Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin tổng hợp tối 19/11: TPHCM cần thêm 100.000 liều thuốc Molnupiravir

(VOH) - Sở Y tế TPHCM đề nghị Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cấp bổ sung 100.000 liều Molnupiravir do số ca nhiễm Covid-19 tăng.

---

TIN TRONG NƯỚC

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19

Lễ tưởng niệm bắt đầu lúc 20 giờ hôm nay (19/11) tại điểm cầu chính là Hội trường Thống Nhất, điểm cầu phụ ở công viên Thống Nhất (Hà Nội) và truyền hình trực tiếp. 

Trong tinh thần hiệp thông của lễ tưởng niệm, lúc 20 giờ 30, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM khuyến nghị tất cả các chùa và cơ sở tự viện trên địa bàn dành một phút tưởng niệm với nghi thức thỉnh đại hồng chung, dừng mọi hoạt động để hưởng ứng.

tưởng niệm
TPHCM kêu gọi người dân tắt đèn và thắp nến vào thời điểm 20 giờ 30 ngày 19/11 tại các nơi công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân tưởng niệm đồng bào đã mất.

Các phương tiện như tàu, thuyền, sà lan… đang lưu đậu trên tuyến kênh, sông, luồng hàng hải trên địa bàn được thông báo để kéo hồi còi tưởng niệm. TPHCM kêu gọi người dân tắt đèn và thắp nến vào thời điểm 20 giờ 30 ngày 19/11 tại các nơi công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân tưởng niệm đồng bào đã mất.

Sở Y tế TPHCM kiến nghị khẩn rút ngắn thời gian cách ly tập trung

Hôm nay 19/11, Sở Y tế TPHCM cho biết đã có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế về việc kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly tập trung. Sở cho biết từ ngày 1/10, TPHCM đã triển khai áp dụng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, theo đó các hoạt động sản xuất và sinh hoạt xã hội được khôi phục.

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn mới, TP đã và sẽ tiếp tục triển khai cách ly tại nhà đối với các F0 đủ điều kiện hoặc chuyển vào khu cách ly tập trung quận, huyện (nếu F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà). Đối với các trường hợp có triệu chứng cần can thiệp y tế thì chuyển vào bệnh viện điều trị Covid-19 (tầng 2, tầng 3).

Trước tình hình đó, để gia tăng hiệu quả trong công tác chăm sóc, điều trị F0, Sở Y tế đề nghị Bộ Y tế cho phép TPHCM thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng đã tiêm 2 mũi vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7.

Sở Y tế TPHCM: Yêu cầu bệnh viện không được từ chối tiếp nhận F0

Sở Y tế TPHCM yêu cầu các bệnh viện công lập và ngoài công lập; Trung tâm hồi sức tích cực điều trị Covid-19, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 thành phố, quận, huyện, Trung tâm y tế TP Thủ Đức, quận, huyện… sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, phương án tiếp nhận F0 và tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân trong giai đoạn bình thường mới.

Theo Sở Y tế, “Bệnh viện xanh” không phải là “bệnh viện không có Covid-19”, mà là bệnh viện được tổ chức và vận hành theo các quy trình an toàn, tuân thủ nghiêm các quy định về sàng lọc, phân luồng cách ly và có khu vực luôn sẵn sàng để thu dung điều trị người bệnh Covid-19, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Tính đến hết ngày 18.11, TPHCM có hơn 68.000 ca F0 đang cách ly, điều trị. Trong đó có 12.935 ca F0 đang điều trị tầng 2, 3; 5.322 ca F0 cách ly tập trung và 50.252 ca F0 cách ly tại nhà.

TPHCM: Chia các bệnh viện thành 8 cụm tiếp nhận điều trị Covid-19 khi số ca mắc tăng

Hôm nay 19/11, Sở Y tế TPHCM cho biết đã có văn bản gửi các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM về việc sẵn sàng thu dung người bệnh Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới.

TPHCM sẽ chia thành 8 cụm địa phương, tương ứng với 22 quận, huyện. Trong 8 cụm này sẽ có 10 bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 ở các quận huyện và 8 bệnh viện dã chiến. Các bệnh viện và trung tâm hồi sức sẽ làm cụm trưởng cho 8 cụm này.

Việc phân chia các cụm nhằm thuận lợi cho việc điều chuyển người bệnh Covid-19 giữa các cụm với nhau, phù hợp với tình hình thực tế và tránh sự quá tải. Bên cạnh đó, TP vẫn duy trì 8 bệnh viện, trung tâm hồi sức ở tầng 3. Các đơn vị này sẽ làm cụm trưởng của 8 cụm địa bàn, phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho các cơ sở y tế trên địa bàn được phân công.

TPHCM: Cần thêm 100.000 liều thuốc kháng vi rút Molnupiravir vì F0 gia tăng

Số ca F0 tại TPHCM có xu hướng tăng nên nhu cầu dùng thuốc Molnupiravir cũng tăng tương ứng. Để đáp ứng nhu cầu này, Sở Y tế TPHCM đề nghị Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cấp bổ sung 100.000 liều Molnupiravir.

Tin tổng hợp tối 19/11: TPHCM cần thêm 100.000 liều thuốc Molnupiravir vì F0 gia tăng 2
TPHCM đang cần thêm 100.000 liều thuốc kháng vi rút Molnupiravir vì số ca F0 gia tăng

Trước đó, TPHCM đã được Cục Khoa học công nghệ và đào tạo cấp 110.000 liều Molnupiravir. Sở Y tế TP sau đó đã chuyển 43.000 liều cho các tỉnh và cấp 67.000 liều Molnupiravir cho các trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức, các trạm y tế, trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến và bệnh viện trên địa bàn TP để điều trị cho bệnh nhân F0.

TPHCM: Học sinh cuối cấp sẽ học trực tiếp từ ngày 10/12

Sở GD&ĐT cho biết, học sinh khối 9 và 12 sẽ trở lại học trực tiếp từ ngày 10/12, tiếp đó sẽ mở dần các khối khác. Bên cạnh đó, việc tập huấn cho cán bộ, giáo viên công tác phòng chống dịch sẽ diễn ra vào đầu tháng 12, họp phụ huynh học sinh khối 9 và 12 trước ngày 5/12.

TP cũng yêu cầu nghiên cứu mở cửa thí điểm đối với các trường mầm non. Khi mở cửa phải có quy định chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức thận trọng và kiểm tra thường xuyên.

Từ ngày 22/11 đến ngày 28/11 sẽ tổ chức tiêm mũi 2 vắc xin cho tất cả trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đang sinh sống và học tập trên địa bàn TP đã được tiêm mũi 1 đủ thời gian, kể cả trẻ đã được tiễm mũi 1 ở các tỉnh, TP khác.

Đồng Nai: Tiêm vắc xin Covid-19 đợt 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi

Hôm nay 19/11, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 đợt 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Theo kế hoạch, trong đợt 2, Đồng Nai sử dụng 99.450 liều vắc xin Pfizer để tiêm mũi 1 cho khoảng 34% trẻ từ 12-17 tuổi. Tiêu chí tiêm là hạ dần độ tuổi từ cao xuống thấp.

Địa điểm tiêm cho các em tại các trường học, trung tâm đào tạo nghề, cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Trước đó, từ ngày 7/11, Đồng Nai đã tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 đợt 1 cho hơn 100.000 trẻ từ 15-17 tuổi. Lần này, bắt đầu tiêm cho những trẻ ở độ tuổi thấp hơn.

Theo thống kê của Sở Y tế Đồng Nai, toàn tỉnh có gần 300.000 trẻ từ 12-17 tuổi. Tính đến hết 18/11, Đồng Nai đã tiêm 115.302 mũi 1 vắc xin Covid-19 cho trẻ, đạt tỷ lệ 39,01%.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Số ca nhiễm liên tục tăng, nâng cấp độ dịch

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 18/11, toàn tỉnh ghi nhận 423 ca mắc mới, trong đó có 321 ca trong cộng đồng. Thành phố Vũng Tàu vẫn là địa phương có số ca nhiễm ghi nhận trong ngày cao nhất toàn tỉnh, với 193 ca, trong đó 146 ca cộng đồng. Các ca nhiễm lây lan nhanh trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong khu công nghiệp, ngoài cộng đồng. Nguyên nhân phần lớn là do các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh đề nghị các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, người dân, doanh nghiệp cần cảnh giác, nêu cao vai trò trong phòng, chống dịch; chấp nhận đương đầu với dịch bệnh. Các địa phương cần có hành động kịp thời, tránh chủ quan trông chờ vào việc tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân; sẵn sàng ứng phó các tình huống xấu hơn, không để bị động, bất ngờ; luôn duy trì việc ứng trực 24/24 giờ để ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Gia Lai: Phát hiện ổ dịch Covid-19 ở huyện Đăk Đoa

Sáng nay 19/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Đăk Đoa (Gia Lai) cho biết qua test nhanh, địa phương này vừa ghi nhận 125 trường hợp dương tính Covid-19. Hiện địa phương này xác định ổ dịch cộng đồng là xã Hà Bầu, có 5/8 thôn, làng có bệnh nhân Covid-19.

Tại đây, có nhiều địa điểm dịch tễ phức tạp và đang tạm thời bị phong tỏa như Trường tiểu học Hà Bầu, Nhà văn hóa cộng đồng xã Hà Bầu; quán cà phê, tiệm cắt tóc ở ngã tư tiếp giáp giữa xã Hà Bầu và xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa.

Lực lượng chức năng cũng đang khoanh vùng, khẩn trương truy vết. Đặc biệt, khu vực này có nhiều hộ dân người Ba Na, Jrai với văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Do vậy, việc dịch bệnh lây lan trong cộng đồng thực sự thêm phức tạp, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch, truy vết.

Thừa Thiên Huế: Chuẩn bị kịch bản điều trị F0 tại nhà

Tỉnh đã thống nhất chủ trương cho phép cách ly F1 tại nhà khi đảm bảo các điều kiện theo quy định. Sở Y tế tỉnh cũng đang xây dựng kịch bản cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, đồng thời xây dựng quy trình hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà để chủ động trong mọi tình huống dịch bệnh.

Sở Y tế tỉnh cần có phương án triển khai trạm y tế lưu động, đảm bảo ứng phó trong tình huống dịch Covid-19 tăng nhanh cũng như đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, vật tư y tế khi cách ly điều trị các F0 tại cơ sở y tế và tại nhà, hạn chế thấp nhất việc bệnh nhân chuyển biến nặng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế, hiện nay hai cơ sở cách ly tập trung của tỉnh đã được trưng dụng làm nơi điều trị cho các F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Để sẵn sàng trước nguy cơ bùng phát dịch tại địa phương, tỉnh đã xây dựng kịch bản, phương án để ứng phó với dịch bệnh khi số ca nhiễm có thể lên đến 5.000 người bệnh.

Quảng Trị: Sau huyện Hướng Hóa, đến lượt Đakrông bùng phát dịch Covid-19

Sáng 19/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa ghi nhận thêm 30 trường hợp xét nghiệm RT-PCR dương tính Covid-19. Trong đó có tới 29 trường hợp dương tính đều được phát hiện thông qua giám sát cộng đồng ở Thị trấn KrôngKlang và xã Mò Ó (H.Đakrông).

Trước đó, tỉnh Quảng Trị tăng cường rà soát tất cả người trở về hoặc đến từ Thị trấn KrôngKlang và xã Mò Ó (H.Đakrông) kể từ ngày 13/11. Những người này phải khai báo y tế tại cơ sở y tế nơi gần nhất, cách ly tại nhà 14 ngày kể từ ngày trở về địa phương; thực hiện xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR ngày đầu tiên, ngày thứ 7 và ngày thứ 13 (mẫu gộp). Các trường hợp di chuyển giữa Thị trấn Krông Klang, xã Mò Ó và các địa phương trong thời gian ngắn ngày thì thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19 với tần suất 3 ngày/ lần.

Hà Tĩnh: Sẽ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho hơn 345.000 trẻ em

Tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho hơn 345.000 trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến dưới 18 tuổi trong các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Ưu tiên tiêm chủng trước cho các đối tượng ở các vùng đang có dịch, địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm, nơi có mật độ lưu thông đi lại lớn và các huyện biên giới hoặc giáp ranh với các tỉnh khác.

Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em phải được sự đồng ý của phụ huynh học sinh hoặc người giám hộ. Trong đó, nhóm trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện tiêm phòng trước, sau đó đến nhóm trẻ em từ 3 tuổi đến 11 tuổi.

Hà Tĩnh đặt ra mục tiêu tối thiểu 95% trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được tiêm đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 và tiêm cho trên 95% trẻ em từ 3 tuổi đến 11 tuổi.

TIN THẾ GIỚI

Lào: Sản xuất thuốc Molnupiravir trị Covid-19

Theo báo Vientiane Times ngày 19/11, Bộ Y tế Lào đã chấp thuận kế hoạch sản xuất thí điểm thuốc Molnupiravir giá rẻ. Đây là loại thuốc dạng uống, khác với các liệu pháp điều trị Covid-19 khác ở dạng tiêm.

Phó giám đốc Xí nghiệp dược phẩm nhà nước số 3 của Lào xác nhận việc sản xuất sẽ bắt đầu từ tháng 12 tới. Do là kế hoạch thí điểm, trước mắt Lào chỉ sản xuất số thuốc đủ điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân. WHO sẽ giám sát việc sản xuất và thử nghiệm thuốc Molnupiravir tại Lào. Trước mắt, đối tượng được sử dụng là người trong độ tuổi 18 - 65 có các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình và đang ở giai đoạn đầu mắc Covid-19.

Ban đầu Molnupiravir được phát triển để trị bệnh cúm. Loại thuốc này sau đó được Hãng dược Merck (Mỹ) và đối tác mua lại để phát triển thêm.

Ấn Độ cam kết cung cấp 5 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 cho thế giới vào năm 2022

Tuyên bố này do Thủ tướng Ấn Độ đưa ra hôm qua. Ông cho hay, Ấn Độ đã xuất khẩu 65 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 đến gần 100 quốc gia trong năm nay, và trong những tháng tới sẽ xuất khẩu nhiều hơn thế nhiều khi năng lực sản xuất vắc xin tăng lên.

Ngành dược phẩm là một động lực chính của nền kinh tế Ấn Độ, sử dụng 3 triệu lao động và tạo ra thặng dư thương mại khoảng 13 tỷ USD. Kể từ năm 2014, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ đã thu hút được 12 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vẫn còn tiềm năng thu hút nhiều vốn hơn nữa trong tương lai.

Làn sóng Covid-19 mới nhất tại Ukraine tấn công mạnh vào trẻ em

Bệnh viện truyền nhiễm nhi đồng Kiev, một cơ sở y tế có 100 giường bệnh chuyên điều trị cho trẻ em mắc Covid-19, đã phải đón nhiều bệnh nhân nặng hơn trong đợt bùng phát mới nhất ở Ukraine bắt đầu từ mùa thu này.

Ukraine đang bị ảnh hưởng nặng nề trong làn sóng dịch mới nhất hiện nay do biến thể Delta hoành hành. Biến thể này lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn đối với trẻ em. Hôm qua, đất nước có 40 triệu dân này đã ghi nhận 752 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, mức cao thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Nga.

Bình luận