Tiêu điểm: Nhân Humanity

Định hướng ứng dụng AI - Blockchain trong y khoa và giáo dục

(VOH) – Chuỗi hội nghị Y khoa và Công nghệ, Trường Đại học Văn Lang cùng Viện Vi sinh và Chống dịch Đại học Stanford xoay quanh các vấn đề nóng trong việc ứng dụng AI, Blockchain.

Ngày 10/3, trong khuôn khổ chuỗi hội nghị Y khoa và Công nghệ, Trường Đại học Văn Lang cùng Viện Vi sinh và Chống dịch Đại học Stanford tiếp tục có 2 phiên trao đổi với nhiều tham luận xoay quanh các vấn đề nóng trong việc ứng dụng AI, Blockchain vào y khoa và Hệ thống giáo dục.

Sự kiện vừa là cơ hội giao lưu văn hóa giữa hai đất nước, vừa là không gian học thuật cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục.
Sự kiện vừa là cơ hội giao lưu văn hóa giữa hai nước, vừa là không gian học thuật cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục.

Diễn ra từ ngày 7 - 10/3/2022, chuỗi hội nghị Y khoa và Công nghệ vừa là cơ hội giao lưu văn hóa giữa hai đất nước, vừa là không gian học thuật cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục.

Hội nghị có sự quy tụ của GS. Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế - Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Giáo sư kiêm nhiệm dịch tễ học và thống kê thuộc Đại học Notre Dame (Australia), cũng là người gốc Việt đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia; GS. TS. BS. Jeffrey Glenn, Viện trưởng Viện Chống dịch, Đại học Stanford, giáo sư Y khoa, Tiêu hóa và Gan mật tại Đại học Stanford, Giám đốc Trung tâm Viêm gan và Kỹ thuật mô gan - Bệnh viện Stanford; TS. Edward Pham, Phó Viện trưởng Viện Chống dịch, Đại học Stanford; TS. Lương Minh Thắng, Cố vấn công nghệ, Viện Chống dịch, Đại học Stanford; ThS. Wendy Uyên Nguyễn, Cố vấn Chiến lược cấp cao, Viện Chống dịch Đại học Stanford; Mr. Nguyễn Huy, đồng sáng lập kiêm CTO tại Kardia Chain, nền tảng blockchain hàng đầu tại Đông Nam Á.

Đây là sự kiện về y khoa lớn nhất từ trước đến nay của Trường Đại học Văn Lang, quy tụ các nhà khoa học y khoa quốc tế và các chuyên gia trong nước, khẳng định uy tín với cộng đồng học thuật Y khoa và Công nghệ trong và ngoài nước, đặt dấu mốc trong chiến lược đẩy mạnh khối ngành Sức khỏe của nhà trường trong tương lai.

Phát biểu tại sự kiện, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang cho rằng, bên cạnh chuyển đổi số nói chung, trong số những công nghệ hỗ trợ phòng chống Covid-19, AI và blockchain đóng vai trò quan trọng. AI giúp giảm gánh nặng công việc của đội ngũ y tế bằng cách hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, chuyển hình ảnh thành chữ viết giúp số hóa toàn bộ tờ khai, phiếu điều tra dịch tễ và đưa lên hệ thống... 

Ở bài toán vĩ mô, trải qua các đợt dịch bệnh, từ dữ liệu có được, AI có thể phân tích, đưa ra các dự đoán về quy mô tiếp theo của đợt dịch, đưa ra các kịch bản theo thời gian thực giúp cơ quan chức năng chủ động ứng phó, khoanh vùng dịch bệnh.

Trong khi đó, công nghệ chuỗi khối blockchain được sử dụng để quản lý bệnh viện, hồ sơ sức khỏe toàn dân, quản lý chuỗi cung ứng y tế, giám sát việc triển khai hộ chiếu vaccine... Hy vọng công nghệ sẽ giúp chúng ta quản lý thống nhất, kết nối tập trung dữ liệu khai báo y tế điện tử, dữ liệu khai báo di chuyển nội địa, dữ liệu phản ánh của người dân, dữ liệu điểm kiểm dịch và dữ liệu kiểm soát vào ra các điểm kiểm dịch… từ đó quá trình phân tích, nghiên cứu, dự báo, và ra quyết định sẽ có tính hiệu lực và hiệu quả cao hơn.

Bình luận