Việc triển khai loạt chatbot AI mới nhất của Trung Quốc, còn gọi là DeepSeek, vào tháng 1/2025 đã thu hút sự chú ý lớn trên toàn cầu khi công ty tuyên bố rằng, mô hình này hoạt động ngang với ChatGPT của công ty OpenAI của Mỹ trong khi chi phí triển khai thấp hơn nhiều.
Nhưng các động thái hạn chế sử dụng DeepSeek đang ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia, khi chính phủ Nhật Bản kêu gọi thận trọng vì dữ liệu được hỗ trợ bởi AI, bao gồm thông tin cá nhân, được lưu trữ trên các máy chủ ở Trung Quốc và việc xử lý thông tin sẽ tuân theo luật pháp Trung Quốc.

Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tính theo sản lượng, cấm sử dụng DeepSeek và một quan chức phát biểu: "Chúng tôi lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin".
Mitsubishi Heavy, một công ty quốc phòng lớn của Nhật Bản, cũng không cho phép nhân viên sử dụng công cụ này cho mục đích làm việc.
Công ty viễn thông Nhật Bản SoftBank cho biết, họ hạn chế quyền truy cập vào DeepSeek từ bên trong công ty và cấm nhân viên tải xuống và sử dụng chatbot trên các thiết bị công việc của họ.
Quan chức của một nhà sản xuất vật liệu lớn cũng chặn việc sử dụng công nghệ này đã thừa nhận "rủi ro cao" và cho biết, mô hình này khác với các công nghệ AI tạo sinh khác mà công ty sử dụng…
Nhiều công ty Nhật Bản chỉ cho phép sử dụng một số dịch vụ AI cụ thể, chẳng hạn như các dịch vụ do các công ty Mỹ phát triển.
Chính phủ Trung Quốc đã chỉ trích các động thái hạn chế sử dụng DeepSeek của nhiều quốc gia, bác bỏ những tuyên bố về rủi ro rò rỉ dữ liệu của chính quyền nước này.
"Tôi xin nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc rất coi trọng quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu và bảo vệ quyền này theo luật pháp. Chúng tôi chưa bao giờ yêu cầu và sẽ không bao giờ yêu cầu bất kỳ công ty hoặc cá nhân nào thu thập hoặc lưu trữ dữ liệu trái pháp luật", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Quách Gia Khôn phát biểu tại một cuộc họp báo tuần trước.
Ông lưu ý rằng, Trung Quốc phản đối các động thái "mở rộng khái niệm an ninh quốc gia hoặc chính trị hóa các vấn đề thương mại và công nghệ. Chúng tôi sẽ bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc".
Mối lo ngại về rò rỉ dữ liệu liên quan đến DeepSeek vẫn tồn tại sau khi luật tình báo quốc gia của Trung Quốc có hiệu lực vào năm 2017, buộc các doanh nghiệp phải hợp tác với chính quyền quốc gia trong việc thu thập thông tin.