Ngày 15/4, cơ quan giám sát cạnh tranh của Nhật Bản đã ra lệnh cho gã khổng lồ công nghệ thông tin Mỹ Google ngừng yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại thông minh phải cài đặt sẵn các ứng dụng tìm kiếm và trình duyệt của mình một cách bất công, vi phạm luật chống độc quyền
Cơ quan này đồng thời kêu gọi Google sửa đổi hợp đồng và kiềm chế các hành vi tương tự.
Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản kết luận rằng, công ty thống trị thị trường tìm kiếm trực tuyến này đã cản trở cạnh tranh trong nước một cách không đúng mực.

Google gọi động thái này là "đáng tiếc", đồng thời cho biết sẽ xem xét lại lệnh này và cân nhắc cẩn thận phản ứng của mình. Google cũng lập luận rằng, các nhà sản xuất điện thoại thông minh và nhà khai thác viễn thông Nhật Bản không "bị buộc phải giao dịch" với công ty.
Theo ủy ban, ngay từ tháng 7/2020, Google đã yêu cầu 6 nhà sản xuất điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android phải cài đặt sẵn ứng dụng tìm kiếm Google và trình duyệt Chrome, đồng thời đặt chúng ở những vị trí được chỉ định trên màn hình chính như một điều kiện để cung cấp Cửa hàng Google Play.
Các hợp đồng này bao gồm ít nhất 80% các thiết bị Android được bán tại Nhật Bản. Ủy ban đã ra lệnh cho Google phải có luật sư và bên thứ ba giám sát các cải cách, các báo cáo tiến độ được nộp định kỳ cho cơ quan giám sát trong 5 năm.
Cơ quan giám sát của Nhật Bản cho biết, Google cũng đã ký hợp đồng với 4 nhà sản xuất và một nhà mạng viễn thông để chia sẻ một phần doanh thu quảng cáo để đổi lấy việc không cài đặt sẵn các ứng dụng từ các công ty đối thủ trên thiết bị của họ.
Vì các nhà sản xuất thường tránh cài đặt sẵn nhiều ứng dụng có chức năng tương tự trên một thiết bị nên cách thiết lập này đã khiến các dịch vụ tìm kiếm cạnh tranh, chẳng hạn như Bing của Microsoft hoặc Yahoo Nhật Bản, khó thâm nhập thị trường.
Ủy ban xác định rằng, thỏa thuận như vậy cấu thành "giao dịch theo các điều khoản hạn chế" bị cấm theo luật chống độc quyền của Nhật Bản.