Cách người trẻ xuống phố hòa nhịp đại lễ 30/4

TPHCM - Cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên từng ly nước, chiếc áo, con hẻm nhỏ trở thành điểm nhấn trong cách người trẻ hưởng ứng ngày 30/4 tại TPHCM.

Những ngày cuối tháng 4, không khí kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hiện diện rõ trên từng con đường, góc phố TPHCM.

Trong dòng người háo hức chuẩn bị cho dịp lễ đặc biệt này, không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ dạo phố, thưởng thức cà phê hay dừng chân trước những gian hàng lưu niệm in hình cờ đỏ sao vàng.

Đường phố rực rỡ cờ đỏ, ly nước in hình Tổ quốc

Không cần sân khấu lớn hay hoạt cảnh công phu, những quán cà phê hẻm ở trung tâm thành phố cũng đủ để tạo nên một “sân khấu ký ức” đúng nghĩa. Dưới giàn cờ đỏ sao vàng treo thành từng hàng thẳng tắp, nhiều bạn trẻ ngồi quây quần trò chuyện và ghi lại khoảnh khắc cùng bạn bè trong bối cảnh vừa gần gũi vừa trang trọng.

Tại một số quán cà phê, các ly nước được in hình bản đồ đất nước, sticker cờ Tổ quốc dán lên bàn ghế hay những chiếc nón lá phối sắc đỏ - vàng… tất cả hòa thành một bản giao hưởng thị giác gợi nhớ lịch sử theo cách rất “đời thường”.

016a0b6ad3d1608f39c0
Nhóm bạn trẻ trò chuyện check in với nhau tại một con hẻm giữa lòng TPHCM - Ảnh: Nguyễn Hiền

Chị Nguyễn Thị Phương Linh (24 tuổi, nhân viên truyền thông) chia sẻ: “Mỗi năm đến ngày 30/4, tôi thường tìm đến những con đường, dạo quanh các tuyến phố để cảm nhận không khí của ngày lễ đặc biệt này.

Tôi cảm nhận không khí náo nhiệt, tràn đầy tự hào tinh thần dân tộc khi từng con hẻm nhỏ được trang trí rực đỏ lá cờ Tổ quốc. Cờ không chỉ là vật trang trí mà là linh hồn của đất nước với ký ức máu thịt của mỗi người”.

2a7ef07228c99b97c2d8
Bạn Linh tạo dáng cùng quốc kỳ giữa không gian treo đầy cờ đỏ sao vàng - Ảnh: Nguyễn Hiền

Người lớn tuổi góp mặt: Ký ức không phai, tự hào không cũ

Hình ảnh hai người đàn ông lớn tuổi ngồi giữa nhóm bạn trẻ nhâm nhi trà đá, kể vài câu chuyện cũ chính là “mảnh ghép lịch sử sống”.

Ông Nguyễn Văn Hưng (62 tuổi, láy xe ôm) khi được hỏi về cảm xúc mỗi dịp 30/4 đến gần ông chia sẻ với một nụ cười nhẹ: “Tôi đi ngang thấy các cháu đông vui tự nhiên cũng ghé lại. Năm nào cũng vậy tôi càng quý những dịp thế này, không phải vì được nhớ tới mà vì thế hệ sau vẫn còn muốn nhớ”.

Ngồi cạnh, ông Trần Minh Đức (60 tuổi) làm nghề sửa xe gật gù và nói thêm: “Thế hệ chúng tôi từng sống trong những năm tháng thiếu thốn nhìn cảnh mấy bạn trẻ bây giờ được sống vui, sống khỏe mà vẫn biết cúi đầu trước lịch sử là tôi thấy lòng an yên lắm rồi”.

2220c3231b98a8c6f189
Hai chú lớn tuổi cùng ôn lại kỷ niệm về ngày 30/4 - Ảnh: Nguyễn Hiền

Phụ nữ khoe áo dài, cờ nhỏ - tinh thần ngày lễ lan rộng

Từ sáng sớm đến chiều muộn, khu vực Công viên Bạch Đằng (đối diện phố đi bộ Nguyễn Huệ) thu hút hàng trăm lượt khách tham quan bởi không gian trưng bày 15 khẩu đại bác. Những chiếc pháo gắn bảng “đơn vị pháo binh quân giải phóng miền Nam” trở thành phông nền lịch sử sống động giữa lòng đô thị hiện đại.

Chị Lê Thị Ngọc Yến (32 tuổi, quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi muốn lưu lại hình ảnh của mình với màu sắc lịch sử. Đứng giữa khẩu pháo, cờ đỏ xung quanh là tòa nhà cao tầng - tôi thấy rõ mình là người Việt Nam tự hào về quá khứ”.

3e26de2b0690b5ceec81
Chị Yến mặc áo dài chụp ảnh tại khu trưng bày đại bác Công viên Bạch Đằng - Ảnh: Nguyễn Hiền

Dọc lối trưng bày không khó để bắt gặp nhiều bạn nữ mặc áo dài truyền thống với màu sắc khác nhau tay cầm lá cờ đỏ sao vàng nở nụ cười khi ống kính hướng đến. Đó là biểu tượng cho sự tiếp nối thế hệ - khi người trẻ chủ động thể hiện tình yêu nước bằng cách riêng của mình.

Bình luận