Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tác hại của chè vằng cần tránh và lưu ý dùng an toàn nên biết

(VOH) – Từ lâu chè vằng đã trở thành cây lá thuốc nổi tiếng với công dụng cải thiện sức khỏe. Song đôi khi nhiều người trong chúng ta thường lạm dụng quá mức dẫn tới mắc phải các tác hại của chè vằng.

Chè vằng được tìm thấy nhiều ở khu vực miền Trung nước ta, dùng dưới dạng lá tươi, lá phơi khô để hãm trà hoặc chưng cất thành cao chè vằng rồi sắc nước uống, nhằm hỗ trợ lưu thông khí huyết, giảm mỡ máu, điều hòa kinh nguyệt,....

Tuy nhiên cần lưu ý rằng dù sử dụng theo hình thức nào, nếu không cân chỉnh hàm lượng phù hợp, an toàn thì những tác dụng phụ của chè vằng vẫn có thể xảy ra.

1. Một số tác hại của chè vằng cần phòng tránh

Nhiều nghiên cứu dinh dưỡng đều nhận thấy rằng chè vằng không chứa độc tính gây nguy hiểm tới sức khỏe và phần lớn tỉ lệ mắc những tác hại của chè vằng sẽ tăng cao do sử dụng sai cách với liều lượng quá lớn.

Theo khuyến cáo, mỗi ngày chỉ nên sử dụng tối đa 30g lá chè vằng là tốt nhất, nhằm chủ động phòng tránh một số rủi ro sức khỏe dưới đây:

1.1 Hạ huyết áp quá mức

Chè vằng vốn được đánh giá là thực phẩm khá lành mạnh dành cho các đối tượng đang điều trị bệnh lý cao huyết áp. Tuy nhiên không vì vậy mà lạm dụng quá nhiều bởi dùng chè vằng kết hợp cùng thuốc hạ huyết áp có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, làm huyết áp hạ thấp dưới mức an toàn, khiến bạn thường bị hoa mắt chóng mặt.

tac-hai-cua-che-vang-can-tranh-va-luu-y-dung-an-toan-nen-biet-voh-0
Không nên uống quá nhiều chè vằng trong thời gian ngắn, nhằm tránh hạ huyết áp quá mức (Nguồn: Internet)

1.2 Gây quá tải cho thận

Trong Đông y, chè vằng thuộc nhóm dược liệu có tính mát, giúp thanh nhiệt và lợi tiểu. Thế nhưng uống nước chè vằng liên tục với lượng lớn thường không được khuyến khích, bởi khi đó tần suất đi tiểu trong ngày của bạn sẽ tăng lên (nhiều hơn 8 lần một ngày), vô tình gây quá tải cho thận và làm nhu mô thận sưng phồng.

Xem thêm: Mách bạn 4 cách giúp duy trì sức khỏe thận lâu dài

1.3 Hao hụt dưỡng chất cần thiết

Tiếp nạp lượng lớn nước chè vằng trong thời gian ngắn có thể là yếu tố khiến cơ thể bạn thiếu hụt đi các dưỡng chất thiết yếu. Theo đó, lúc này hoạt động bài tiết nước tiểu diễn ra liên tục sẽ đào thải lượng lớn khoáng chất, gây mất cân bằng nồng độ chất điện giải và giảm thể tích dịch trong cơ thể.

1.4 Rối loạn nhu động ruột

Một trong những tác hại của chè vằng khi sử dụng sai cách mà bạn cần cẩn trọng đó là tiềm ẩn nguy cơ làm rối loạn nhu động ruột, ảnh hưởng tới hoạt động của hệ tiêu hóa, dễ gây táo bón.

Xem thêm: Áp dụng cách này, chứng táo bón sẽ tự ‘rời xa’ bạn ngay mà không cần phải ‘đuổi’

2. Uống cao chè vằng nhiều có tốt không?

Cao chè vằng là một chế phẩm được tách chiết và cô đặc trực tiếp từ phần thân hoặc lá chè vằng tươi nên thường lưu giữ dưỡng chất tốt hơn lá chè vằng khô. Song cần chú ý rằng uống cao chè vằng nhiều, thường xuyên và quá lạm dụng hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Lời khuyên là bạn chỉ nên dùng khoảng 3 – 5g cao chè vằng (1 – 2 miếng mỏng nhỏ) để đun nước uống.

tac-hai-cua-che-vang-can-tranh-va-luu-y-dung-an-toan-nen-biet-voh-1
Cao chè vằng rất tốt nhưng không nên dùng quá nhiều (Nguồn: Internet)

3. Những lưu ý cần biết khi sử dụng chè vằng

Để tận dụng hiệu quả các công dụng của chè vằng cũng như hạn chế những tác động xấu tới sức khỏe, đừng quên thực hiện một số lưu ý sau:

3.1 Phân biệt chè vằng và lá ngón

Chúng ta biết rằng lá ngón là một loại lá có độc tính vô cùng mạnh, thậm chí có thể gây chết người. Đặc biệt, lá ngón lại có hình dáng bên ngoài khá giống với chè vằng nên trong quá trình thu hái rất dễ nhầm lẫn. Do vậy, bạn hãy lựa chọn và tìm mua từ các cơ sở uy tín, đảm bảo cung cấp đúng chè vằng.

Đặc điểm

Chè vằng

Lá ngón

Thân

 

Cây nhỏ dạng bụi,

Màu sắc toàn cây nhạt xỉu.

Cây leo, thân cành mập,

Màu sắc cây sẫm bóng.

 

Lá có 3 gân dọc trong đó 2 gân bên uốn cong theo mép lá, rõ rệt.

Xanh nhẵn bóng, mép lá nguyên, dài 7–12 cm.

Hoa

Màu trắng,

Có mười cánh hoa.

Màu vàng,

Mọc thành chùm, phân nhánh nhiều lần (từ 2 đến 3 lần).

Quả

Hình cầu cỡ hạt ngô,

Chín màu vàng, có một hạt rắn chắc

Hình trụ (khoảng 0,5x1cm),

Khi chín tự mở, nhiều hạt (tới 40 hạt), nhỏ, hình thận, có diềm mỏng, phát tán theo gió.

3.2 Không thay thế nước lọc

Nếu bạn có thói quen uống nước chè vằng thay thế hoàn toàn cho nước lọc thông thường thì cần nhanh chóng thay đổi ngay. Tốt nhất chỉ nên uống xen kẽ, tối đa khoảng 200 – 250ml nước chè vằng (còn ấm nóng, không dùng khi lạnh) trong một ngày.

Xem thêm: Học cách uống nước đúng và đủ theo khoa học mỗi ngày

3.3 Hạn chế dùng trong thai kì

Phụ nữ sau sinh có thể uống nước chè vằng lợi sữa nhưng khi muốn dùng trong thai kì, các mẹ bầu phải thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

3.4 Không cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi dùng

Dù có tính mát và giúp giải nhiệt hữu hiệu, song chè vằng không phải là thực phẩm phù hợp với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi nên cha mẹ đừng vội thêm vào chế độ ăn uống của các con nhé.

Chè vằng vốn là dược liệu lành tính nên bạn hãy nhớ áp dụng các lưu ý dùng đúng cách, an toàn trên đây để giữ an toàn sức khỏe và  không “bỏ phí” nhiều lợi ích tuyệt vời nhé.

Bình luận