Tiêu điểm: Nhân Humanity

Các tác hại của hoa đậu biếc và cách uống an toàn

(VOH) – Hoa đậu biếc chứa nhiều công dụng như giúp giảm cân, trị mất ngủ... Thế nhưng, bên cạnh lợi ích, hoa đậu biếc cũng có hại và các tác hại của hoa đậu biếc thường xảy ra khi bạn dùng sai cách.

Hoa đậu biếc có màu sắc đẹp mắt và có tác dụng rất tốt cho sức khỏe như giúp an thần dễ ngủ, giải độc cơ thể, giảm cân, ngừa bệnh tiểu đường, tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa, làn da... Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bạn chỉ nên sử dụng hoa đậu biếc như một loại trà thảo dược thơm ngon hơn là một phương thuốc chữa bệnh.

1. Tác hại của hoa đậu biếc là gì?

Theo các ghi chép trong Y học cổ truyền, trong cây đậu biếc có chứa một lượng nhỏ độc tố, chúng được tìm thấy ở phần rễ và hạt. Chất độc này thường được dùng để điều chế các loại thuốc trị côn trùng hay rắn cắn, thuốc xổ và thuốc tẩy.

nhung-tac-hai-cua-hoa-dau-biec-it-nguoi-biet-voh-0
Hoa đậu biếc thường được dùng để tạo màu thực phẩm và dược liệu chữa bệnh (Nguồn: Internet)

Hoa đậu biếc chủ yếu được sử dụng để tạo màu thực phẩm và dược liệu chữa bệnh. Tuy nhiên, trong hoa đậu biếc lại chứa lượng lớn chất anthocyanin, đây là chất có tác dụng tăng cường lưu thông máu trong cơ thể nhưng chúng cũng có thể kích thích tử cung co bóp mạnh.

Do đó, nhiều nghiên cứu ghi nhận, tác dụng của hoa đậu biếc rất tốt nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng loài hoa này. Dưới đây là những tác hại của hoa đậu biếc đối với một số đối tượng nhất định.

1.2 Phụ nữ mang thai

Do trong hoa đậu biếc có chất anthocyanin có thể làm co bóp tử cung nên phụ nữ mang thai cần hạn chế sử dụng.

Trong trường hợp muốn dùng hoa đậu biếc tươi hoặc hoa đậu biếc khô để chế biến món ăn hay pha trà uống, mẹ bầu nên kiểm tra thật kỹ xem bông hoa có còn dính hạt hay không. Đồng thời lượng hoa đậu biếc bà bầu dùng không nên vượt quá 4 bông/lần và không sử dụng thường xuyên.

1.2 Đối với trẻ em và trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng cần hạn chế dùng hoa đậu biếc. Đặc biệt với các bé hệ tiêu hóa kém, ăn các món hoặc thức uống có hoa đậu biếc sẽ rất dễ bị tiêu chảy, buồn nôn. Có nhiều chất trong hoa đậu biếc mà cơ thể trẻ nhỏ chưa thể hấp thụ được, từ đó dễ sinh ra phản ứng phụ.

nhung-tac-hai-cua-hoa-dau-biec-it-nguoi-biet-voh-1
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên hạn chế sử dụng hoa đậu biếc (Nguồn: Internet)

Nếu gia đình có trồng hoa đậu biếc, cha mẹ nên chú ý rào cây lại hoặc tạo khoảng cách an toàn đối với bé. Tránh trường hợp con nghịch ngợm, tự ý bứt hoa và hạt cây đậu biếc để ăn, sẽ cực kỳ nguy hiểm. Ngoài ra, cha mẹ tuyệt đối không cho bé chơi với hạt và hoa đậu biếc.

1.3 Đối với người lớn

Với các trường hợp chuẩn bị phẫu thuật hoặc đang uống thuốc chống đông máu nên hạn chế dùng hoa đậu biếc. Tác hại của hoa đậu biếc khi sử dụng sai cách sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn, dễ gặp các triệu chứng buồn nôn thường xuyên.

Ngoài ra, những ai có tiền sử huyết áp thấp và đường huyết thấp cũng không nên dùng nhiều hoa đậu biếc. Trong hoa đậu biếc có các thành phần làm hạ huyết áp và giảm đường huyết, vì thế những đối tượng này khi sử dụng sẽ dễ gặp phải tình trạng choáng và chóng mặt, buồn nôn.

2. Những sai lầm khiến hoa đậu biếc “phản tác dụng”

Hoa đậu biếc thường dùng cho việc tạo màu món ăn hoặc chế biến thành trà hoa đậu biếc để uống nhằm bồi bổ sức khỏe. Thế nhưng, một số người thường pha trà sai cách hoặc uống sai liều lượng, từ đó là phát sinh những tác dụng phụ của hoa.

Một số sai lầm thường gặp nhất khiến hoa đậu biếc “phản tác dụng” là:

2.1 Pha trà hoa đậu biếc bằng nước quá nóng

Nhiều người nghĩ rằng dùng nước càng nóng để pha trà hoa đậu biếc sẽ càng thơm ngon, nhưng sự thật là nếu bạn dùng nước quá nóng để pha sẽ làm ảnh hưởng đến hương vị của trà và chất lượng của hoa đậu biếc. Hơn nữa, uống nước trà nóng còn ảnh hưởng đến thực quản, hệ tiêu hóa và cả răng lợi.

Vì thế, nhiệt độ thích hợp nhất để pha trà hoa đậu biếc là khoảng 75 độ C, tức là nước đun sôi để nguội khoảng 10 phút.

2.2 Uống nhiều hoa đậu biếc có tốt không ?

Trong trà hoa đậu biếc có chứa caffeine vì thế bạn không nên uống chúng quá nhiều. Uống trà hoa đậu biếc quá nhiều có thể khiến bạn cảm thấy bồn chồn, lo lắng, khó tiêu, tăng nhịp tim, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

nhung-tac-hai-cua-hoa-dau-biec-it-nguoi-biet-voh-2
Không lạm dụng uống trà hoa đậu biếc quá nhiều (Nguồn: Internet)

Lượng trà tiêu thụ mỗi ngày chỉ từ 1 – 2 tách là hợp lý và nên được pha vừa phải, không nên tham pha nhiều.

2.3 Sử dụng hoa đậu biếc cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ

Bà bầu và trẻ sơ sinh là đối tượng được khuyến cáo không nên dùng hoa đậu biếc, vì trong hạt của loài hoa này có chứa anthocyanin – một hợp chất có khả năng làm tử cung co bóp dữ dội, dễ dẫn đến sảy thai, sinh non...

Ngoài ra, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa còn khá non yếu, chưa hoàn thiện nên không phù hợp để sử dụng loại hoa này.

2.4 Thần thánh hóa công dụng của hoa đậu biếc

Nhiều người tin rằng, sử dụng hoa đậu có thể tiêu trừ triệt để ung thư, tim mạch, bệnh tiểu đường... nên chỉ sử dụng duy nhất hoa đậu biếc như một loại thuốc chữa bệnh và từ chối phác đồ điều trị của bác sĩ. Từ đó, khiến bệnh thêm nặng, cơ thể dễ suy kiệt do không được điều trị bệnh trong thời điểm vàng.

Xem thêm: Ở nhà tầm này sao bạn không thử trổ tài với những loại  thức uống, món ăn từ hoa đậu biếc!

3. Cách uống hoa đậu biếc đúng cách, an toàn.

Để tránh các tác hại của hoa đậu biếc mang lại cho sức khỏe thì chuyên gia khuyên mỗi lần dùng hoa đậu biếc để nấu ăn chỉ nên dùng 5 - 10 bông. Người khỏe mạnh cũng chỉ nên uống 1 - 2 ly trà hoa đậu biếc trong ngày (khoảng 5 - 10 bông, tương đương 1 - 2g hoa khô).

Nhiều người thường thắc mắc liệu nên uống hoa đậu biếc vào lúc nào thì thích hợp nhất? Thời điểm uống hoa đậu biếc tốt nhất là từ 15h - 17h giờ chiều hoặc trước khi đi ngủ tầm 30 phút, lúc này sẽ phát huy tối đa tác dụng của hoa đậu biếc mang lại cho cơ thể.

Ngoài ra, trong hoa đậu biếc có chứa các chất như flavonoid, antioxidants và anthocyanin. Nếu bạn bị dị ứng với một trong số các hoạt chất này thì không nên ăn hoặc uống các các thực phẩm được chế biến từ hoa đậu biếc.

Nếu muốn dùng hoa đậu biếc để làm mặt nạ dưỡng da bạn cũng cần phải hết sức cẩn thận. Đặc biệt, với những người có da nhạy cảm thì tốt nhất nên thử nghiền một chút hoa đậu biếc với nước, sau đó thoa lên cổ hoặc tay để kiểm tra. Nếu xảy ra hiện tượng ngứa rát, mẩn đỏ hoặc phát ban thì không nên sử dụng cho da mặt.

Ngoài ra, nên tìm tới những cơ sở nhà thuốc uy tín để mua được hoa đậu biếc chất lượng tốt cũng như nhận được tư vấn về cách dùng đúng và an toàn.

Như vậy, hoa đậu biếc là loài hoa đẹp, chứa nhiều công dụng hữu ích nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những tác hại không mong muốn. Tuy nhiên, nếu thận trọng trong việc sử dụng và cách dùng thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng loại hoa này như một loại trà thảo dược hay một nguyên liệu giúp “nhuộm màu” món ăn mà không bị các tác hại của hoa đậu biếc mang lại cho sức khỏe.

Bình luận