Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhân 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất với ba điểm cầu tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), di tích Quốc gia đặc biệt khu vực Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải (Quảng Trị) và Công viên Bờ sông Sài Gòn, TP Thủ Đức (TPHCM).
Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn đan xen giữa quá khứ và hiện tại, tái hiện trang sử hào hùng của dân tộc, thể hiện những bài học lịch sử, tinh thần đoàn kết, đồng thời nêu bật được thành tựu của đất nước trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.
Chương trình gồm ba chương: Khát vọng hoà bình, Ý chí độc lập thống nhất và Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam.

Dự điểm cầu TPHCM có Chủ tịch nước Lương Cường; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó thủ tướng Mai Văn Chính; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.
Dự điểm cầu Hà Nội có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang; Phó thủ tướng Lê Thành Long; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Tại điểm cầu Quảng Trị, có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Trịnh Văn Quyết; Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó thủ tướng Trần Hồng Hà; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Chương trình cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn đã kể lại câu chuyện của một bức thư đặc biệt. Đó là bức thư của 3 chiến sĩ giải phóng quân trước khi hi sinh đã để lại cho hậu thế. Họ là Lê Hoàng Vũ (quê Thái Bình), Nguyễn Chí (quê Quảng Ngãi); Trần Viết Dũng (quê thành phố Sài Gòn), chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội "Ký Con", Trung đoàn Bình Giã, quân giải phóng miền Nam.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bị thương và đói khát, họ đã chọn cho mình một địa điểm là cánh rừng nguyên sinh ở thượng nguồn sông Đồng Nai làm nơi chốn cuối cùng của mình. Trước khi chết, họ đã để lại một bức thư để gửi lại cho những người còn sống.

Công viên Thống Nhất, khánh thành năm 1961, là biểu tượng lịch sử của khát vọng hoà bình, Bắc Nam sum họp.
Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải là biểu tượng cho ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam thiết tha yêu hòa bình.

Còn công viên bờ sông Sài Gòn, TP Thủ Đức là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện sức sống của một thành phố anh hùng, năng động, sáng tạo.
Tái hiện khúc khải hoàn mừng 50 năm thống nhất tại ba điểm cầu lịch sử và ba chương "Khát vọng hoà bình", "Ý chí độc lập thống nhất" và "Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam", cầu truyền hình dựng lại trang sử hào hùng của dân tộc trong quá khứ, đồng thời nêu bật được thành tựu của đất nước trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.

Dòng sông Bến Hải chảy giữa đôi bờ Hiền Lương, một thời là ranh giới đau thương nhưng không thể ngăn được ước nguyện thống nhất trong trái tim mỗi người con Việt Nam.
Vang lên tại đây sau nửa thế kỷ, cầu truyền hình mở màn bằng Câu hò bên bờ Hiền Lương do NSƯT Hồng Liên - Khánh Linh thể hiện; để rồi xuôi vào Nam, hoạt cảnh cải lương Lý con sáo diễn tả tâm hồn người Nam bộ kiên trung, từ réo rắt sang hùng tráng.
Điểm nhấn đặc biệt của cầu truyền hình là MV Con đường ta chọn có sự hòa giọng của 50 gương mặt đại diện cho nhiều lĩnh vực ngành, nghề khác nhau.
Qua các phóng sự như Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Bối cảnh lịch sử đất nước sau Hiệp đinh Genève, Trận đánh Xuân Lộc - Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất hay Thành tựu của đất nước sau 50 năm thống nhất, đặc biệt là 40 năm đổi mới… chương trình tái hiện trang sử hào hùng của dân tộc, thể hiện những bài học lịch sử, tinh thần đoàn kết, đồng thời nêu bật được thành tựu của đất nước trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.