Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin tức COVID-19 chiều 5/12: Nhật Bản siết chặt kiểm soát nhập cảnh

(VOH) - Bắt đầu từ ngày 30/11, Nhật Bản quyết định không cho phép những người nước ngoài nhập cảnh mới vào nước này.

TIN TRONG NƯỚC

TPHCM: Lên phương án ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 xảy ra trong cơ sở giáo dục

Sở Y tế TP HCM có văn bản gửi Sở Giáo dục - đào tạo TP HCM, UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện về hướng dẫn tạm thời phương án kiểm soát dịch COVID-19 trong trường học. Cụ thể, trước khi tổ chức hoạt động giáo dục trực tiếp, trường học xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn, nêu rõ sự phối hợp với y tế địa phương (trạm y tế, trung tâm y tế).

Rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định (nơi rửa tay, nhà vệ sinh có đủ xà phòng và nước sạch, thùng đựng chất thải sinh hoạt, chất thải y tế...), cung cấp nước uống an toàn, ly uống nước riêng... cho học sinh, tăng cường các biện pháp thông khí cho phòng học, phòng làm việc, bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng y tế đảm bảo theo quy định.

Thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón học sinh (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành y tế; tổ chức phổ biến, hướng dẫn đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong cơ sở giáo dục cho cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động, phụ huynh học sinh, học sinh trước khi trở lại hoạt động…

Tin tổng hợp COVID-19 chiều 5/12: Nhật Bản siết chặt kiểm soát nhập cảnh 1
Học sinh khối lớp 6 Trường THCS-THPT Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM đi học ngày 20-10. Nguồn: TTO

209 cán bộ, học viên các đơn vị quân đội đi miền Tây hỗ trợ chống dịch

Chiều 4/12, tại sân bay quốc tế Cần Thơ, Bộ tư lệnh Quân khu 9 đã tổ chức đón 209 cán bộ, học viên thuộc các đơn vị của quân đội vào miền Tây hỗ trợ chống dịch COVID-19. Số cán bộ, học viện này đến từ Bệnh viện Quân y 354, Học viện Quân y, Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội, Bệnh viện Quân y 105 và có 19 người là nữ.

Số lượng cán bộ, học viên này sẽ được tăng cường cho Cục hậu cần Quân khu 9 (53 người), thành phố Cần Thơ (39 người), Sóc Trăng (39 người), Trà Vinh (39 người) và Kiên Giang (39 người).

Lực lượng này sẽ tham gia phối hợp với lực lượng y tế các địa phương trên trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Cần Thơ: cơ sở điều trị F0 quá tải vì ca nhiễm tăng cao

Tại Cần Thơ đã có thêm 1.153 ca nhiễm COVID-19, như vậy đã gần chạm mốc 30.000 ca nhiễm trong khi các cơ sở điều trị đang đối mặt với nguy cơ quá tải.

Hiện toàn thành phố đang quản lý, điều trị tại nhà cho gần 12.000 F0. Riêng tầng 2 điều trị cho các bệnh nhân nhẹ đã tiếp nhận gần 2.500 bệnh nhân trên tổng số 2.750 giường. Hiện chỉ còn lại 250 giường trống. Bệnh nặng, nguy kịch, có bệnh lý cấp cứu kèm theo ở tầng 3 đã được lấp đầy với 350 giường.

Trước tình hình này, Sở Y tế đã làm việc với các bệnh viện về công tác tiếp nhận điều trị, cấp cứu đồng thời xin chủ trương cho cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập tham gia công tác điều trị người nhiễm COVID-19.

Lãnh đạo Kiên Giang khẳng định tin đồn Phú Quốc có biến thể Omicron là bịa đặt

Ngày 5/12, ông Nguyễn Lưu Trung, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết tin đồn trên các trang mạng xã hội về việc Phú Quốc có người nhiễm biến thể COVID-19 mới Omicron là bịa đặt, không đúng sự thật. Hiện UBND tỉnh đang phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tiến hành điều tra làm rõ nguồn gốc thông tin.

UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết trong tháng 11, địa phương đã đón khoảng 317.000 lượt khách đến quan du lịch; khách quốc tế khoảng 1.400 lượt. Tất cả đến địa phương tham quan du lịch đều đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Dự kiến trong tháng 12, sẽ có 3 chuyến bay đón khoảng 550 khách là người Singapore, Malaysia và Hàn Quốc… đến Phú Quốc nghỉ dưỡng.

Vĩnh Long: Lập danh sách tiêm vắc xin mũi 3 ngừa COVID-19

Ngày 5/12, Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, đến hiện tại, tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của tỉnh đạt rất cao.

Cụ thể, mũi 1 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt trên 99%, mũi 2 đạt trên 90,5%.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long đã có công văn khẩn gửi các sở ban ngành và các địa phương về việc lập danh sách đối tượng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 3. Các đối tượng ưu tiên gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch; lực lượng quân đội, công an; Người làm việc trong các cơ sở y tế tư nhân…

Người cung cấp dịch vụ thiết yếu; giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sĩ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; Người mắc các bệnh mạn tính; Người trên 65 tuổi và người thân của cán bộ trực tiếp tham gia chống dịch COVID-19.

Các đối tượng ưu tiên có khoảng cách tiêm mũi 2 ít nhất 4 tháng trở lên (mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 4 tháng). Các đơn vị lập danh sách chi tiết từng đối tượng ưu tiên gửi về Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long trước ngày 10/12.

Đắk Lắk: Hỗ trợ người lao động quay lại các tỉnh phía Nam làm việc

Trước nhu cầu người dân về quê tránh dịch muốn quay trở lại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam làm việc, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức đoàn công tác xuống làm việc với UBND TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai để bàn về các chính sách hỗ trợ.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, cho biết người lao động có nhu cầu quay trở lại các tỉnh, thành phía Nam làm việc sẽ được hỗ trợ tiêm vắc-xin phòng chống COVID-19 đầy đủ. Hỗ trợ xe đưa đón để người dân không phải đi xe máy, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và vất vả. Hỗ trợ 30 đến 50% chi phí thuê nhà ở trong vòng 3 tháng đầu để người dân sớm ổn định cuộc sống. Ngoài ra, tùy theo các doanh nghiệp tuyển dụng sẽ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng.

Theo thống kê của UBND tỉnh Đắk Lắk, trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 đã có hơn 150.000 người dân từ các tỉnh thành phía Nam trở về tỉnh Đắk Lắk. Hiện có hàng chục ngàn người dân có nhu cầu quay trở lại các tỉnh thành phía Nam làm việc.

Lâm Đồng: Gần 100% người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm 1 mũi vắc xin phòng COVID-19

Sáng 5/12, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận cho biết: Đến ngày 4/12, Lâm Đồng đã thực hiện tiêm tổng số gần 2 triệu mũi vắc xin phòng COVID-19. Tỉ lệ người dân Lâm Đồng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 đạt gần 100% và đạt khoảng 78% dân số toàn tỉnh.

Hiện nay, ngành y tế tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên đảm bảo độ bao phủ vắc xin mũi 2 cho các đối tượng này đạt từ 99% trở lên. Tổ chức tiêm mũi 1 cho các đối tượng trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi ở cộng đồng và tiêm phủ mũi 2 cho các đối tượng này khi đã đủ thời gian theo quy định.

Thừa Thiên - Huế: Tầm soát toàn dân, xác định ca nhiễm COVID-19 tăng gần gấp đôi

Số ca nhiễm COVID-19 ngày 4/12 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế tăng cao kỷ lục, với 339 ca, gần gấp đôi ngày trước đó sau khi địa phương này tổng tầm soát toàn dân. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế công bố số liệu tính đến chiều tối qua 4.12 tại địa phương cho thấy, chỉ trong ngày hôm qua (4/12), có thêm 339 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận, tăng gần gấp đôi so với ngày trước đó (3/12).

Theo PGS-TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, số ca nhiễm COVID-19 được phát hiện nhiều là do tỉnh Thừa Thiên - Huế đang huy động tổng lực để tầm soát diện rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Cụ thể, trong ngày 4.12 địa phương đã test nhanh kháng nguyên lên tới 11.524 trường hợp (phát hiện 159 trường hợp dương tính), xét nghiệm PCR lên tới 4.147 trường hợp (phá hiện 339 dương tính, đang chờ kết quả 2.328 trường hợp, còn lại là âm tính).

Hà Nội, Đà Nẵng: Học sinh trở lại trường từ ngày mai 6/12

Ngày mai (6/12), Hà Nội, Đà Nẵng tiếp tục cho học sinh trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học phòng dịch COVID-19.

Tại Đà Nẵng, để đón học sinh khối lớp 1 đến trường ngày 6/12, các trường đã chuẩn bị điều kiện tốt nhất để bảo đảm an toàn cho học sinh, đồng thời động viên phụ huynh cho con đến trường. Theo kế hoạch, khối lớp 1 tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, các phường cấp độ 3 sẽ không cho học sinh lớp 1 đi học trở lại.

Theo ghi nhận tại một số trường ở Đà Nẵng, đến ngày 4/12 công tác chuẩn bị đón học sinh đã hoàn tất. Các trường đã cho khử khuẩn lại toàn bộ các phòng học lần cuối, chuẩn bị hệ thống đo thân nhiệt, sát khuẩn, chuẩn bị phòng cách ly tạm thời... Giáo viên và cán bộ nhân viên nhà trường đều đã thực hiện xét nghiệm COVID-19.

Lào Cai: ghi nhận 10 học sinh nhiễm SARS-CoV-2, chưa rõ nguồn lây

Theo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống COVID-19 tỉnh Lào Cai, tính đến 11 giờ ngày 4/12, Lào Cai ghi nhận thêm 10 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng là học sinh trên địa bàn thành phố Lào Cai, chưa rõ nguồn lây. Hiện các trường hợp này đang chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân.

10 học sinh này đều có địa chỉ thường trú tại phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, là học sinh Trường Trung học cơ sở Kim Tân, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai.

Các cơ quan chuyên môn đang truy vết, xác định nguồn lây; phun tiêu độc, khử trùng tại các địa điểm có liên quan đến ca bệnh. Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai nhận định thời gian tới có thể xuất hiện thêm các ca bệnh do tình hình dịch còn đang diễn biến phức tạp.

Hàng không tăng cường ứng phó biến chủng Omicron

Cục trưởng Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ hành khách đến, đi qua các quốc gia tại châu Phi hoặc các quốc gia có biến chủng Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này; kịp thời báo cáo cơ quan y tế và báo cáo Cục Hàng không chỉ đạo, xử lý.

Trường hợp phát hiện nhân viên dương tính, các đơn vị hoạt động tại sân bay phải báo cáo cơ quan y tế, chính quyền địa phương để kịp thời xử lý; các nhân viên tiếp xúc gần (F1) phải được xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR và khai báo y tế đầy đủ theo quy định.

Trước đó, Cục Hàng không đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng cho phép không thực hiện các chuyến bay, bao gồm cả chuyến bay cứu trợ, từ 10 quốc gia châu Phi đến Việt Nam gồm: Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia.

Quảng Ninh ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tử vong

Ngày 4/12, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh cho biết, địa phương này vừa ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong.

Theo ngành y tế Quảng Ninh, trước đó, bệnh nhân này được điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy (TP.Hạ Long). Bệnh nhân có nhiều bệnh nền trước tử vong gồm: sốc nhiễm khuẩn không hồi phục, xuất huyết não tái phát, tăng huyết áp, đái tháo đường, nhiễm COVID-19.

Trong đợt dịch bùng phát tại Quảng Ninh từ đầu tháng 10 vừa qua, Quảng Ninh đã không bị động khi phát hiện hàng trăm ca mắc COVID-19 mới. Tỉnh đã thực hiện hiệu quả rất nhiều mô hình, trong đó thành công ở mô hình cách ly F1 tại nhà với mục tiêu giảm tải áp lực cho các cơ sở cách ly tập trung, làm cơ sở cho việc sẵn sàng phương án cách ly, điều trị trong tình huống dịch có diễn biến phức tạp.

TIN THẾ GIỚI

Nhật Bản siết chặt kiểm soát nhập cảnh

Ngay sau khi hai hành khách nhập cảnh vào Nhật Bản được phát hiện nhiễm biến thể mới Omicron, nước này đã ngay lập tức thực hiện siết chặt các biện pháp kiểm soát biên giới để ngăn chặn nguồn lây lan dịch bệnh từ bên ngoài.

Bắt đầu từ ngày 30/11, Nhật Bản quyết định không cho phép những người nước ngoài nhập cảnh mới vào nước này. Tiếp đó, từ ngày 2/12, những người đã được cấp tư cách lưu trú và người Nhật Bản trở về nước sẽ phải cách ly tại cơ sở chỉ định từ 3 - 10 ngày. Riêng những người tái nhập cảnh từ 10 quốc gia ở miền Nam châu Phi như Angola hay Namibia sẽ bị từ chối nhập cảnh.

Dù thực hiện các biện pháp kiểm soát nhập cảnh chặt chẽ nhưng Nhật Bản vẫn chuẩn bị sẵn sàng cho làn sóng dịch COVID-19 thứ 6 cũng như sự xuất hiện của biến thể Omicron ở trong nước, trong đó trọng tâm vẫn là thúc đẩy tiêm vaccine.

Tin tổng hợp COVID-19 chiều 5/12: Nhật Bản siết chặt kiểm soát nhập cảnh 2
Hành khách đi qua cửa kiểm dịch tại sân bay Narita, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Omicron làm gia tăng số ca mắc COVID-19 ở trẻ em tại Nam Phi

Sự gia tăng đáng báo động này có thể đặt cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu vào một giai đoạn mới.

Tỉnh Gauteng, điểm nóng ghi nhận biến thể Omicron tại Nam Phi, đang chứng kiến sự tăng mạnh số ca nhập viện ở mọi nhóm tuổi, nhưng đặc biệt đáng chú ý là trẻ em.

Theo Cố vấn Chính phủ Nam Phi, bà Waasila Jassat, tỷ lệ mắc biến thể Omicron ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi hiện cao thứ hai, chỉ sau những người trên 60 tuổi.

Chỉ riêng thành phố Tshwane Metro của Nam Phi đã ghi nhận những con số đáng báo động về tình trạng trẻ em nhập viện vì COVID-19. Nếu như trong 2 tuần đầu của làn sóng dịch lần thứ 3 tại Nam Phi hồi tháng 5/2021, tại tỉnh này có chưa tới 20 trẻ em dưới 5 tuổi phải nhập viện, trong 2 tuần đầu của làn sóng dịch lần thứ tư (từ ngày 14 - 27/11 vừa qua), con số này là hơn 100 ca. Chính vì vậy, giới chức y tế nước này kêu gọi, các bậc phụ huynh cần nâng cao cảnh giác về sức khỏe của con mình.

Indonesia cấm các hoạt động đón Giáng sinh và Năm mới

Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, ngày 4/12, hãng thông tấn chính thức Antara cho biết Cảnh sát Quốc gia Indonesia sẽ cấm các hoạt động tập trung đông người trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới 2022.

Các cơ quan chức năng sẽ mạnh tay với mọi đối tượng cố tình vi phạm chỉ thị của Bộ trưởng Nội vụ về phòng chống COVID-19 trong dịp lễ cuối năm. Trong dịp lễ sắp tới, tất cả các tỉnh thành trên cả nước sẽ thực hiện lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 3. Cảnh sát quốc gia sẽ giám sát thực thi PPKM tại các địa phương có đông người dân trở về quê nghỉ lễ, đồng thời triển khai lực lượng trực chốt tại các tuyến đường cao tốc, bến cảng và sân bay nhằm giám sát hoạt động đi lại của người dân.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Lào đang giảm 

Tình dịch bệnh COVID-19 tại Lào bước đầu có dấu hiệu cải thiện khi số ca mắc mới theo ngày đã giảm xuống mức 3 con số.

Hôm qua 4/12, Lào ghi nhận 969 ca mắc mới COVID-19 tại 17 tỉnh/thành phố, trong đó chỉ có 1 ca là người nhập cảnh, và 10 ca tử vong. Như vậy, sau 4 ngày liên tục ghi nhận ở mức 4 con số, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã giảm xuống mức 3 con số. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước khi ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng ở mức cao (450 trường hợp) trong một ngày tại 168 bản thuộc 9 quận.

Bộ Y tế Lào cũng cho biết, gần đây nhiều trường hợp đến các điểm lấy mẫu xét nghiệm tại thủ đô Viêng Chăn đã cố ý che giấu thông tin về nghề nghiệp, gây khó khăn cho việc phân loại, khoanh vùng và truy vết người tiếp xúc gần. Đây cũng là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tại thành phố tăng cao.

Singapore siết chặt quy định xét nghiệm đối với người nhập cảnh

Singapore đã quyết định thắt chặt hơn nữa cơ chế xét nghiệm đối với với những người nhập cảnh qua Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL), đồng thời đóng cửa đường biên với thêm 3 quốc gia, nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập nước này.

Kể từ ngày 7/12, tất cả du khách nhập cảnh Singapore qua làn VTL sẽ phải thực hiện thêm các xét nghiệm nhanh hằng ngày. Họ sẽ phải tự làm xét nghiệm và cập nhật kết quả xét nghiệm theo đường link đã được cung cấp. Bộ Y tế cho biết các quy định xét nghiệm tăng cường này sẽ được duy trì trong ít nhất trong 4 tuần, đến hết ngày 2/1/2022.

Singapore cũng đóng cửa đường biên với Ghana, Malawi và Nigeria. Du khách có lịch sử tới 3 quốc gia này sẽ không được nhập cảnh hay quá cảnh tại Singapore bắt đầu từ ngày 5/12.

Bình luận