Tọa đàm Đồng hành cùng bầu cử (kỳ 2)

(VOH) - Từ cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời, đánh dấu bước nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết rằng: “Cuộc Quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam ta. Nó là một kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6 tháng 1 năm 1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, các dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”. Mời bạn đọc xem kỳ 2 chủ đề: “Ký ức mùa bầu cử” của tọa đàm: Đồng hành cùng bầu cử, với sự tham gia của các vị khách mời: Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VIII, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, IX; Bà Phạm Phương Thảo; nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM khoá XII, đại biểu Quốc hội khóa IX, XI, XII; Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM, đại biểu Quốc hội khoá XIII, XIV; PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Thành uỷ viên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

toa đàm bẩu cử
Tọa đàm Đồng hành cùng bầu cử tại VOH.

*VOH: Ở tuổi 77, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, vẫn miệt mài nghiên cứu, thăm khám, chỉ dạy cho những người đi sau. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng từng là đại biểu Quốc hội 3 nhiệm kỳ liên tiếp (từ 1981-1997). Thưa bà, trong suốt thời gian làm đại biểu bà đã chứng kiến và tham dự vào những bước ngoặc đáng nhớ của đất nước khi chuyển mình, đổi mới. Vậy bây giờ nhìn lại, điều bà cảm nhận rõ ràng nhất về thời gian ấy là gì?

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Thưa quý vị, hoàn cảnh Tết năm 1981 mọi người dân ăn Tết vui hơn hẳn mấy năm trước, bởi vì TP mình năm 1980 đã bắt đầu đổi mới, có chợ búa nhộn nhịp, có bán gạo ở ngoài thị trường, bán thức ăn. Cảnh chợ búa thì vui. Cho nên khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm TP có gặp gỡ một số người dân, thì tôi có phát biểu, năm nay TP người dân ăn tết vui lắm. Đặc biệt, tôi còn nhớ trong khóa VII có những doanh nghiệp trong TP và các tỉnh phía Nam là những doanh nghiệp đi đầu trong đổi mới đã được dân bầu và chọn đúng người tiếp tục theo đuổi vấn đề đổi mới đó. Khóa VII còn là manh nha đổi mới, nhưng tới khóa VIII là đổi mới rất rõ, đổi mới không chỉ về kinh tế mà còn đổi mới về hệ thống chính trị.

VOH: Những cảm xúc về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những nhiệm kỳ qua đã là nguồn cảm hứng, về tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; về ý chí dấn thân vì cộng đồng, vì đất nước. Ông có chia sẻ gì về việc kế thừa và phát huy từ tinh thần của các đại biểu Quốc hội, HĐND  ở các kỳ trước đó, ngày nay đã tích cực hưởng ứng, hành động gì? Thưa tiến sĩ Trần Hoàng Ngân?

Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân: Thật hạnh phúc khi nghe những chia sẻ đến từ quý anh chị, đặc biệt những anh chị là những tấm gương, những đại biểu của dân đã luôn dấn thân vì công việc, vì cộng đồng, vì những bức xúc của cử tri. Tôi may mắn được trúng cử là đại biểu Quốc hội khóa 13. Thực sự khi chưa làm đại biểu Quốc hội, tôi cũng rất quan tâm đến những diễn đàn của Quốc hội, những phát biểu của quý anh chị. Chính những đóng góp lớn lao của quý anh chị trong nghị trường đóng góp về hệ thống luật pháp, hay những phát biểu rất sắc xảo, đúng mực để chất vấn những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đến các thành viên Chính phủ, đã tiếp sức cho tôi làm tốt hơn vai trò đại biểu của dân. Tôi thật sự đam mê vai trò đại biểu của dân, được tiếp sức từ truyền thống, từ tấm gương của quý anh chị đi trước, cho nên trong thời gian qua tôi cùng anh chị đoàn Đại biểu Quốc hội khóa 13, 14 của đoàn Đại biểu TP vẫn luôn là những đoàn có chất lượng tốt trong việc góp ý cho hệ thống luật pháp, cũng như trong vấn đề chất vấn, giám sát. Chúng tôi cũng kỳ vọng đến các khóa tiếp theo và mong rằng chúng ta tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp về những tấm gương của các đại biểu của dân luôn hết lòng vì cộng đồng, vì công việc, vì những vấn đề chung của đất nước.

VOH: Với ký ức, tinh thần về ngày tổng tuyển cử đầu tiên và kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội - Hội đồng nhân dân các cấp từ những nhiệm kỳ đã qua, các thế hệ đại biểu ngày nay cần làm gì để truyền cảm hứng cho thế hệ đại biểu tiếp theo? Xin mời bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM.

Bà Phạm Phương Thảo: Tôi nghĩ là đại biểu khóa sau, làm việc với tinh thần kế thừa, phát triển những giá trị tốt đẹp của khóa trước, để cho các cơ quan dân cử, nhất là Quốc hội không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử. Tức là mình làm thế nào để tạo hiệu ứng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ từ diễn đàn đến cuộc sống. Có khi mình nói trên diễn đàn hay nhưng không đến được với cuộc sống, mà yêu cầu, đòi hỏi của người dân làm sao tác động tạo sự chuyển biến đối với cuộc sống của người dân để thúc đẩy sự phát triển. Chính hiệu quả hoạt động, chính hình ảnh nói được làm được của Đại biểu thì mới truyền đạt cảm hứng. Tôi nghĩ chỉ nói hay thôi thì khó mà truyền hết cảm hứng, mà phải vừa nói được vừa làm được, vừa phải góp phần làm sao xây dựng chính sách tác động đến cuộc sống của người dân và tôi nghĩ muốn làm tốt vai trò đại biểu phải phấn đấu và rèn luyện không ngừng.

VOH:  Cám ơn bà Phạm Phương Thảo. Về nội dung này xin được nghe thêm ý kiến từ Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng?

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Với vai trò và với sự tín nhiệm của người dân đối với mình, thì tự mỗi người phải vừa thấy tự hào, vừa thấy trách nhiệm của mình đối với xã hội còn cần phải phản ánh lên trên để cho Đảng lãnh đạo nắm được tình hình rõ ràng cụ thể như vậy để đóng góp. Khi mỗi người đóng góp và đã thực hiện những việc tốt cho người dân thì tự đó có cảm hứng thêm, chứ giờ mình truyền lại cũng hơi khó.

Tọa đàm Đồng hành cùng bầu cử - Kỳ 2: Ký ức mùa bầu cử 2
Ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất (6/1/1946). Ảnh minh họa TTXVN.

VOH: Còn ý kiến của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM thì thế nào?

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Tôi nói từ cá nhân mình, tôi có cảm hứng để hoạt động đại biểu Quốc hội. Từ 3 nguồn cơ bản: Trước hết là niềm tin của người dân, thứ hai tấm gương của đại biểu đi trước, thứ ba nói là cảm hứng thôi thì chưa chuyển tải hết, mà là trách nhiệm trước Đảng và trước dân. Tôi nghiên cứu mãi có một vấn đề mà các anh chị nãy giờ nói mà chưa thấy nêu trong Hiến pháp, đó là bản lĩnh của người đại biểu. 3 kỳ họp để góp ý sửa đổi Hiến pháp tôi luôn theo đuổi ý tưởng này.

VOH: Ý kiến của tiến sĩ Trần Hoàng Ngân như thế nào?

Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân: Ý kiến của chị Phượng, chị Thảo, chị Tâm đã nói lên hết sự chia sẻ của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các khóa tiếp theo. Tôi đồng tình với những chia sẻ của quý chị. Tôi chỉ có thêm ý nữa, nếu chúng ta đam mê với lĩnh vực mình đang làm việc, thì mình luôn cảm thấy rất hạnh phúc và có thêm động lực để vượt qua những thách thức, khó khăn để làm tốt hơn nhiệm vụ là đại biểu của dân.

VOH:  75 năm - một chặng đường dài đã trôi qua kể từ khi lần đầu tiên người dân Việt Nam được thực hiện quyền làm chủ của mình, dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I năm 1946 vẫn vẹn nguyên trong ký ức của hàng triệu trái tim Việt Nam. Những chỉ thị, sắc lệnh và hoạt động của Người năm ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị, để lại nhiều bài học cho các thế hệ người Việt Nam trong công tác bầu cử, xây dựng Quốc hội xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tiếp tục bàn về vấn đề này, ngày 17/3, VOH sẽ giới thiệu đến quý vị kỳ 3 của tọa đàm với chủ đề: “Trọng dụng nhân tài, xây dựng đất nước”.

 

Bình luận