Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin tổng hợp chiều 27/11: Đối tượng nào được ưu tiên tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19?

Sở Y tế TPHCM đề xuất với UBND TP tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 trong tháng 11 và 12 năm nay.

TIN TRONG NƯỚC

Hơn 1 triệu người chưa làm hồ sơ nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp dù sắp đến hạn chót

BHXH Việt Nam dự kiến, có trên 2,4 triệu người lao động đã dừng tham gia BHTN đủ điều kiện nhận hỗ trợ nhưng đến nay mới có gần 1,3 triệu lao động gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ (đạt 47%).

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thông báo, sau ngày 30.11, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ quỹ BHTN (gói 38.000 tỉ đồng) thì phải tự làm thủ tục theo 3 cách: đăng ký qua ứng dụng VssID, qua Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam, hoặc đến làm trực tiếp tại cơ quan BHXH (trước đó, doanh nghiệp làm thủ tục cho người lao động).

Tin tổng hợp chiều 27/11: Đối tượng nào được ưu tiên tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19? 1

Người lao động làm thủ tục nhận hỗ trợ tại Bảo hiểm xã hội TPHCM - Ảnh: BHXH TPHCM

Đối với người lao động đã dừng tham gia BHTN do thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021, người lao động phải tự nộp hồ sơ. Thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ là ngày 20/12/2021.

Đối tượng nào được ưu tiên tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19?

Sở Y tế TPHCM đề xuất với UBND TP tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 trong tháng 11 và 12 năm nay. Trước mắt các tỉnh cần đánh giá về hiệu quả phòng bệnh sau tiêm. Từ đó, những người có nguy cơ diễn biến nặng nếu mắc COVID-19… mới được lập kế hoạch, lên danh sách để tiêm mũi bổ sung (mũi 3).

Trước mắt, TP sẽ ưu tiên tiêm mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đồng thời, TP dự kiến 2 tháng cuối năm 2021 sẽ tiêm vét mũi 1, mũi 2 cho người trên 18 tuổi cũng như hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 mới tại TPHCM có khuynh hướng tăng. Nhiều người mong muốn được tiêm mũi 3 để tiếp tục nâng cao hiệu quả vắc xin, sống chung an toàn với dịch.

TPHCM: Đề nghị thanh toán thuốc điều trị hậu Covid-19 cho trẻ em

Liên quan đến việc thanh toán thuốc Immune globulin (IVIG) trong điều trị Hội chứng viêm hệ thống ở trẻ em liên quan đến Covid-19, thường xuất hiện sau khi bệnh nhân có xét nghiệm âm tính hoặc trong thời gian theo dõi, cách ly tại nhà. Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết đã kiến nghị bổ sung phạm vi thanh toán với chỉ định dùng loại thuốc này.

Hiện nay, chi phí sử sụng thuốc IVIG không đủ điều kiện được ngân sách chi trả trong đợt điều trị Covid-19. Mặt khác, đây cũng là thuốc không thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế….

Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục hỗ trợ Bạc Liêu phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả

Ngày 27/11, trong Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả hợp tác phòng, chống dịch COVID-19 giữa Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) với tỉnh Bạc Liêu. Tiến sỹ, Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, bệnh viện sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới. trước mắt sẽ tiếp tục cử Tổ chuyên gia ở lại giúp đỡ các cơ sở y tế Bạc Liêu nâng cao năng lực điều trị.

Tin tổng hợp chiều 27/11: Đối tượng nào được ưu tiên tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19? 2
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - Tiến sỹ, Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức phát biểu tại buổi làm việc

Các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục hỗ trợ Bạc Liêu truy vết, thu dung, điều trị các ca mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế, hướng dẫn thực hiện điều trị F0 tại nhà; tập trung đầu tư, bố trí các trang thiết bị y tế để phục vụ điều trị, nhất là ở tầng 3 để giảm số ca chuyển nặng và tử vong.

Tính đến ngày 27/11, Bạc Liêu ghi nhận hơn 12.000 ca mắc COVID-19. Trong những ngày gần đây, số ca mắc trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao (trên 500 ca mỗi ngày) tạo ra nhiều áp lực cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh.

Sở GTVT TPHCM: Cấp bằng lái xe ngay sau khi sát hạch từ ngày 28/11

Sở GTVT TPHCM sẽ thực hiện thí điểm việc cấp giấy phép lái xe ngay sau khi người dân hoàn tất và đậu kỳ thi sát hạch, khi có kết quả sẽ được cập nhật ngay trên hệ thống, việc thí điểm này sẽ được thực hiện vào ngày mai (28/11) tại Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi (thuộc Trường trung cấp giao thông Tiến Bộ).

Theo Sở GTVT, trước đây, người dân thi sát hạch GPLX xong phải chờ đợi trong vòng 10 ngày để nhận kết quả chính thức. Do đó, quy trình này hướng tới xử lý nhanh gọn, tăng tính hiệu quả công tác trên địa bàn TP. Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi sẽ căn cứ vào kết quả của việc thí điểm, sẽ có báo cáo và đề xuất Sở GTVT TP triển khai rộng rãi phương án này.

Bạc Liêu: Bệnh viện Quân Dân y tỉnh được trưng dụng làm khu điều trị Covid-19

Sáng 27/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bạc Liêu cho biết, trước tình hình ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng cao dẫn đến quá tải các cơ sở điều trị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều vừa ký quyết định trưng dụng Bệnh viện Quân Dân y tỉnh làm cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô 100 giường bệnh. Thời gian đưa vào hoạt động từ ngày 20/12.

Bệnh viện Quân Dân y tỉnh Bạc Liêu chịu trách nhiệm thu dung, điều trị cho người bệnh Covid-19 có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ, không triệu chứng (tầng 1) và mức độ vừa (tầng 2) theo các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và Sở Y tế.

Bình Thuận: triển khai tiêm đợt 1 cho trẻ em từ 12-17

Bắt đầu từ hôm nay, tỉnh Bình Thuận đã triển khai tiêm đợt 1 với gần 47.000 liều vắc xin Pfizer cho trẻ em từ 12-17 tuổi để đạt mục tiêu tăng diện bao phủ trong cộng đồng, chủ động phòng chống dịch COVID-19.

Tỉnh Bình Thuận sẽ tiêm theo thứ tự độ tuổi giảm dần, trong đó ưu tiên trước cho trẻ từ 16-17 tuổi. Sau đó, tỉnh sẽ hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch. Số vắc xin được phân bổ từ tuyến tỉnh xuống các huyện.

Trong đó, trẻ đi học được tiêm tại trường hoặc do cơ sở giáo dục lựa chọn. Còn trẻ không đi học tiêm tại cơ sở y tế hoặc điểm lưu động do UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định. Những trẻ có bệnh nền được tiêm tại các bệnh viện đa khoa hoặc các trung tâm y tế có chuyên khoa nhi. Đợt tiêm này, tỉnh Bình Thuận dự kiến hoàn thành trước ngày 2/12.

Tin tổng hợp chiều 27/11: Đối tượng nào được ưu tiên tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19? 3
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi - Ảnh: TTXVN

TIN THẾ GIỚI

Thái Lan cho phép lao động nước ngoài nhập cảnh

Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 hôm 26/11 cho biết, Chính phủ Thái Lan đang có kế hoạch cho phép tối đa 400.000 lao động nhập cư từ ba quốc gia láng giềng làm việc hợp pháp tại nước này. Mục tiêu của kế hoạch trên nhằm giảm tình trạng buôn lậu người di cư bất hợp pháp qua các tỉnh biên giới và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Thái Lan sẽ thành lập các trung tâm sàng lọc và kiểm dịch tại 5 tỉnh biên giới là Tak, Ranong, Nong Khai, Mukdahan và Sa Kaeo để lao động nhập cư xét nghiệm COVID-19 và đăng ký làm việc hợp pháp tại Thái Lan.
Với nỗ lực của Chính phủ trong việc nhập khẩu lao động nhập cư, các doanh nhân không còn cần phải dựa vào các băng nhóm buôn lậu để cung cấp lao động phổ thông cho họ. Số lượng 400.000 lao động được phép làm việc hợp pháp sẽ không mắc COVID-19 và rất quan trọng đối với sự phục hồi của nền kinh tế Thái Lan.

Lào đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine cho trẻ em

Để sớm mở cửa lại trường học hướng tới mở cửa trở lại đất nước, Lào tiếp tục triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em 12-17 tuổi tại thủ đô Viêng Chăn.

Dự kiến, mũi vaccine thứ nhất sẽ hoàn thành vào ngày 5/12 và đạt mục tiêu tiêm đủ hai mũi trước ngày 26/12 để đảm bảo điều kiện mở lại trường học trên địa bàn trong điều kiện bình thường mới.

Tin tổng hợp chiều 27/11: Đối tượng nào được ưu tiên tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19? 4
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại bệnh viện Setthathirath, thủ đô Viêng Chăn - Ảnh: Pv TTXVN tại Lào

Bộ Y tế Lào cũng cho biết trẻ trong độ tuổi từ 12-17 chiếm tỷ lệ khá cao trong dân số;  riêng ở thủ đô Viêng Chăn đã có hơn 83.000 người trong nhóm đối tượng này. Vì vậy, lãnh đạo thành phố kêu gọi các bậc phụ huynh đưa con em đến các điểm y tế để tiêm vaccine kịp thời nhằm tạo đề kháng cho cơ thể, giảm nguy cơ nhiễm bệnh và biến chứng nguy hiểm cũng như tử vong.

Biến thể Omicron đang được theo dõi chặt chẽ

Ngày 26/11, WHO đã đặt lại tên cho biến thể mới B.1.1.529 là Omicron, đồng thời tuyên bố đây là biến thể đáng quan ngại.

Các nhà khoa học Anh mới đây đã cảnh báo về sự xuất hiện của biến thể  B.1.1.529 với số lượng đột biến "rất cao", lên tới 32 đột biến trong protein gai. Giới khoa học nhận định nhiều khả năng biến thể này nguy hiểm hơn các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 và né tránh hệ miễn dịch. Chủng mới cũng đã được phát hiện ở Nam Phi, Botswana, Hong Kong, Israel và Bỉ.

WHO cũng đã cảnh báo rằng, các quốc gia không nên vội vàng áp đặt các hạn chế đi lại do biến thể này.Theo WHO, sẽ phải mất vài tuần để tìm hiểu xem liệu các đột biến mới được phát hiện có làm cho virus trở nên độc hại hơn hoặc có khả năng lây truyền mạnh hơn hay không.

Nam Phi lên tiếng về 'siêu biến thể' Omicron

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/11, Bộ trưởng Y tế Nam Phi tuyên bố biến thể Omicron mới phát hiện tại nước này không gây ra tình trạng bệnh COVID-19 nặng. Cho đến nay, các bác sĩ và giới chuyên gia chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy biến thể Omicron gây ra tình trạng bệnh nặng ở người bị nhiễm.

Theo ông, hiện còn quá sớm để khẳng định xu hướng diễn biến của dịch bệnh gắn với sự xuất hiện của Omicron.

Bộ trưởng nói rằng chính phủ Nam Phi nhận thức rằng việc một số nhà khoa học ra tuyên bố về Omicron đã gây ra tâm lý hoảng sợ và bất an. Đây là phản ứng thiếu cơ sở khoa học. Ông nhấn mạnh có đầy đủ lý do để tin rằng các vaccine hiện vẫn hiệu quả trước biến thể mới.

EU kêu gọi dừng liên kết không vận với tất cả các nơi đã phát hiện biến thể Omicron

Chủ tịch Ủy ban châu Âu ngày 26/11 kêu gọi dừng tất cả liên kết không vận với các địa điểm đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mang tên B.1.1.529 (Omicron).

Trong bối cảnh thông tin về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Nam Phi làm chao đảo thị trường toàn cầu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng cho biết các hãng sản xuất vaccine buộc phải điều chỉnh mũi tiêm ngay khi các biến thể mới xuất hiện. Bà kêu gọi công dân Liên minh châu Âu (EU) tiêm chủng vaccine và nâng cao khả năng bảo vệ với mũi tăng cường.

Phát biểu trên được đưa ra sau khi Bỉ - quốc gia thành viên EU và là trụ sở của các cơ quan EU - xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể này.

Tin tổng hợp chiều 27/11: Đối tượng nào được ưu tiên tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19? 5
Hành khác xếp hàng để tại sân bay quốc tế Tambo ở Johannesburg, Nam Phi để lên máy tới Pháp. Ảnh: AP

Nhiều nước đình chỉ các chuyến bay quốc tế đến từ Nam Phi

# Trong nỗ lực nhằm đối phó với biến thể B.1.1.529, Văn phòng tổng thống Philippines cho biết, nước này đã đình chỉ các chuyến bay quốc tế đến từ Nam Phi và các quốc gia khác có hoặc có khả năng xuất hiện ca nhiễm biến thể mới này. Cụ thể, các chuyến bay và hành khách đến từ Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini và Mozambique đã bị cấm cho đến ngày 15/12.

# Cùng ngày, Hong Kong thông báo sẽ cấm du khách không phải cư dân Hong Kong tới từ 8 quốc gia miền Nam châu Phi nhập cảnh vào vùng lãnh thổ này nếu họ từng ở những quốc gia đó trong vòng 21 ngày qua.

Biện pháp trên có hiệu lực từ ngày 27/11, áp dụng với những người tới từ các nước Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia và Zimbabwe.

# Slovenia - quốc gia đang nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) - ngày 26/11 thông báo các nước EU đã nhất trí tạm ngừng hoạt động đi lại tới khu vực miền Nam châu Phi sau khi phát hiện biến thể Omicron. 

# Đức sẽ đưa Nam Phi vào danh sách các khu vực ghi nhận biến thể mới của SARS-CoV-2 từ ngày 27/11, qua đó chỉ cho phép công dân và người sinh sống tại Đức được nhập cảnh.

# Từ ngày 27/11, Áo cũng sẽ cấm các chuyến bay từ Nam Phi và Botswana sau khi hai nước này ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron. Thủ tướng Áo thông báo, các chuyến bay từ Mozambique, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini cũng sẽ bị cấm hạ cánh do Áo áp dụng các biện pháp nhằm "giảm tốc độ lây lan của biến thể mới trên toàn cầu".

# Không nằm ngoài mối quan ngại toàn cầu về biến thể Omicron, Mỹ, Brazil, Canada và Saudi Arabia đã trở thành những quốc gia mới nhất quyết định hạn chế việc đi lại từ khu vực miền Nam châu Phi. Động thái này có khả năng “giáng một đòn” nặng nề vào nỗ lực của thế giới nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19.

Bình luận