Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vàng, dầu lao dốc | Chứng khoán bi quan

VOH - Giá vàng giảm mạnh, giá dầu “lao dốc không phanh”, chứng khoán có tuần giao dịch bi quan.

Giá vàng thế giới quay đầu lao dốc về gần 2.000 đô la Mỹ/ounce sau khi phá kỷ lục vào giữa tuần. Trong nước, giá kim loại này giảm nhẹ.

Thị trường vàng trong phiên giao dịch cuối của tuần chứng kiến một số áp lực bán mạnh khi giao dịch gần mức thấp nhất trong phiên khi thị trường lao động Mỹ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Một thông tin tiêu cực khác đối với vàng là ở Mỹ, lạm phát tiền lương tăng cao hơn.

Mặc dù vàng giảm, nhưng một số nhà phân tích cho rằng, kỳ vọng Fed kết thúc chu kỳ thắt chặt sẽ tiếp tục hỗ trợ vàng di chuyển bền vững lên mức cao mọi thời đại.

Một số nhà phân tích đã lưu ý rằng lập trường trung lập của Fed về chính sách tiền tệ sẽ cho phép các nhà đầu tư tập trung vào các yếu tố tăng giá khác đối với vàng, chủ yếu là sức hấp dẫn trú ẩn an toàn của nó khi cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu tiếp tục diễn ra.

Dự báo mức tiếp theo của vàng sau khi kim loại quý chạm mốc cao mới vào giữa tuần, nhà phân tích thị trường nói rằng, vàng sẽ tỏa sáng trong bối cảnh nền kinh tế sụp đổ và có thể sẽ vượt lên trên 2.100 đô la Mỹ.

Vàng, dầu lao dốc | Chứng khoán bi quan 1
Ảnh minh hoạ: Pexels

Dầu “la dốc không phanh”

Sau cú “đổ đèo” tới hơn 9% từ đầu tuần, giá xăng dầu bất ngờ giảm tốc bởi quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB. Dầu Brent tăng nhẹ, WTI giảm nhẹ.

Giá dầu “lao dốc không phanh” kể từ đầu tuần do lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và dấu hiệu tăng trưởng sản xuất yếu tại Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và việc Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản.

Những yếu tố này đã làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, thị trường đã nhận được một số hỗ trợ từ tín hiệu của Fed rằng Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất để các quan chức có thời gian đánh giá hậu quả từ những thất bại trong ngành ngân hàng gần đây và để làm rõ về việc nâng trần nợ của Mỹ.

Morgan Stanley hạ dự báo giá dầu Brent xuống 75 đô la Mỹ/thùng vào cuối năm nay.

Dự kiến, giá xăng dầu sẽ giảm mạnh khoảng 1.000 đồng/lít do giá xăng dầu thế giới liên tục giảm trong hai tuần qua, đặc biệt “lao dốc không phanh” kể từ đầu tuần đến nay.

Mức giảm này chưa bao gồm Quỹ Bình ổn xăng dầu và các loại phí điều chỉnh khác, nếu có.

Đà giảm VN-Index tiếp tục kéo dài

VN-Index kết tuần giảm điểm sau đà hồi phục nhẹ trước đó cho thấy sự bi quan quay trở lại. Khối lượng duy trì dưới mức trung bình 20 ngày trong suốt ba tuần liên tiếp cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi thị trường thiếu những thông tin hỗ trợ mạnh.

Thị trường chứng khoán có tuần giao dịch khởi đầu bằng phiên giảm điểm phủ nhận đà hồi phục trong tuần trước đó. Đà giảm tiếp tục kéo dài sang phiên cuối tuần và giằng co với cây nến thân nhỏ.

Kết tuần, VN-Index giảm tổng cộng 8.81 điểm, tương đương 0.84%. Xét theo mức độ đóng góp, VIC, CTG và SAB là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index…

Nói về cổ phiếu thép của Hòa Phát, Chuyên gia Phạm Lưu Hưng – Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng: “Tôi nghĩ rằng những khó khăn nhất đối với Hòa Phát qua rồi. Tuy nhiên, khó khăn ‘vừa vừa’ thì vẫn còn.

“Bởi vì trong cả quý 1 thì tháng 1, tháng 2 đều không tốt, đến tháng 3 giá thép tăng trở lại, công ty có lợi nhuận. Đến tháng tư, giá thép lại quay đầu giảm” 

“Điểm tích cực của Hòa Phát trong thời điểm vừa qua là doanh số tăng, có nghĩa thị phần tăng. Nói về quan điểm đầu tư, tôi nghĩ rằng là khó khăn nhất qua rồi, nhưng các khó khăn tiếp theo thì vẫn còn”, ông Hưng nói.

Bình luận