Tiêu điểm: Nhân Humanity

“Áp lực nghiền nát” ngành công nghiệp giao hàng ở Trung Quốc

TRUNG QUỐC - Hàng triệu shipper Trung Quốc đang đối mặt với khủng hoảng chưa từng có khi nền kinh tế suy giảm, thu nhập giảm sút và áp lực công việc ngày càng tăng.

Ngành công nghiệp giao đồ ăn trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, vốn từng là nguồn thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động thời vụ, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Những sự cố gần đây cho thấy tình trạng bất ổn đang gia tăng trong lực lượng shipper - xương sống của hệ thống giao hàng lớn nhất thế giới về doanh thu và khối lượng đơn hàng.

Một loạt các vụ việc đáng chú ý đã xảy ra: Một shipper đập nát điện thoại vì bị đánh giá 1 sao, một người khác quỳ gối xin lỗi cảnh sát rồi gào thét chạy qua đường và hàng trăm tài xế biểu tình đòi công lý cho đồng nghiệp bị bắt quỳ. Những sự kiện này phản ánh áp lực ngày càng tăng mà shipper Trung Quốc đang phải gánh chịu.

181024_Trung_Quốc_1
Shipper giao đồ ăn tại Trung Quốc đã bùng nổ về số lượng trong ít năm qua, làm việc bất chấp điều kiện giao thông và thời tiết - Ảnh: Internet

Khủng hoảng của shipper

Khoảng 12 triệu shipper tạo nên xương sống của mạng lưới giao đồ ăn rộng lớn của Trung Quốc, bắt đầu phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của ứng dụng Ele.me vào năm 2009, hiện thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Alibaba (BABA).

Những người giao hàng đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cuộc sống của cộng đồng trong thời kỳ đại dịch, khi người dân bị cấm ra khỏi nhà theo lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Giờ đây, shipper đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của đất nước tỷ dân.

Thị trường giao đồ ăn đạt 214 tỷ USD vào năm 2023 gấp 2,3 lần so với năm 2020, theo ước tính của iiMedia Research. Ngành công nghiệp này dự kiến đạt 280 tỷ USD vào năm 2030. Morningstar cho biết Trung Quốc có thị trường giao đồ ăn mang về lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn với hàng loạt khó khăn, từ cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài đến tình trạng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, những người giao hàng cũng chịu nhiều tổn thất.

Những thách thức đó trở nên rõ ràng hơn vào ngày 18/10, khi Cục Thống kê Quốc gia công bố nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại trong quý 3, với tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 4,6%.

181024_Trung_Quốc_2
Nhiều tài xế phải giao hàng nhiều hơn, nhanh hơn nhưng nhận thu nhập thấp hơn trước - Ảnh: Internet

Nền kinh tế chững lại đồng nghĩa với khách hàng sẽ gọi những bữa ăn rẻ hơn, làm giảm thu nhập của shipper vì hầu hết đều nhận tiền hoa hồng theo giá trị đơn hàng. Tài xế buộc phải làm việc nhiều giờ hơn để duy trì thu nhập.

Ngoài ra, sự thống trị của hai nền tảng giao đồ ăn lớn cho phép họ áp đặt các điều khoản hợp đồng, khiến người lao động không có nhiều khả năng phản đối điều kiện làm việc ngày càng xấu đi.

Để đáp ứng thời gian giao hàng ngày càng bị rút ngắn, shipper liên tục chịu áp lực lớn, nhiều khi bất chấp băng qua đường bằng cách phóng nhanh hoặc vượt đèn đỏ, gây ra mối nguy hiểm cho bản thân và những người khác.

"Họ muốn tôi chết sao?"

Tài xế đã đập vỡ điện thoại của mình khẳng định trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc rằng đánh giá tiêu cực của khách hàng nhắm vào anh ta là vô căn cứ. Nhưng anh vẫn bị nền tảng phạt bằng cách siết số đơn, khiến thu nhập của anh giảm xuống.

Chuyên gia kinh tế cho biết mặc dù thực phẩm là sản phẩm thiết yếu nhưng nền kinh tế suy thoái khiến khách hàng chi ít tiền hơn cho dịch vụ giao đồ ăn, các nhà hàng cũng phải giảm giá để thu hút khách.

Từ đó, thu nhập của nhân viên giao hàng cũng giảm vì tiền lương của họ thường được gắn với hoa hồng dựa trên giá của đơn hàng. Khi khách hàng không rủng rỉnh như trước, họ cũng ít đưa tiền tip hơn.

Trong khi đó, nền kinh tế chững lại dẫn đến ít việc làm hơn, đẩy sự cạnh tranh trở nên khốc liệt. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng vọt lên 18,8% vào tháng 8, mức cao nhất kể từ phương pháp thống kê được thay đổi vào năm ngoái để loại trừ sinh viên.

Hậu quả của thực trạng trên đã được chứng minh là rất nghiêm trọng. Theo hãng tin nhà nước Global Times, năm 2019, một shipper đã tử vong vì bị cây đổ vào người do gió bão ở Bắc Kinh. Tuần trước (ngày 9/10), Đài Phát thanh Trùng Khánh đã phát đoạn phim ghi lại cảnh một shipper đâm vào một chiếc ô tô tại ngã tư ở tỉnh Hồ Nam (miền Nam Trung Quốc) sau khi vượt đèn đỏ.

Bình luận