Tiêu điểm: Nhân Humanity

Facebook lại bị phạt hơn 8 triệu USD do thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng vì mục đích thương mại

(VOH) - Ngày 17/2, Cơ quan chống độc quyền AGCM của Italy thông báo áp mức phạt 7 triệu euro (tương đương khoảng 8,45 triệu USD) đối với Facebook do sai phạm trong việc bảo vệ dữ liệu.

Cụ thể, Facebook bị phạt do không thông báo thích đáng cho người dùng về việc thu thập và sử dụng dữ liệu của họ vì mục đích thương mại.

Trước đó, năm 2018, AGCM đã phạt Facebook 5 triệu euro do đã tiến hành những giao dịch không công bằng, đồng thời yêu cầu trang mạng này phải khắc phục sai lầm. Do đó, AGCM đã đưa ra mức phạt thứ 2 trị giá 7 triệu euro do Facebook đã phớt lờ những yêu cầu của cơ quan này.

Tuyên bố của AGCM nêu rõ ngay cả khi không tự quảng cáo là miễn phí, song Facebook vẫn không cung cấp những thông tin về việc thu thập và sử dụng dữ liệu của người dùng vì mục đích thương mại. Đây là thông tin mà người tiêu dùng cần có để quyết định xem có tham gia dịch vụ hay không.

facebook, voh.com.vn
Facebook từng bị phạt nhiều lần liên quan tới dữ liệu, quyền riêng tư của người dùng

Mạng xã hội Facebook từng bị nhiều quốc gia khác nhau xử phạt do vi phạm quyền riêng tư, thu thập dữ liệu trái quy định.

Tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) từng công bố khoản tiền phạt 5 tỷ USD dành cho Facebook. FTC cáo buộc Facebook đã phạm luật khi không bảo vệ được dữ liệu người dùng của mình khỏi sự can thiệp của bên thứ 3. Đây là mức phạt dành cho Facebook sau vụ bê bối rò rỉ dữ liệu xoay quanh công ty Cambridge Analytica (Anh) ảnh hưởng tới hàng triệu người dùng hồi năm 2016.

Ngoài khoản tiền phạt 5 tỷ USD, Facebook còn phải đối mặt với một loạt các hạn chế mới đối với hoạt động kinh doanh của mình. 

Sau bê bối dữ liệu với Cambridge Analytica, Facebook lại bị Cục Cạnh tranh Canada phạt khoản tiền 6,5 triệu USD vì chia sẻ thông tin người dùng với công ty khác.

Cơ quan này cáo buộc Facebook chia sẻ dữ liệu người dùng bất hợp pháp cho các nhà phát triển của bên thứ ba. Thêm vào đó, CBC cho rằng Facebook đã đưa ra những tuyên bố sai lệch hoặc gây hiểu nhầm về tính riêng tư của dữ liệu người dùng Canada.

Tại Australia, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) cáo buộc Facebook có hành vi sai trái, gây hiểu lầm và lừa dối người tiêu dùng trong việc quảng cáo ứng dụng di động Onavo Protect. Đây là ứng dụng phần mềm mạng cá nhân ảo được Facebook mua lại từ một công ty của Israel vào năm 2013 và hiện không còn tồn tại.

Theo ACCC, từ ngày 1/2/2016 đến tháng 10/2017, Facebook, Facebook chi nhánh Israel và Onavo Protect đã đánh lừa người tiêu dùng địa phương bằng cách quảng cáo rằng ứng dụng Onavo Protect sẽ giữ bí mật hoạt động cá nhân và dữ liệu của người dùng, đảm bảo không sử dụng cho bất kỳ sản phẩm nào khác ngoài sản phẩm của Onavo.

Tuy nhiên, thông qua Onavo Protect, Facebook đã thu thập và sử dụng dữ liệu hoạt động cá nhân rất chi tiết và có giá trị của hàng nghìn người tiêu dùng cho các mục đích thương mại của riêng mạng xã hội này.

ACCC cho rằng, việc làm của Facebook và Onavo Protect tước đi cơ hội đưa ra lựa chọn sáng suốt của người tiêu dùng, khi chủ ý phân tích các thông tin và sở thích, cũng như hoạt động cá nhân của khách hàng.

Năm 2018, Onavo bị chính Facebook gỡ bỏ khỏi thị trường ứng dụng trực tuyến Apple Store do vi phạm chính sách liên quan đến việc thu thập dữ liệu. Đồng thời, trong cùng năm, ứng dụng này cũng đã bị loại khỏi cửa hàng trực tuyến Google Play sau một loạt cáo buộc vi phạm.

Bình luận