Tiêu điểm: Nhân Humanity

Xâm nhập mặn, hạn hán sẽ phức tạp hơn năm 2016

(VOH) - Mới tháng 12 nhưng nhiều vùng lúa, vùng hoa kiểng tết ở đồng bằng sông Cửu Long đã phải đối mặt với tình trạng nước mặn xâm nhập.

Dù đã được dự báo trước, tuy nhiên tình trạng nước mặn xâm nhập từ trước tết Nguyên đán như hiện nay cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đối với vụ mùa và đời sống người dân trong vùng. Trong khi đó, dự báo của cơ quan chuyên môn cho thấy tình hình hạn hán và xâm nhập mặn sẽ còn diễn biến phức tạp hơn cả mùa khô 2016, năm hạn mặn lịch sử tại đồng bằng và trên cả nước. Xung quanh tình hình này, phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

*VOH: Mấy ngày gần đây, người dân ghi nhận tình hình mặn đã xâm nhập vào một số kênh nội đồng ở các địa phương như Vĩnh Long, Bến Tre... Tình hình xâm nhập mặn vào thời điểm trước tết như hiện nay có phải là một bất thường?

PGS.TS Trần Bá Hoằng: Qua khảo cứu, phân tích, đánh giá của Viện chúng tôi cho thấy, trong thời gian qua (kể từ sau 2012 khi các hồ chứa lớn trên dòng chính hoàn thành) đã làm thay đổi dòng chảy về Đồng bằng trong mùa khô, dẫn đến xâm nhập mặn trên Đồng bằng đã làm thay đổi quy luật, cụ thể như:

  • Mùa mặn đã dịch chuyển sớm hơn so với trước đây 1-1,5 tháng, bắt đầu từ tháng 1 (trước đây thường là từ tháng 2);
  • Thời kỳ mặn cao/nguy hiểm cũng dịch sớm khoảng 1-2 tháng (trước đây thường xuất hiện giữa – cuối tháng 3, tháng 4, nay thường xảy ra vào Tháng 1 hoặc tháng 2).
  • Độ mặn cuối mùa mặn (tháng 3, tháng 4) giảm mạnh, nguồn nước ngọt đủ cho sản xuất, bởi các công trình ở thượng nguồn xả, phát điện.

Do mùa mặn đã thay đổi, do đó các mô hình khai thác tài nguyên đất và nước vùng mặn cũng cần phải điều chỉnh lại phù hợp. Theo đó, hạ tầng thủy lợi cần phải được điều chỉnh để hạn chế mặn sớm và khai thác ngọt cuối mùa.

Đối với diễn biến mặn mùa khô năm 2019-2020 thì không có gì là bất ngờ. Bởi ngay từ tháng 7/2019 và đầu tháng 10/2019 trên cơ sở cảnh báo, dự báo hạn mặn của Viện chúng tôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng Trọt đã tổ chức các hội nghị triển khai sản xuất, trong đó đã cảnh báo về hạn mặn và yêu cầu bố trí thời vụ hợp lý.

Nói chung, 2015-2016, mặn cũng xâm nhập khá sâu, nhưng không sớm như năm nay. Năm nay mặn xâm nhập sớm lịch sử và phức tạp, tuy nhiên, điều này đã được dự báo nên không có gì là bất ngờ. Ngược lại, có thể nói năm nay chúng ta chủ động hơn rất nhiều so với 2015-2016.

*VOH: Với tình hình nước mặn xâm nhập sớm như hiện nay, ông có dự báo gì cho mùa khô sắp tới?

PGS.TS Trần Bá Hoằng: Theo tính toán dự báo chuyên ngành của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dòng chảy mùa khô năm 2019-2020 từ thượng lưu sông Mê Công về Đồng bằng có khả năng ở mức thấp kỷ lục, nên xâm nhập mặn mùa khô trên ĐBSCL là rất nghiêm trọng, mặn xuất hiện sớm và sâu hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, kể cả mùa khô năm 2015-2016 (năm hạn mặn lịch sử trên Đồng bằng). Cụ thể như sau:

  • Mặn ảnh hưởng lớn đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi: từ giữa tháng 12/2019 đến khoảng tháng 3/2020 (sớm hơn gần 20-30 ngày so với cùng thời kỳ mùa khô năm 2015-2016 và so với trung bình nhiều năm sớm từ 2-2,5 tháng).
  • Về chiều sâu mặn xâm nhập mặn lớn nhất với ranh 4g/l có khả năng ảnh hưởng đến:
  • Tại vùng cửa sông Cửu Long đến gần 60-80km (so với năm 2015-2016 sâu hơn từ 7-10km; và sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20-30km)
  • Trên sông Vàm Cỏ, phạm vi ảnh hưởng đến gần 110km (sâu hơn khoảng 10km so với năm 2015-2016 và so với trung bình nhiều năm sâu hơn gần 40km)
  • Và trên sông Cái Lớn có khả năng ảnh hưởng đến gần 70km (so với năm 2015-2016 sâu hơn 5km và sâu hơn trung bình nhiều năm gần 20km)

*VOH: Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam có những kế hoạch, giải pháp gì đễ hỗ trợ bà con nông dân sản xuất, cũng như đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt?

PGS.TS Trần Bá Hoằng: Viện chúng tôi được Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thuỷ lợi giao nhiệm vụ dự báo về tình hình hạn mặn, nguồn nước hàng năm. Ngay từ tháng 7/2019 chúng tôi đã có bản tin dự báo đầu tiên và chúng ta chủ động trong phòng chống hạn mặn. Trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục tham mưu đến Bộ và các địa phương các giải pháp nâng cấp, phát triển hạ tầng công trình thủy lợi, cũng như các giải pháp trữ nguồn nước trong đợt hạn mặn cao điểm nhất. Từ đó, chủ động hơn trong nguồn nước cũng như giảm thiểu các thiệt hại xảy ra do tình trạng hạn mặn. 

*VOH: Trước tình hình bất lợi này, ông có khuyến cáo gì đối với người dân?

PGS.TS Trần Bá Hoằng: Để góp phần giảm thiểu các thiệt hại do hạn mặn gây ra, trong các bản tin dự báo, chúng tôi đã có các khuyến cáo các địa phương chỉ đạo: 

  • Tại các vùng/khu vực chưa có hệ thống thuỷ lợi đảm bảo chủ động nguồn nước hoặc xa nguồn nước ngọt, nếu không có công trình hoặc giải pháp ứng phó chống hạn mặn, thì bà con cần tuân thủ lịch mùa vụ, cơ cấu mùa vụ của các cơ quan quản lý chuyên ngành.
  • Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn trong các bản tin dự báo cập nhật của các cơ quan chuyên ngành để có giải pháp quản lý nguồn nước hiệu quả (tranh thủ khi có nguồn nước ngọt cho phép vận hành các công trình thuỷ lợi để lấy nước, tích trữ nước tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh). Đặc biệt khi lấy ngọt tưới cho cây trồng, nhất là khu vực trồng cây ăn quả cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn ngoài sông.

Ngoài ra, bà con cần tiếp tục theo dõi các bản tin dự báo của các cơ quan chuyên ngành để chủ động nắm bắt các thông tin kịp thời, chủ động sản xuất. Bạn đọc có thể vào trực tiếp website của Tổng cục Thủy lợi (http://www.tongcucthuyloi.gov.vn/) hoặc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (http://www.siwrr.org.vn/).     

Bình luận