Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tuổi thọ trung bình Việt Nam đạt 73,6 tuổi nhưng sống khỏe mạnh chỉ 64 tuổi

(VOH) - Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi.

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết tốc độ gia tăng dân số nước ta đã được khống chế thành công. Mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 16 năm. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.

Tuổi thọ trung bình Việt Nam đạt 73,6 tuổi nhưng sống khỏe mạnh chỉ 64 tuổi 1
Ảnh minh họa

Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi vào năm 2021 và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh.

Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Chiều cao ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi có sự thay đổi đáng kể, năm 2020 nam đạt 168,1cm, nữ đạt 156,2cm. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5-19 tuổi) năm 2020 còn 14,8%. Theo báo cáo phát triển con người, HDI của Việt Nam tăng qua các năm và đạt 0,704 điểm, đứng thứ 117/189 năm 2019.

Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) đều giảm mạnh. Năm 2020, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi là 13,9 trẻ tử vong trên 1.000 trẻ sinh sống. Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi là 22,3 trẻ tử vong trên 1.000 trẻ sinh sống. Tỷ số chết mẹ giảm mạnh hiện chỉ còn 46 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 2019.

Các thách thức mới đang đặt ra với ngành dân số là rất lớn, đó là mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh.

Chỉ số HDI chưa cao, chậm được cải thiện. Tỉ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi và tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã được cải thiện nhiều những còn cao và chênh lệch nhiều giữa các vùng, miền. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. 

Bình luận