin bằng MOFs, một cách làm khá đơn giản, nhanh chóng và có thể thực hiện trên quy mô lớn. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục đạt những bước tiến mới và đang tìm đối tác để đưa công nghệ này ra thị trường.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có ít nhất 50% lượng vắc xin sản xuất trên toàn cầu bị lãng phí vì những khó khăn trong vận chuyển và điều kiện bảo quản. 

Tin nóng trưa 23/2/2022: Không bắt buộc tất cả học sinh xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường 5

Vắc xin có thể bị hư hỏng, giảm hoặc mất hiệu lực nếu không được bảo quản đúng cách - Ảnh: AFP

Đập thủy điện lớn nhất châu Phi chính thức vận hành

 Thủ tướng Ethiopia, Abiy Ahmed, vừa ấn nút kích hoạt turbine ở siêu đập Đại phục hưng Ethiopia (GERD), đưa siêu đập thủy điện vào vận hành. Đập GERD nằm bên bờ tây sông Nile Xanh, là đập thủy điện lớn nhất châu Phi. Dự án này hứa hẹn sẽ cách mạng hóa Ethiopia, nơi có lượng điện thâm hụt lớn thứ hai tại Châu Phi.

Sau khi hoàn thành, dự án có tổng chi phí 5 tỷ USD, cung cấp 5.150 MW điện. Một phần điện sẽ được xuất khẩu sang các nước láng giềng. Ngoài ra, đập GERD sẽ điều phối dòng nước trong vùng, giúp cải thiện nông nghiệp và giảm bốc hơi nước.

Tin nóng trưa 23/2/2022: Không bắt buộc tất cả học sinh xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường 6

Đập Đại phục hưng Ethiopia (GERD) nhìn từ trên cao. Ảnh: Opinio Juris

Microsoft Edge sắp trở thành trình duyệt lớn thứ hai thế giới

 Microsoft đang thu hẹp khoảng cách giữa Edge và Safari để cạnh tranh vị trí là trình duyệt PC được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới, với sự thay đổi có thể xảy ra trong vài tháng tới.

Theo đó, sau khi Microsoft Edge vượt qua Firefox vào tháng 3.2021, nó tiếp tục tăng trưởng thị phần theo thời gian và tiến sát thị phần của Safari, vốn tương đối ổn định khi đạt thị phần 9,84% vào tháng 1.2022. Nếu Edge tiếp tục tăng mức sử dụng, trình duyệt này có thể đủ giành thị phần để lật đổ Safari khỏi vị trí thứ hai, đẩy Safari xuống vị trí thứ ba. Trong khi đó, Google Chrome chiếm vị trí đầu bảng với khoảng cách rất xa các đối thủ bám đuôi khi chiếm 65,38% thị phần vào tháng 1 vừa qua.

Tin nóng trưa 23/2/2022: Không bắt buộc tất cả học sinh xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường 7
Bình luận