Tiêu điểm: Nhân Humanity

VWS: Quyết định xử phạt không công tâm !

(VOH) - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), chủ đầu tư Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng.

Ngay sau khi nhận quyết định xử phạt, VWS đã có văn bản đề nghị gặp gỡ trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà để giải trình lần 2 về các nội dung liên quan.

Trong văn bản ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành VWS cho rằng, quyết định của Tổng cục Môi trường là không công tâm. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải lắng nghe và thấu hiểu sự việc để có thể thực hiện minh bạch, công bằng trong việc này đối với công ty và giúp chúng tôi yên tâm tiếp tục thực hiện tốt dự án theo lời kêu gọi đầu tư của Chính phủ Việt Nam và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trước đó, VWS đã báo cáo giải trình lần 1 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, phản biện lại 5 kết luận vi phạm của Tổng cục Môi trường.

Vi phạm thứ nhất nêu rõ trong quyết định là không xây lắp, cải tạo các mô đun xử lý nước rỉ rác với tổng công suất 6.080 m3/ngày đêm theo cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

VWS đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét lại kết luận này vì thời điểm nâng công suất tiếp nhận của Khu Liên hợp Đa Phước là từ cuối tháng 11/2014, trước thời gian báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Khu Liên hợp Đa Phước từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và theo sự chỉ đạo của UBND TP, Khu Liên hợp Đa Phước phải tiếp nhận và xử lý lượng chất thải rắn sinh hoạt từ bãi rác Phước Hiệp chuyển qua, do bãi rác này đóng cửa vì gây ô nhiễm.

Đồng thời trong báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng đã nêu rõ khi nâng công suất, tùy thuộc vào lượng nước thải phát sinh, Khu Liên hợp Đa Phước sẽ vận hành thêm mô đun xử lý cho các trạm xử lý nước thải. Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường không có nội dung Khu Liên hợp Đa Phước sẽ nâng công suất xử lý nước thải ngay sau khi nâng công suất.

Cũng theo VWS, từ tháng 5 đến tháng 10/2015, do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng thời tiết cực đoan, xuất hiện các cơn mưa bất thường với lượng mưa tăng đột biến làm tăng lượng nước rỉ rác phát sinh.

Ngay sau đó, qua tham vấn các chuyên gia từ Mỹ, căn cứ vào lượng nước thải phát sinh, VWS đã quyết định chọn giải pháp tăng công suất xử lý nước thải của Nhà máy Xử lý nước thải công nghệ màng lọc sinh học từ 1.000 m3/ngày lên 3.000 m3/ngày, nâng tổng công suất từ 4.280 m3/ngày lên 6.280 m3/ngày theo đúng như cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ngày 17/2/2016, VWS ký hợp đồng với Công ty HydroScience Asia thiết kế và thi công mô đun mở rộng của Nhà máy Xử lý nước thải công nghệ màng lọc sinh học với công suất 2.000 m3/ngày. Tại thời điểm kiểm tra của đoàn kiểm tra Tổng cục Môi trường vào ngày 2/4/2016, VWS đã hoàn thành xây dựng lớp lót đáy của ô chôn lấp số 3 và đang chuẩn bị mặt bằng, tập kết vật tư xây dựng mô đun mở rộng của nhà máy xử lý nước thải thải công nghệ màng lọc sinh học.

Báo cáo khẳng định: VWS đã thực hiện đúng như những nội dung đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, xây lắp thêm mô đun xử lý nước thải tùy thuộc vào lượng nước thải phát sinh trong giai đoạn nâng công suất.

Nội dung vi phạm thứ hai là không thực hiện một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cụ thể là không thu gom, lưu giữ nước rỉ rác tại hồ chứa nước rỉ rác tập trung theo cam kết mà lưu giữ nước rỉ rác tại ô chôn lấp số 2.

Về nội dung này, VWS nêu rõ tại thời điểm kiểm tra đầu tháng 4 năm 2016, công ty vẫn đang lưu chứa nước thải tại 2 hồ tập trung như nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, do lượng mưa tăng đột biến ngoài dự đoán làm tăng lượng nước rỉ rác phát sinh.

Để tránh xảy ra sự cố rò rỉ nước thải ra bên ngoài, công ty phải chủ động giải quyết bằng cách sử dụng ô chôn lấp số 2 để lưu chứa tạm nước thải. Quy trình xây dựng lớp lót đáy hồ và hệ thống đê bao quanh hồ đều được xây dựng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm không làm rò rỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường đất, nước mặt, nước ngầm của khu vực.

Các kết quả đo đạc, lấy mẫu kiểm tra chất lượng môi trường đất và không khí tại ô chôn lấp số 2 của Trung tâm Công nghệ và Quản lý môi trường cho thấy, hàm lượng tất cả chỉ tiêu đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Trên thực tế, hoạt động tại ô chôn lấp tạm số 2 không gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường ở các khu dân cư lân cận khu vực dự án. Tổng lượng nước thải lưu chứa tạm trong ô chôn lấp số 2 hiện tại khoảng 268.000 m3, dự kiến đến hết tháng 4/2018 sẽ xử lý được toàn bộ lượng nước thải này.

Đối với vi phạm thứ ba: Không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành. Công ty chôn lấp rác đạt công suất trên 3.000 tấn/ngày từ tháng 3/2015 khi chưa được kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định.

VWS cho biết đã hoàn thành xây dựng ô chôn lấp số 4 vào tháng 10/2014. Tuy nhiên, đến ngày cuối tháng 11/2014, UBND TP chỉ đạo chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ bãi rác Phước Hiệp về Khu liên hợp Đa Phước. Vì nhu cầu xử lý rác thải cho thành phố cấp bách nên VWS buộc phải tiếp nhận rác thải trước khi báo cáo đánh giá tác động môi trường về việc nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày đến 10.000 tấn/ngày được phê duyệt.

Giải trình nêu rõ: Ngay khi nhận được quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, VWS đã hoàn thiện các hồ sơ, thực hiện báo cáo xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án và trình nộp Bộ Tài nguyên và Môi trường tháng 2/2016. Hiện tại, VWS vẫn tiếp tục trong quá trình hoàn thành các thủ tục cần thiết để được xác nhận.

Đối với nội dung vi phạm thứ tư: Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải 1.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.200 m3/ngày. VWS đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét lại một cách toàn diện kết luận này dựa trên các cứ liệu khách quan, khoa học, bởi các kết quả lấy mẫu đối chứng cùng thời điểm của Trung tâm Công nghệ và quản lý môi trường và Phòng Thí nghiệm nội bộ của VWS hoàn toàn khác biệt với kết quả của Viện Công nghệ môi trường.

VWS còn khẳng định nước thải sau xử lý của nhà máy xử lý nước thải công nghệ màng lọc sinh học được tuần hoàn tái sử dụng, không xả thải. Ngoài ra, để giám sát tự động chất lượng nước thải đầu ra, tại các mương xả thải, VWS đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động theo đúng quy định. Hai hệ thống này cũng đã được Trung tâm Quan trắc Môi trường trực thuộc Tổng cục Môi trường cấp giấy chứng nhận hiệu chuẩn và kiểm định.

Ngoài ra, quyết định của Tổng cục Môi trường kết luận VWS còn vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày đến dưới 2.500 m3/ngày.

VWS nhấn mạnh, kết quả lấy mẫu nội bộ của VWS và của Trung tâm Công nghệ và quản lý môi trường cũng như kết quả lấy mẫu đối chứng cùng thời điểm giữa Trung tâm Công nghệ và quản lý môi trường, Viện nước và Công nghệ môi trường hoàn toàn khác biệt với kết quả của Viện Công nghệ môi trường, với các thông số của mẫu nước thải sau hệ thống xử lý nước thải hóa lý đều nằm trong nưỡng cho phép.

Bình luận