Tiêu điểm: Nhân Humanity

9 công dụng của bắp và bí quyết chọn trái bắp tươi ngon

(VOH) – Đâu ai ngờ rằng trái bắp (ngô) – nguyên liệu ẩm thực quen thuộc lại có nhiều lợi ích cho sức khỏe đến thế. Cùng tìm hiểu thêm về những công dụng của bắp ngay trong bài viết dưới đây nhé.

Không chỉ trong những năm tháng bao cấp mà cho tới nay, cùng với khoai lang, khoai mì hay bo bo, trái bắp vẫn luôn là một thực phẩm rất “được lòng” người Việt. Thế nhưng có lẽ không phải ai cũng hiểu rõ về nguồn gốc xuất xứ cũng như những lợi ích sức khỏe quý giá mà trái bắp mang lại.

1. Nguồn gốc và đặc điểm của trái bắp

Trái bắp hay còn được gọi là bắp, ngô hay bắp ngô, nằm trong danh sách các lương thực được canh trồng phổ biến nhất trên thế giới. Nhiều tài liệu ghi chép cho thấy bắp vốn “ra đời” ở miền Nam Mexico, thích hợp sinh trưởng trong thời tiết ôn hòa, không quá nóng hay quá lạnh giá.

9-cong-dung-cua-bap-va-bi-quyet-chon-trai-bap-tuoi-ngon-voh-0

Trái bắp (ngô) vốn có nguồn gốc từ Nam Mexico (Nguồn: Internet)

Thân cây bắp gần giống với thân cây tre và các khớp nối có khoảng cách 20 - 30cm, thân cây thẳng và chiều cao khoảng 2- 3m. Thông thường 1 quả bắp có chiều dài 50 - 100cm và chiều rộng khoảng 5 - 10cm. Quả bắp có thể ăn sống khi còn non, nhưng khi trưởng thành bắp sẽ trở nên cứng hơn nên cần chế biến chín trước khi ăn.

2. Công dụng của bắp với sức khỏe

Hạt bắp ngọt thơm, tuy có kích thước nhỏ bé nhưng lại mang tới đa dạng các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, kể đến như chất xơ, khoáng chất kali, magie hay nhóm vitamin C, vitamin B. Vì vậy nếu sử dụng trái bắp với hàm lượng an toàn và đúng khoa học, bạn sẽ nhận được những lợi ích tuyệt vời này:

2.1. Hỗ trợ hệ tiêu hóa

Một trong những công dụng của bắp là giúp cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh vì bắp rất giàu chất xơ, gồm cả chất xơ hòa tan và không hòa tan. Dưỡng chất này sẽ góp phần kích thích sản sinh vi khuẩn có lợi trong ruột già và đổi lại, vi khuẩn giúp biến chất xơ thành chuỗi axit béo ngắn. (1)

Xem thêm: Đảm nhiệm 6 vai trò quan trọng này nên chất xơ không thể ‘vắng mặt’ trong khẩu phần ăn của bạn

2.2 Ngăn ngừa táo bón

Nhờ cung cấp lượng chất xơ dồi dào, công dụng của bắp còn được nhắc tới là giúp giảm thiểu tỉ lệ mắc phải táo bón hay bệnh trĩ. Chất xơ sẽ thúc đẩy làm mềm phân, đảm bảo quá trình bài tiết chất thải diễn ra “trơn tru”. (2)

2.3 Phòng chống ung thư

Trái bắp có chứa rất nhiều chất beta-crytoxanthin, một loại carotenid có tác dụng chống oxi hóa, giúp ngăn ngừa sự tấn công của gốc tự do. Từ đây sẽ bảo vệ các tế bào không bị tổn thương, giảm tỉ lệ mắc các bệnh ung thư nguy hiểm. (3)

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

2.4 Cải thiện trí nhớ

Vitamin B1 được tìm thấy khá nhiều trong bắp, loại vitamin này có khả năng giúp cải thiện tình trạng đầu óc mệt mỏi và suy giảm trí nhớ. Theo đó, một chén bắp có thể đáp ứng được khoảng 24% lượng vitamin B1 mà cơ thể cần mỗi ngày. (4)

9-cong-dung-cua-bap-va-bi-quyet-chon-trai-bap-tuoi-ngon-voh-1
Vitamin B1 trong bắp rất tốt cho não bộ, giúp cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ (Nguồn: Internet)

2.5 Công dụng của bắp giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch 

Các chất xơ hòa tan trong bắp liên kết với cholesterol trong mật, được bài tiết từ gan, sau đó lan truyền đi khắp nơi trong cơ thể để hấp thụ tiếp cholesterol có hại.

Ngoài ra, lượng vitamin B trong bắp cũng giúp làm giảm homocysteine (nếu homocysteine tăng cao có thể phá hủy các mao mạch, từ đó dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ). Vì vậy, bắp được đánh giá là thực phẩm tốt cho tim mạch. (5)

Xem thêm: Mách bạn ăn thêm 15 thực phẩm này để có một trái tim khỏe mạnh

2.6 Tăng cường sức khỏe mắt 

Bắp có chứa nhóm hai nhóm chất lutein và zeaxanthin – thành tố có tác động tích cực tới quá trình hình thành điểm vàng ở võng mạc. Do đó, tác dụng của trái bắp có thể bảo vệ mắt, phòng tránh thoái hóa điểm vàng, làm sáng mắt, tăng cường thị lực. (6)

2.7 Hỗ trợ giảm cân

Bắp có chứa ít chất béo nên khả năng tích trữ mỡ trong cơ thể bạn sẽ được hạn chế. Ăn bắp với một lượng vừa phải sẽ giúp lấp đầy ống tiêu hóa, giảm sự thèm ăn ở cơ thể và ngăn ngừa cảm giác đói.

Xem thêm: Ăn bắp có mập không? Bạn nhất định nên biết 5 lưu ý này khi ăn bắp để cải thiện cả vóc dáng và sức khỏe

2.8 Giảm tình trạng thiếu máu

Bắp bổ sung các vi chất dinh dưỡng như vitamin B12, vitamin B9 (axit folic) và sắt hỗ trợ việc sản sinh các tế bào hồng cầu trong cơ thể, giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh thiếu máu.

2.9 Tốt cho người tiểu đường

Theo nhiều nghiên cứu, trái bắp là thực phẩm lành mạnh mà người bệnh tiểu đường có thể sử dụng với liều lượng hợp lý dưới chỉ định của bác sĩ. Trong một cuộc thử nghiệm ở 40.000 người cho thấy, những phụ nữ thường xuyên ăn ngô giảm được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hơn 30% so với những người không ăn hoặc ăn ít. (7)

Chất xơ cũng giúp làm chậm quá trình chuyển hóa thức ăn thành đường, từ đó giúp hạ thấp nồng độ đường trong máu. Tuy nhiên cần lưu ý ăn kết hợp bắp với thực phẩm khác vì nếu chỉ ăn riêng, nồng độ này cũng có thể tăng nhanh. 

9-cong-dung-cua-bap-va-bi-quyet-chon-trai-bap-tuoi-ngon-voh-2
Người bệnh tiểu đường có thể ăn bắp với lượng vừa phải và tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng (Nguồn: Internet)

3. Bà bầu ăn ngô có tốt không?

Đôi khi “ngán cơm” và muốn đổi vị cho thực đơn dưỡng thai, mẹ bầu có thể thêm bắp hay các món ngon từ trái bắp vào khẩu phần ăn. Bởi các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng khi mang thai các mẹ hoàn toàn có thể ăn ngô để hấp thu thêm dưỡng chất và chủ động cải thiện một số vấn đề sức khỏe như:

  • Táo bón thai kì
  • Giảm chứng mờ mắt khi mang thai
  • Ngăn ngừa tăng huyết áp thai kì
  • Phòng chống dị tật bẩm sinh ở thai nhi

Xem thêm: Bà bầu ăn ngô – Tưởng không bổ nhưng lại mang đến lợi ích bất ngờ!

4. Kinh nghiệm chọn trái bắp và cách luộc bắp ngon

Để thưởng thức được những trái bắp thơm ngọt, dẻo mềm, hãy “bỏ túi” vài mẹo nhỏ dưới đây khi chọn mua và luộc bắp nhé.

4.1 Cách chọn trái bắp tươi ngon

Giống như lựa chọn một loại trái cây, chọn mua một trái bắp cũng cần đảm bảo độ tươi ngon và giàu chất dinh dưỡng nhất. Một số chia sẻ dưới đây giúp bạn có thêm kinh nghiệm lựa chọn một trái đạt tiêu chuẩn:

  • Chọn những trái tươi, lớp vỏ ngoài màu xanh chưa bị khô, râu bắp vẫn còn độ mềm mượt, cuống không được thâm hay héo. Nên chọn bắp lớp vỏ ngoài phải ôm chặt lấy thân.
  • Hạt phải mẩy, đều, bóng và thẳng tắp.
  • Không nên chọn bắp quá to, nên chọn những bắp thon dài vừa phải.
  • Không chọn non quá, không có độ dẻo, cũng không chọn ngô già quá, bấm tay vào bắp, thấy mềm, vừa chảy sữa là được. 

Xem thêm: Râu ngô (râu bắp): Loại ‘thuốc bổ’ rẻ tiền, dễ tìm, không thể bỏ qua

4.2 Hướng dẫn cách luộc bắp ngon

Luộc hay hấp ngô có lẽ là cách đơn giản nhất mà chúng ta thường hay áp dụng để làm chín bắp. Song để luộc bắp ngon cũng cần biết những “bí kíp” nhỏ dưới đây đấy:

  • Bóc bớt phần vỏ ngô bên ngoài, chỉ giữ lại 1 lớp mỏng trong cùng.
  • Không nên bỏ phần râu ngô mà hãy rửa sạch rồi xếp ở đáy nồi, tiếp đến là xếp ngô lên trên. Cho lượng nước xâm xấp mặt bắp. Chú ý nên dùng nước lạnh thay vì nước nóng để giữ được độ ngọt của bắp.
  • Thêm một xíu muối vào nước, khuấy tan đều và luộc bắp trong khoảng 20 – 25 phút.

5. Gợi ý một số món ngon từ bắp

Bắp vừa được coi là một loại rau, một loại ngũ cốc nguyên hạt và thậm chí nó cũng giống như một loại trái cây. Vì lẽ đó, bên cạnh hấp hay luộc ngô, bạn có thể “biến tấu” khá nhiều món ngon từ bắp đấy nhé.

9-cong-dung-cua-bap-va-bi-quyet-chon-trai-bap-tuoi-ngon-voh-3
Bên cạnh luộc hay hấp, bắp có thể làm nguyên liệu của khá nhiều món ngon (Nguồn: Internet)

Tham khảo những gợi ý dưới đây và “xắn tay” vào bếp chế biến nhé:

  • Sữa bắp
  • Xôi bắp
  • Chè bắp
  • Salad bắp cà chua bi, dưa leo
  • Súp bắp gà
  • Ram bắp

Xem thêm: ‘Bật mí’ 9 món ngon từ bắp cực dễ làm, thử rồi ai cũng thích

6. Ăn nhiều bắp có tốt không?

Dù công dụng của bắp tốt cho sức khỏe, và cũng là một loại thực phẩm dễ ăn, được nhiều người yêu thích, tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe luôn khuyến cáo rằng ăn nhiều bắp hoàn toàn không tốt cho sức khỏe.

Tiếp nạp một lượng lớn trái bắp trong khẩu phần ăn có thể để lại những tác dụng phụ khá nghiêm trọng như đầy bụng khó tiêu, tổn thương niêm mạc dạ dày, béo phì hay làm hư tổn làn da.

Xem thêm: 'Nhắc bạn' 6 mối nguy với sức khỏe khi ăn quá nhiều trái bắp để chủ động phòng tránh

7. Hàm lượng dinh dưỡng của bắp

Trong khoảng 160 gam bắp có thể chứa một số thành phần chất dinh dưỡng sau:

  • Calo: 177
  • Carb: 41g
  • Chất đạm: 5.4g
  • Chất béo: 2.1g
  • Chất xơ: 4.6g
  • Vitamin C: 17% giá trị hàng ngày
  • Vitamin B1: 24% giá trị hàng ngày 
  • Vitamin B9: 19% giá trị hàng ngày
  • Magiê: 11% giá trị hàng ngày
  • Kali: 10% giá trị hàng ngày 

Hương vị thơm ngon của bắp có thể sẽ "cuốn hút" bạn nhưng nhớ lựa chọn ăn kèm cùng các thực phẩm khác, tránh tình trạng để cơ thể dư thừa các chất không tốt cho sức khỏe. Mặc dù công dụng của bắp rất tốt cho sức khỏe nhưng việc lạm dụng quá mức cũng gây tác dụng ngược, vì thế hãy sử dụng đúng cách và cân bằng chế độ dinh dưỡng.

Bình luận