Tiêu điểm: Nhân Humanity

TPHCM nghiên cứu sắp xếp cụm trụ sở chung sau khi sáp nhập sở, ngành

VOH - Tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM sáng 10/12, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang nghiên cứu phương án sắp xếp lại trụ sở các sở, ngành sau quá trình sáp nhập.

Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh việc quản lý tài sản công sẽ được phân loại để xử lý linh hoạt. Các tài sản không còn sử dụng sẽ được đề nghị bán đấu giá hoặc cho thuê tạm thời, nhằm thu ngân sách phục vụ các dự án đầu tư. Đồng thời, thành phố cũng tính toán phương án xây dựng cụm trụ sở chung cho các sở, ngành để sử dụng hiệu quả hơn quỹ đất hiện có.

Ông Mãi chia sẻ: "Không nhất thiết phải gộp chung tất cả các cơ quan vào một trụ sở, nhưng việc bố trí cụm trụ sở chung sẽ giảm lãng phí và tối ưu hóa tài nguyên đất đai." Những vị trí không dùng làm trụ sở sẽ được đưa vào khai thác, góp phần tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội.

Phan Van Mai 2024
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, quá trình sáp nhập các sở, ngành không chỉ đơn thuần là gộp bộ máy mà còn cần rà soát chức năng, nhiệm vụ để tinh gọn và hiệu quả hơn. Ông nhấn mạnh việc tái cấu trúc không chỉ nằm ở cấp tổ chức mà còn phải củng cố đội ngũ cán bộ, đảm bảo họ có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, ông Phan Văn Mãi cho biết đến nay TPHCM đã giải ngân được 33%. Ông nhận định tiến độ chậm một phần do thay đổi chính sách về đất đai và đầu tư công, nhưng cũng thừa nhận có những nguyên nhân chủ quan như chậm trễ trong giải quyết thủ tục tại một số sở, ngành.

Để đẩy nhanh tiến độ, UBND TPHCM đã phân công từng thành viên Thường trực UBND trực tiếp theo dõi các dự án lớn và đưa ra các giải pháp cụ thể. Thành phố đặt mục tiêu đạt tỷ lệ giải ngân trên 80% vào cuối năm 2024, qua đó thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm và giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 9-10% vào năm 2025. Ông nhấn mạnh đây là một thách thức lớn, bởi quy mô kinh tế của TPHCM rất lớn, đòi hỏi tổng đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 500.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố dự kiến đóng góp 20%, còn lại 80% sẽ huy động từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài (FDI).

Ông Mãi nhấn mạnh: "Tháo gỡ các dự án tồn đọng và thúc đẩy đầu tư từ doanh nghiệp, đặc biệt là FDI, sẽ đóng vai trò then chốt. Chương trình kích cầu kinh tế của HFIC theo Nghị quyết 09 cũng được kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn cho tăng trưởng."

Kỳ vọng từ việc tái cấu trúc bộ máy và thúc đẩy đầu tư, TPHCM đang nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế xã hội đầy tham vọng, tạo động lực phát triển bền vững cho cả khu vực phía Nam và cả nước.

Bình luận