“Sau 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đã đổi thay ngoạn mục.” Đó là lời khẳng định của Tiến sĩ Alisher Mukhamedov, Chủ tịch Hội hữu nghị Uzbekistan - Việt Nam, trong cuộc trao đổi với báo chí về ý nghĩa Chiến thắng 30/4 và hành trình phát triển 50 năm qua của Việt Nam.
Tiến sĩ Alisher nhớ lại khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4/1975, khi truyền hình Uzbekistan đưa tin chiến thắng của Việt Nam, chấm dứt cuộc đấu tranh 30 năm vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Ông kể, cha mình – ông Rustam Mukhamedov, từng có cơ hội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1963 trong một chuyến công tác tại Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy bày tỏ niềm tin rằng nhân dân Việt Nam sẽ xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng sau chiến tranh.

Theo Tiến sĩ Alisher, chiến thắng 30/4 không chỉ là mốc son của dân tộc Việt Nam mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho phong trào đấu tranh vì độc lập và tiến bộ trên thế giới. Ông nhấn mạnh rằng sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sau năm 1975 đã chứng minh năng lực lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách ngoại giao khéo léo và ý chí tự lực tự cường của toàn dân tộc.
Tiến sĩ Alisher đặc biệt ấn tượng với chính sách đại đoàn kết toàn dân của Việt Nam. Ông nhận định, sự hòa hợp giữa các tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo là nguồn động lực mạnh mẽ, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Biểu hiện sinh động là các hoạt động như Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức trên khắp đất nước, cùng với việc Hiến pháp bảo đảm quyền bình đẳng cho mọi công dân.
Về đối ngoại, ông đánh giá cao vai trò ngoại giao Việt Nam trong kiến tạo hòa bình, mở rộng không gian phát triển và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Từ cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tới hiện tại, Việt Nam luôn khéo léo kết hợp sức mạnh quân sự, chính trị và ngoại giao để xây dựng thế trận hòa bình bền vững.
Đặc biệt, Tiến sĩ Alisher đánh giá cao chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam, giúp duy trì ổn định, phòng ngừa xung đột và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Ông nhấn mạnh, đây là một lợi thế lớn, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn quốc tế.
Về kinh tế, Tiến sĩ Alisher ca ngợi chương trình Đổi mới từ năm 1986 như một cú hích quan trọng, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế phát triển năng động bậc nhất Đông Nam Á. Năm 2024, GDP của Việt Nam tăng hơn 7%, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất toàn cầu. Với đà tăng trưởng này, ông tin rằng Việt Nam sẽ còn tiến xa trong thập kỷ tới.
Tiến sĩ Alisher kết luận, thành tựu mà Việt Nam đạt được hôm nay là sự tiếp nối xứng đáng của chiến thắng 30-4 lịch sử, mở ra một tương lai tươi sáng cho đất nước trên con đường phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.