Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin tổng hợp chiều 21/11: Nhiều địa phương không đủ vaccine để tiêm

(VOH) - Dù đã nhiều lần đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, nhưng thống kê của Bộ Y tế đến ngày 14/11 vẫn có 9/63 tỉnh có tỉ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc xin mức dưới 70%.

Lãnh đạo một số địa phương như Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La... cho biết nguyên nhân chính khiến việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 chưa đạt độ phủ 70% là do phải chờ nguồn vắc xin phân bổ về từ trung ương.

Bộ Y tế vừa có công văn hỏa tốc đề nghị bí thư các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo sở y tế khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, nhanh chóng đạt được tốc độ bao phủ mũi 1 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Dù đã nhiều lần đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, nhưng thống kê của Bộ Y tế đến ngày 14/11 vẫn có 9/63 tỉnh có tỉ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc xin mức dưới 70% người từ 18 tuổi trở lên, trong đó 5 tỉnh có tỉ lệ bao phủ thấp nhất là Sơn La (45,5%), Thanh Hóa (50,6%), Nam Định (58,2%), Nghệ An (60%) và Cao Bằng (63,2%).

Nam Định: 1 trong 10 tỉnh được phân bổ vắc xin thấp nhất

Thanh Hóa: Thiếu khoảng 1,2 triệu liều để tiêm đủ 2 mũi

Sơn La, Nghệ An: Không có vắc xin để tiêm. Theo CDC Sơn La, toàn tỉnh có hơn 834.000 người từ 18 tuổi trở lên có nhu cầu tiêm vắc xin COVID-19. Đến nay, Sơn La mới được Bộ Y tế cấp hơn 591.000/1.585.000 liều vắc xin mà tỉnh cần.

Tin tổng hợp chiều 21/11: Nhiều địa phương không đủ vaccine để tiêm 1
Ảnh minh họa. Nguồn: TTO

TP Hồ Chí Minh chia 8 cụm tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19

Trong các cụm tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 có sự phối hợp giữa các cụm bệnh dã chiến, bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Có tổng cộng 8 cụm địa phương, tương ứng với 22 quận, huyện. Trong 8 cụm này sẽ có 10 bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 ở các quận, huyện và 8 bệnh viện dã chiến. Các bệnh viện và trung tâm hồi sức sẽ làm cụm trưởng cho 8 cụm này.

Việc phân chia các cụm nhằm thuận lợi cho việc điều chuyển người bệnh COVID-19 giữa các cụm với nhau, phù hợp với tình hình thực tế và tránh sự quá tải trong các cụm. Việc phân chia chỉ mang tính chất tương đối.

Sở Y tế cũng có văn bản đề nghị các bệnh viện quán triệt đến từng nhân viên trong bệnh viện có nhận thức đúng về "bệnh viện xanh" trong giai đoạn bình thường mới. Theo đó, "bệnh viện xanh" không phải là "bệnh viện không có COVD-19", mà là bệnh viện được tổ chức an toàn. Do đó, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện không được từ chối tiếp nhận người bệnh.

Nhiều thai phụ mắc COVID-19 ở TP.HCM trở nặng vì không tiêm vắc xin

Có đến 80-90% thai phụ mắc COVID-19 phải nhập viện, có triệu chứng nặng đều chưa tiêm ngừa COVID-19 trước đó. Trong số này có nhiều thai phụ mang thai quý, thai hiếm.

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), cảnh báo nhiều thai phụ mang thai quý, thai hiếm mắc COVID-19 trở nặng vì không tiêm ngừa. Đây là tình trạng rất đáng báo động và đau lòng.

Bác sĩ Hồ Viết Thắng - trưởng khu điều trị COVID-19 (khu K1) Bệnh viện Hùng Vương - cho biết có đến 80-90% thai phụ mắc COVID-19 phải nhập viện, có triệu chứng nặng đều chưa tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 trước đó.

Trong 5 thai phụ mắc COVID-19 đang phải thở oxy lưu lượng cao tại khu K1, có đến 4 người không tiêm vắc xin phòng COVID-19, chỉ có một người mới được tiêm mũi 1 trong những ngày gần đây. Trong 5 thai phụ này, có 4 thai phụ ở TP.HCM, chỉ có một thai phụ từ Long An chuyển lên. Cả 5 thai phụ này đều đang mang thai từ 28-33 tuần tuổi.

Những ca mắc COVID-19 nặng điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương hầu hết đều chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, còn những thai phụ đã được tiêm vắc xin khi mắc COVID-19 có thể không có triệu chứng hoặc chỉ sốt, đau họng.

Hà Nội lên kế hoạch trường hợp có 100.000 ca COVID-19

Chiều 20/11, ông Nguyễn Văn Phong, phó bí thư Thành ủy Hà Nội, chủ trì phiên họp trực tuyến Ban chỉ đạo với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, TP cũng đã chuẩn bị kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em và sẵn sàng triển khai khi vắc xin được phân bổ.

Kết luận phiên họp, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường nhận thức trong tình hình mới, thực hiện nghiêm túc nghị quyết 128 của Chính phủ phù hợp với thực tiễn của TP và từng địa phương.

Trước thực tế tốc độ lây lan rộng, nhất là các ca trong cộng đồng không xác định được nguồn lây và dự báo ca bệnh COVID-19 sẽ tăng cao trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới, TP giao Sở Y tế và các đơn vị xây dựng kịch bản khi có 100.000 ca bệnh và đề nghị cần phải chủ động chuẩn bị nghiêm túc cho tình huống này.

Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết TP đã thống nhất quan điểm, trừ 4 quận lõi không cách ly tập trung F1 tại nhà; các quận, huyện còn lại căn cứ vào hướng dẫn của Sở Y tế xây dựng phương án đối với F1, trước tiên là cách ly tập trung, phương án 2 là cách ly tại cơ sở lưu trú hoặc cách ly tại nhà. 

Côn Đảo đã ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên

Người nhiễm COVID-19 đầu tiên tại huyện đảo Côn Đảo là một phụ nữ 33 tuổi, ở trọ tại khu dân cư số 10, huyện Côn Đảo. Người này đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19.

Qua truy vết, cơ quan chức năng xác định, ngày 10/11, người này đi từ Côn Đảo về Trảng Bom (Đồng Nai) thăm ba mẹ, sau đó đến Thuận An (Bình Dương) làm nhân viên cho một quán karaoke. Tại đây có ca nhiễm COVID-19 nên trưa 12/11, người này lên TP.HCM đi máy bay ra Côn Đảo.

Đến ngày 13/11, người phụ nữ này đau họng và lên Trung tâm Y tế quân dân y huyện Côn Đảo để xét nghiệm nhanh và cho kết quả âm tính. Đến ngày 18/11 chị này tiếp tục đến Trung tâm Y tế quân dân y huyện Côn Đảo để lấy mẫu xét nghiệm và sáng 20/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có kết quả xét nghiệm thì chị này nhiễm COVID-19.

Huyện Côn Đảo đã truy vết được 34 người F1, 48 người F2 với người phụ nữ trên và lấy mẫu gửi về đất liền để xét nghiệm. Được biết, 100% người dân Côn Đảo đủ điều kiện đã được tiêm 2 mũi vắc xin.

Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng điều 20 tổ quân y hỗ trợ TP.HCM chống dịch

Đây là lần thứ 5 Bệnh viện Quân y 175 tăng cường lực lượng cho TP.HCM với khoảng 600 nhân viên y tế tham gia trên các mặt trận lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đại tá Trần Quốc Việt - phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - cho biết 60 nhân viên y tế lên đường thay thế các đơn vị quân y phía Bắc đóng tại các trạm y tế lưu động vừa rút quân, đảm bảo xuyên suốt vai trò chăm sóc, tư vấn, cấp phát các túi thuốc cho F0 tại cộng đồng.

20 tổ quân y gồm 60 nhân viên y tế sẽ tăng cường cho 3 quận, gồm Gò Vấp (10 tổ, 30 người), Bình Tân (4 tổ, 12 người) và Tân Phú (6 tổ, 18 người). Đây đều là những y bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm từ các đơn vị nòng cốt của Bệnh viện Quân y 175. Đặc biệt, hầu hết đều tham gia các công tác phòng chống dịch trong thời gian cao điểm vừa qua.

Trước bối cảnh số ca mắc COVID-19 có chiều hướng tăng trở lại tại các quận huyện. Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất, toàn TP.HCM hiện có quận 11, Gò Vấp, Củ Chi và TP Thủ Đức tăng cấp độ dịch, "chuyển màu" từ cấp độ 1 (bình thường mới) thành vùng nguy cơ trung bình (cấp độ 2).

TIN THẾ GIỚI

Chuyên gia Mỹ cảnh báo còn quá sớm để bỏ quy định đeo khẩu trang

Trong bối cảnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em và tiêm mũi tăng cường đang được thúc đẩy, nhiều địa phương tại Mỹ đã nới lỏng hoặc gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín và trường học. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giờ vẫn chưa phải lúc có thể bỏ quy định đeo khẩu trang.

Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo ngay cả những người đã tiêm dủ liều vaccine vẫn nên đeo khẩu trang khi ở trong các không gian kín ở nơi công cộng, tại những địa phương có tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng ở mức "ổn định hoặc cao". Hiện tại, gần 85% các hạt của Mỹ ở ngưỡng này, với ít nhất 50 ca nhiễm mới mỗi tuần trên 100.000 dân.

Tờ New York Times đã tổng hợp ý kiến các chuyên gia, trong đó dẫn các bằng chứng khoa học cho thấy đeo khẩu trang vẫn là chiến lược hiệu quả trong ngăn ngừa COVID-19 lây lan. 

Hà Lan: Làn sóng phản đối các biện pháp chống dịch biến thành bạo động

Làn sóng phản đối các biện pháp chống dịch tại Hà Lan đã biến thành bạo động trong ngày hôm qua. Reuters trích dẫn nguồn tin cảnh sát cho hay, có ít nhất 2 người bị thương nặng phải nhập viện sau khi xô xát xảy ra tại thành phố Rotterdam. Cảnh sát đã phải nổ súng cảnh báo và sử dụng ròi rồng để lập lại trật tự.

Ngoài 2 người phải cấp cứu, nhiều người khác bị thương do xô xát trong cuộc biểu tình, bao gồm cả cảnh sát. Đã có 51 người bị bắt giữ và một nửa là người dưới 18 tuổi. Lực lượng cảnh sát cho biết, họ đã triển khai ở mức tối đa "để lập lại trật tự công cộng", sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông và hối thúc người dân tránh xa khỏi khu vực đường Coolsingel.

Cảnh sát đã áp tình trạng khẩn cấp ở thành phố Rotterdam, ngừng dịch vụ giao thông công cộng và yêu cầu người dân trở về nhà. Giới chức Hà Lan cũng kêu gọi những ai đã ghi hình cuộc bạo động gửi video cho cảnh sát để phục vụ công tác điều tra.

Pháp sẽ tiêm mũi tăng cường cho hơn 50% dân số

Hội đồng Y tế cấp cao Pháp đã ra khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 cho người từ 40 tuổi trở lên, 6 tháng sau khi hoàn thành mũi tiêm thứ hai. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hơn một nửa dân số Pháp sẽ đủ điều kiện để nhận mũi tiêm thứ ba.

Hội đồng Y tế cấp cao Pháp giải thích việc mở rộng mũi tiêm tăng cường cho những người đủ điều kiện là cần thiết trong bối cảnh COVID-19 đang lây lan mạnh và mức độ hiệu quả của những mũi tiêm trước sẽ giảm theo thời gian.

Các báo cáo nghiên cứu mới nhất cho thấy, mũi tiêm tăng cường phát huy hiệu quả đối với những người ở độ tuổi từ 40 trở lên. Dựa trên số liệu thống kê dân số, sẽ có khoảng 52,6% người Pháp đủ điều kiện để nhận mũi tiêm tăng cường. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông ủng hộ việc mở rộng độ tuổi nhận mũi tiêm tăng cường.

Trung Quốc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania vì mâu thuẫn liên quan Đài Loan

Trung Quốc đã giáng cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania sau căng thẳng gần đây liên quan đến vấn đề Đài Loan. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 21.11 thông báo đã giáng cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania xuống cấp “đại biện” sau khi nước này để cho Đài Loan lập văn phòng đại diện tại Vilnius với tên Đài Loan thay vì Đài Bắc.

Văn phòng Đại diện Đài Loan ở Lithuania chính thức bắt đầu hoạt động ở Vilnius vào ngày 18.11.2021. Việc đặt văn phòng mang tên Đài Loan đã phá vỡ truyền thống của Đài Loan gọi những cơ quan như thế là Văn phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc.

Hồi tháng 8, Bắc Kinh đã yêu cầu Lithuania rút đại sứ về nước và tuyên bố sẽ triệu hồi đại sứ Trung Quốc ở Vilnius, sau khi Đài Bắc thông báo văn phòng ở Vilnius sẽ được gọi là Văn phòng Đại diện Đài Loan ở Lithuania. Đến ngày 3.9, chính quyền Lithuania thông báo đã triệu hồi đại sứ của nước này tại Bắc Kinh về nước.

Bình luận