Tiêu điểm: Nhân Humanity

Australia đưa ra lý do muốn cấm trẻ em dùng mạng xã hội

ÚC - Sau một loạt vụ đau lòng liên quan đến học sinh, chính phủ Australia quyết định ra luật chưa từng có nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những mối nguy trên không gian mạng.

Khi tham gia một buổi thảo luận với các học sinh 12 - 13 tuổi tại một trường trung học ở Australia, Kirra Pendergast, một chuyên gia giáo dục về an toàn trên mạng đã chứng kiến những điều vô cùng sốc về ảnh hưởng của mạng xã hội.

Chỉ trong vài phút đầu tiên của buổi thuyết trình, một nhóm nam sinh bắt đầu đưa ra những bình luận xúc phạm nhằm vào hình ảnh một cô gái.

Những lời lẽ miệt thị mang đậm dấu ấn của các nội dung độc hại trên mạng xã hội khiến Kirra Pendergast không khỏi bàng hoàng.

Khi giáo viên cố gắng can thiệp, một nữ sinh khác lại tiếp tục bằng những lời lẽ tục tĩu, buộc Pendergast phải rời khỏi lớp học trong nước mắt. Trải nghiệm này đã khiến chuyên gia nhận thức sâu sắc về mức độ ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đối với thế hệ trẻ.

26112024_mxh_1
Một số ứng dụng mạng xã hội phổ biến - Ảnh: AFP

Pendergast nhận ra rằng những gì các em xem trên mạng đã ăn sâu vào suy nghĩ và hành vi, biến những đứa trẻ vốn trong sáng trở nên hung dữ và vô cảm.

Trước đây, Pendergast là người phản đối việc cấm trẻ em sử dụng mạng xã hội. Nhưng giờ đây, sau những gì mình chứng kiến đã hoàn toàn thay đổi quan điểm.

"Tôi không thể tin rằng mình phải khóc như vậy. Tôi tin rằng hành vi của các học sinh mà tôi chứng kiến hôm nay hoàn toàn là do những thứ chúng xem trên mạng. Tôi biết rằng đã đến lúc phải thay đổi" Pendergast nói.

Chính phủ Australia vừa công bố một dự luật chưa từng có là cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Nếu luật được thông qua thì mức phạt lên tới gần 32 triệu USD cho các nền tảng nếu không thực hiện các biện pháp ngăn chặn.

Quyết định này xuất phát từ những câu chuyện xót xa về hậu quả của việc quấy nhiễu trực tuyến. Điển hình là trường hợp của Charlotte O'Brien, một nữ sinh 12 tuổi đã tự kết liễu đời mình sau khi bị bắt nạt trên Snapchat vào tháng 9.

Kiến nghị của gia đình cô bé sau đó đã nhận được 124.000 chữ ký ủng hộ, đây là con số lớn nhất trên thế giới về chủ đề này.

Một trường hợp khác có cùng cảnh ngộ với Charlotte là Ella Catley – Crawford đã bị các bạn học đóng giả người lạ tán tỉnh trên Snapchat, sau đó phát tán video nhạy cảm của cô bé lên mạng xã hội

Các chuyên gia tâm lý và giáo dục đều lo ngại về tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với trẻ em. Nhà tâm lý học Danielle Einstein thừa nhận "Các thầy cô giáo đang chịu rất nhiều áp lực. Thực tế là văn hóa đã bị mạng xã hội làm suy yếu."

Tuy nhiên, dự luật không phải không gặp phải những ý kiến trái chiều. Hơn 140 chuyên gia đã gửi thư ngỏ tới chính phủ, cho rằng đây là một phản ứng vội vàng và thiếu sắc bén. Một ủy ban điều tra mạng xã hội của Australia thậm chí khuyến nghị nên quản lý, chứ không phải cấm hoàn toàn.

Nikita White từ Tổ chức Ân xá Quốc tế Australia thì cho rằng cần cân bằng giữa việc bảo vệ quyền riêng tư và quyền được bày tỏ của trẻ em trên internet.

Nếu được thông qua, luật sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2025, với các nền tảng công nghệ có 12 tháng để tuân thủ. Bà Julie Inman Grant, lãnh đạo Ủy ban eSafety, khẳng định "Chúng tôi không cấm bơi, mà là dạy trẻ bơi, tạo môi trường an toàn."

Bình luận