Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bệnh gút ăn đậu phộng được không?

(VOH) - Bệnh nhân gút cần rất cẩn trọng trong chế độ ăn. Đậu phộng là món ăn phổ biến, tưởng chừng như vô hại nhưng liệu bệnh gút ăn đậu phộng được không? Hãy cùng giải đáp ngay sau đây.

Bệnh gút xảy ra khi các tinh thể axit uric dư thừa tích tụ trong các khớp, đặc biệt là các khớp ở ngón chân, ngón tay, đầu gối, khuỷu tay và bàn chân. Tiêu thụ thực phẩm có nồng độ hợp chất purin cao có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh. 

benh-gut-an-dau-phong-duoc-khong-voh
Tinh thể axit uric lắng đọng trong khớp (Nguồn: Internet)

Các triệu chứng của bệnh gút sẽ được kiểm soát bằng thuốc chống viêm, nhưng các chuyên gia y tế đặc biệt khuyên nên áp dụng một chế độ ăn uống giàu chất chống oxy hóa, chất xơ, magie và ít hợp chất purin để phòng và giảm các triệu chứng của gout.

Các loại đậu, đặc biệt là đậu phộng là một trong những nguồn cung cấp purin ở mức trung bình, tốt cho những người bị bệnh gút.

1. Tại sao purin gây ra bệnh gút?

Purin là các hợp chất hóa học được tìm thấy trong nucleotide - phân tử cấu trúc của ADN và ARN trong tế bào. 

Khi cơ thể phá hủy các tế bào hoặc chúng bị hư hỏng, purin sẽ phân hủy thành axit uric - một chất thải đi qua thận và ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. 

Khi nồng độ axit uric lên quá cao, cơ thể không thể đào thải hết được, khiến cho nồng độ axit uric trong huyết thanh tăng lên. 

Ăn một lượng lớn thực phẩm chứa nhiều purin là một nguyên nhân làm tăng nồng độ axit uric. Các tình trạng khác, chẳng hạn như tăng sản xuất axit uric hoặc giảm khả năng đào thải của thận cũng có thể gây ra bệnh gút. 

Một người khỏe mạnh một ngày trung bình tiêu thụ 600 - 1000mg purin. Tuy nhiên, nhu cầu khuyến nghị cho người bị bệnh gút là từ 100 - 150 mg mỗi ngày.

Xem thêm: Tổng hợp những cách chữa bệnh gút đơn giản mà hiệu quả, nhiều người áp dụng

2. Đậu phộng trong chế độ ăn của người bệnh gút

Lượng purin trong thực phẩm được chia làm 3 mức độ:

  • Cao: 150 - 1000mg
  • Vừa: 50 - 150mg
  • Thấp: ít hơn 50mg 

Ăn đậu phộng và bơ đậu phộng thường xuyên với lượng nhỏ là nguồn cung cấp protein tốt cho những người bị bệnh gút, vì chỉ có khoảng 79mg purin trong 100g đậu phộng (lượng purin trong giới hạn vừa phải).

benh-gut-an-dau-phong-duoc-khong-1voh
Đậu phộng là nguồn protein tốt cho người bệnh gút (Nguồn: Internet)

Các loại hạt như đậu phộng cũng có thể có lợi cho những người bị bệnh gút vì chúng chứa các axit béo có đặc tính chống viêm.

Lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân gút là đậu phộng còn nguyên vỏ. Vỏ đậu phộng có chứa chất chống oxy hóa giúp cơ thể ngăn ngừa tác hại của các gốc tự do, phòng chống các bệnh lý mãn tính, trong đó có bệnh gút.

Xem thêm: Sự thật không ngờ về 10 loại thực phẩm dành cho người bệnh gout

3. Các thực phẩm có mức purin gần giống, có thể thay thế đậu phộng

Nếu bạn dị ứng hoặc đơn giản không thích mùi vị của đậu phộng thì có thể tham khảo các loại thực phẩm khác có chứa mức purin tương đương như: thịt gia cầm bỏ da, các loại cá, các loại đậu khác, bột yến mạch và các loại rau như rau bina, súp lơ, nấm, măng tâyđậu Hà Lan

Tốt nhất là tiêu thụ những thực phẩm này với lượng vừa phải - không quá 1/2 chén rau và 100-150mg thịt nạc hàng ngày. 

Mức purin thấp dưới 50 mg purin cho mỗi 100 gam được tìm thấy trong các loại thực phẩm như: trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, trứng, các sản phẩm từ sữa ít béo và hầu hết các loại rau. 

benh-gut-an-dau-phong-duoc-khong-2voh
Người bị gout nên tiêu thụ thực phẩm ít purin thay vì thực phẩm có nhiều chất này (Nguồn: Internet)

Ngoài các thực phẩm có hàm lượng purin trung bình như đậu phộng, những người bị bệnh gút nên tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như gạo lứt, yến mạch và lúa mạch. 

Ngoài ra, bệnh nhân gút cũng nên sử dụng các chất béo lành mạnh như dầu ô liu hoặc các dầu thực vật khác và uống ít nhất 6 cốc nước mỗi ngày.

4. Các thực phẩm cần tránh đối với bệnh nhân gút

Những người bị bệnh gút nên hạn chế nghiêm ngặt việc tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng purin trên 150mg trong 100g thực phẩm. Những thực phẩm này bao gồm: nội tạng, động vật có vỏ như trai hoặc sò điệp và một số loại cá như cá mòi, cá trích, cá thu và cá cơm. 

Người bị gút cũng nên tránh rượu, thuốc lá, đồ uống có ga được làm ngọt bằng đường, các sản phẩm như mì ống và bánh mì trắng có chứa bột mì tinh chế và các loại bánh nướng làm sẵn như bánh ngọt, bánh quy giòn, bánh quy và bánh rán. Những thực phẩm này thường có lượng lớn chất béo chuyển hóa.

Đậu phộng chứa một lượng purin ở mức trung bình bởi vậy nó hoàn toàn thân thiện với bệnh nhân gút. Ngoài chế độ ăn hạn chế purin, bệnh nhân gút cũng cần tránh các thực phẩm nhiều đường, bột mì tinh chế và chất béo chuyển hóa. Luôn uống một cốc nước trước và sau khi ăn để giúp thận thải các axit uric dư thừa qua đường nước tiểu. 

Bình luận